Powered By Blogger

Friday, August 30, 2013

Người VN đến Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu) từ bao giờ (Phần Hai)



Tập hợp một số Sự kiện



Thành phố Port Vila Tân đảo năm 1950-1960




Những sự kiện đáng ghi nhớ trong cuộc sống „Tha phương“ của người Việt nam trước và sau thời kì nô lệ tại Tân đảo (New Hebrides – Vanuatu)




Jean Vanson – Vanuatu sưu tầm


LỜI NÓI ĐẦU


Cuộc sông tha phương của người phu mộ Việt nam cuối thế ki 19 sang thế kỉ 20 là cả một chuỗi sự kiện nằm trong khuôn khổ của cuộc sông gian truân cực khổ của người cu-li thời nô lệ. Tác giả không có tham vọng mô tả lại toàn bộ trang sử bi ai của ông bà cha mẹ, những người đã từng là những nhân chứng sống động của chuỗi ngày đen tối đó. Mà mục đích chính là ghi lại những sự kiện và sự viêc tim được trên các nguồn thông tin liên quan đến người VN ở Tân đảo trước và sau thời kì nô lệ (1945) mà thôi.

Do tình hình thiên tai lũ lụt kéo dài ở miến Bắc VN dẫn đến nạn đói khổ triền miên. Buộc người nông dân lao động ồ ạt đăng kí đi phu mộ. Đa số đi phu mộ làm cao su ở miền Nam VN. Số còn lại đi Tân Thế giới làm cu-li mỏ kền và đi Tân đảo làm phu đồn điền trồng dừa, cà phê… Những người đi lao động xa xôi như thế được gọi là « tha phương cầu thực ». Mà phương Tây dùng danh từ « diaspora »  để giải thich cho những công động dân cư di chuyển từ nơi này qua nơi khác.

Vậy chúng ta  cũng nên tìm hiểu đôi điều về danh từ « diaspora » tức sự phân tán dân cư xem sao.

Theo Wikipedia thì Danh từ « diaspora » có nguồn gốc từ Hy lạp dùng để mô tả sự phân tán của một cộng đồng dân cư hoặc một dân tộc qua các khu vực khác trên thế giơi. Thời xa xưa, Cộng đông dân cư Phô xêa ở Pháp buộc phải di tản nhường đất cho đế chế Massalia năm 600 trước CN. (Thành phố cảng Marseille có nguồn gốc từ Massalia).

Diaspora dịch theo tiếng Pháp là « dispersion » có nghĩa là phân tán đi các nơi. Ngày nay người ta còn gọi là cuộc di tản được áp dụng trên toàn thế giới. Bắt đầu từ Ái Nhĩ lan di cư sang Hoa kì. Châu Phi sang châu Mĩ. Đông nam Châu Á ra vùng Thái bình dương v.v…
Dân Bắc kì ở Việt nam ồ ạt đi làm cu-li phu mộ ở các đồn điền cao-su ở miền Nam hoặc đi Tân Thế giới Tân đảo v.v… cũng nằm trong sự phân tán cộng đồng. Nôm na thì người ta hiểu đó  là cuộc sống « Tha phương cầu thực ».

Bài viết dưới đây chỉ ghi lại sự kiện hoặc sự việc nổi bật của từng thời kì mà thôi. Mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến phê bình xây dựng của độc giả, nhằm làm cho sự ghi chép càng ngày được hoàn thiện thêm.

Xin chúc mọi người sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.







Thời kì thứ nhất 1900-1939 (đã đăng kì trước)

Thời kì thứ hai 1940 đến 1947 (Đăng kì này)

Thời kì thứ ba: từ năm 1950 đến 1964 (Tiếp kí sau)



1940. Chình phủ Vichy đã kí  một thoả ước mà nước Pháp bị hoàn toàn phụ thuộc vào nước Đức. Để cứu vãn tình thế, Tướng Đờ-gôn đã đọc lời hiệu triệu trên đài BBC tại Luân đôn, kêu gọi dân chúng Pháp và kiều dân hải ngoại ủng hộ phong trào "France libre" chống lại ách thống trị của ngoại bang.

Chánh sứ Pháp tại Tân đảo, ông Kuter đã gửi điện hưởng ứng. Số đông kiều dân Pháp đã đăng kí gia nhập đội quân Thái bình dương, săn sàng chờ lệnh về Pháp



Tướng Đờ-gôn (General de Gaulle)

Một số giai một thuộc lớp phu mộ VN đã hết hạn hoặc chưa hết hạn hợp đồng đã lên văn phòng nhà chức trách Pháp tại địa phương để xin đăng kí gia nhập quân đội TBD về Pháp chiến đấu. Với mục đích duy nhất là để thoát khỏi cảnh nô lệ cực khổ ở Tân đảo lúc bấy giờ. Rốt cuộc, bị từ chối với lí do là Nhà nước Pháp đang cần người trồng dừa và sản xuất dầu dừa ở Tân đảo hơn là đi trận đánh nhau ở Pháp. Hơn nữa, khi họ nhìn thấy thân hình quá tiều tuỵ của người phu mộ VN, họ cũng ái ngại...


Cụ Phán Nguyễn Đức Thận tại Đà lạt
Chị Nguyễn Thu Lan và con gái chụp hình tại Nhà Bảo tàng Vanuatu ở Port Vila


1941: Theo lời kể của chị Nguyễn Thu Lan (sinh ở Port Vila và hiện đang sinh sống tại Mỹ) thì Ông Phán Nguyễn Đức Thận được cử sang làm việc ở phủ Toàn quyền bên Nouméa Tân Thế giới. Sau bị tình nghi tham gia phong trào Việt nam Công nhân chống đối lại chính quyền sở tại, Ông và Gia đình đã bị chính quyền sở tại trục xuất về Hải phòng năm 1950. Sau đó ông đưa gia đình vđịnh cư ở Quê hương Đà lạt.


1942: Chạy loạn. Mỗi khi có còi ủ báo động, đèn điện tắt hết. Nghe tiếng máy bay ầm ì trên trời là mọi người hối thúc nhau chạy tản mát vào trong rừng. Nơi sơ tán tập trung ở khu rừng của ông Cố-tà tại A-na-bru Tê ba ko. Báo động liên tục cho tới lúc quân Mỹ đổ bộ vào Vila, Santô và Tanna.





1. Máy bay quân sự Mỹ tại đồn điền Bladinieres Efate.   
2. Tầu chiến Mỹ tại cảng biển Havannah.

1942: Quân đội Hoa kỳ đổ bộ vào Santo, Vila và Tanna nhằm ngăn chặn thế tấn công của quân đội Nhật từ phía Solomon xuống. Quân đội Mỹ đông nhất là ở đảo Santô, quân số có lúc lên tới hơn 200 ngàn. Sự có mặt của quân đội Mỹ đã ảnh hưởng rât lớn đến đời sống tinh thần, văn hoá và đặc biệt về kinh tế ở địa phương. Từ một nước nghèo nàn lạc hậu chưa hề biêt máy bay, tầu chiến, tầu ngầm là gì. Thế mà chỉ trong vòng một ngày đêm, mọi thứ đã bị đảo lộn. Quân đội Mỹ đã làm cho đất nước này thay đổi trong chớp nhoáng. Các cụ kể lại là chính thời gian này, bọn chủ đồn điền đã nới rộng việc tự do đi lại cho người phu mộ. Và trên thực té một số đông đã thoát ly không còn ràng buộc với chủ, nhất là đối với bà con phu mộ sang đây từ  trước những năm 1930.

1. Quân đội Hoa kì đổ bộ vào bãi biển Mê-lê.  2. Diễu hành năm 1944 tại Port Vila.

1943. Tầu vận tải quân sự loại lớn của quân đội Mỹ mang tên “President Coolidge” đã bị dính thuỷ lôi của chính họ tại lạch Canal du Segond. Tầu bị chìm nhưng trên 5.000 lính và đoàn thuỷ thủ đều được cứu thoát, trừ thuyền phó và một nhân viên tử nạn. Bây giờ con tầu này trở thành địa danh du lịch thu hút rât nhiều khách tham quan.


Tầu vân tải quân sự lớn mang tên "President Coolidge" của Quân đội Hoa kì chở trên 5 ngàn quân sĩ bị dính thuỷ lôi của chính họ. Chỉ có 2 binh sĩ thương vong. Hiện nay, nơi con tầu đắm trở thành tâm điểm du lịch thu hút khách du lịch thế giới.


Ở đảo EFATE, Mỹ xây dựng cảng quân sự trong vịnh Lelepa, đặt tên là Port Havannah và sân bay dã chiến ở Siviri, sân bay dã chiến ở Bladinières. Di tích còn lại ở nơi này có các xác máy bay, xác xe tăng, vận tải. Ho xây bể chứa nước ngọt cung cấp cho các tàu chiến ở Port Havannah.
Mỹ đã bắn rơi một máy bay do thám của Nhật.


Sân bay dã chiến đầu tiên của quân đội Hoa kì được xây dựng trong khu đồn đièn dừa Bladinieres. Sau đổi tên thành "Bauerfield" để tưởng nhớ Captain BAUER.


Đội múa rồng - sư tư cua tổ chức Khánh hội Long vân

1943. Tổ chức Khánh hội Long vân ra đời tại đồn điền Bladinières, sau khi quân Mỹ đổ bộ và xây dựng sân bay ở đồn điền này. Thực chất là Hội Múa rống, múa sư tử nhằm mua vui trong các ngày Tết ta và Tết Tây. Đồng thời cũng là để gây quỹ tương thân tương trợ, thăm nom người đau ốm, phúng viếng tử tuất ma chay v.v... Cùng lúc đó ở thành phố Vila cũng xuất hiện Hội Tân thanh. Người ta cho rằng hai tổ chức này đều là nguồn gốc của Hiệp hội thợ thuyền VN sau này.
Cùng thời gian đó các Hội hàng tỉnh ra đời. Tỉnh bộ lớn nhất là Nam định, Thái bình đến Hải dương, Hưng yên, Hà nam v.v... Mục đích của Hội hàng Tỉnh nhằm giúp đỡ những người cùng Tinh. Hồi đó các cụ thường coi người cùng làng cùng Tổng là gia đình anh em ruột thịt.


Tiếp bước cha ông. Con cháu người phu mộ kế tục sự nghiệp.

1944. Chính quyền sở tại của Pháp đã điều động ông Phán Nguyễn Đức Thận cùng gia đình sang Thủ phủ Noumea Tân Caledonie (Tân Thế giới) làm việc tại văn phòng Cao ủy Pháp (Haussariat). Đến ngày 17/10 năm 1950 ông và gia đình đã bị trục xuất về Việt nam trên tầu Sontay.Vì bị tình nghi làm cách mạng. Chuyến tầu Sontay chở 747 người hồi hương về Hải phòng.




Cụ Nguyễn Đức Xuyến là một trong những người sáng lập Hội múa Rồng mang tên "Khánh hội Long vân" tại Sở Cặp-tên (Bladinieres) năm 1943.


1944. Xây dưng cổng chào và nghĩa trang người Công giáo Việt Nam tại Mê lê



Cổng chính có cuốn thư Nghĩa trang Công giáo tại Port Vila được xây dựng năm 1944.


Lễ đài tưởng niệm Nghĩa trang người Việt nam tại Port Vila được xây dựng năm 1946.


1945: Nhiều cuộc biểu tình đình công xẩy ra tại các đảo. Cuộc biểu tình đẫm máu xẩy ra ở Sở Ratard Santô năm 1945, tên Bẹc-tô  (Berthault) đã bắn chết 2 người phu mộ Việt nam là các ông Mai Viết Túc và Nguyễn Văn Tráng. Theo nguồn tin không chính thức thì hai ông này đã được Chính phủ Việt nam truy tặng Liệt sĩ, vì có công trong việc đấu tranh chống áp bức bóc lột của thực dân phong kiến thời nô lệ ở Tân đảo.



Hội Liên đoàn Ái hữu Việt nam tại  Port Vila Tân đảo.
Các ông: Đồng Sỹ Hứa - Nguyễn đức Thận - Hoàng Vĩnh Lạc - Bùi Gia Dzự - Nguyễn Viết Công - Trần Tích - Nguyễn Văn Lân - Trịnh Thông v.v...

1946: Thế chiến thứ hai chấm dứt. Quân đội Mỹ gạ bán lại cho chính quyền địa phương toàn bộ trang thiết bị quân sự với gia 1 triệu đô-la. Nhưng bị từ chối, vì họ biết rằng quân đội Mỹ không thể nào vận chuyển trang thiết bị này về Mỹ hoặc đi nơi khác được. Mỹ muốn bán. không muốn cho. Thế là vài trăm ôtô các loại, xe tải, xe ủi, xe gạt, xe lu và các thiết bị khác đươc  vứt xuống biển. Khu biển đó trở thành điểm du lịch nổi tiếng và được đặt tên là “Million dollar point".



1946. Quân đội Mỹ đã vứt bỏ Toàn bộ khí tài quân sự tại Canal Santo Tân đảo



Những người phu mộ Việt nam làm Cách mạng ở Tân đảo
Hàng đầu từ trái: Đặng Long Hưởng - Trịnh Thông - Hoàng Xuân Khất (cụ già Gạo) - Đông Sỹ Hứa - Nguyễn Đắc Cát - Bùi Gia Dzự - Thầy giáo Hớn.
Đằng sau: Vũ Văn Tám - Ông Công Hoàn - Lưu Đình Ngạn v.v...

30/06/1946: Lần đầu tiên trong lịch sử người phu mộ, Quốc kỳ Việt nam đã phấp phới tung bay trên bầu trời thủ phủ Port Vila, giữa hai lá cờ Pháp và Anh do Hội Liên đoàn Ái hữu của  thợ thuyền VN tổ chức. Một sự kiện đã làm rung động bộ máy cai trị của chế độ thực dân vùng Nam Thái Bình dương. 


 Trường dậy tiếng VN đầu tiên của Hôi VN  Công đoan tại Port Vila
do thầy giáo Trịnh văn Thuật phụ trách giảng dậy

Nhưng sau đó, do bất đồng chính kiến nên đã chia thành hai phái. Phái chủ trương đấu tranh ôn hoà là Việt nam Cộng hoà do ông Đặng Long Hưởng cầm đầu. Tổ chức này sau đổi tên thành Hội Liên Việt. Phái chủ trương đấu tranh thị uy bằng sức mạnh là Việt nam Công đoàn do ông Đồng Sỹ Hứa lãnh đạo. Sau này chuyển thành Việt nam Công nông đoàn, thành viên của Tông công hội Pháp CGT.




Trường học "Ecole Vietnamiene" đầu tiên  dậy tiếng Việt nam ở Tân đảo
do hai Thầy giáo Bùi Gia Dzự và Nguyễn Đình Đăng phụ trách giảng dậy.

1946: Liên đoàn Ái hữu xây dựng Trường học dậy tiếng Việt nam đầu tiên được mở cửa ngay tại thành phố Port Vila do hai Thầy giáo BÙI Gia Dzự và NGUYỄN Đình Đăng phụ trách và giảng dậy. Trường lớp là căn nhà thuê lại của ông Lenormand. Phía mặt đường là gian bán thuốc Tây gọi là phác-ma-si. Khu nhá đó hiện nay vẫn còn tồn tại.




Các thầy giáo Bùi Gia Dzự, Nguyễn Đình Đăng và Nguyễn Trọng Quế
chụp ảnh chung với học sinh trường Cộng hoà năm 1947.

Tháng 11 năm 1946. Theo nguyên bản bài viết của ông Đồng Sỹ Hứa  trên trang 66 của cuốn sách "De la Mélanésie au Viet nam" có đoạn như sau:
“Bốn người nổi loạn tại đồn điền Malo-Pass (a) đã bị chôn chung với hai tội phạm giết người khác. Không có nấm mồ, không có bia mộ (b). Mãi đến tháng mười một năm 1946, sau cuộc đấu tranh căng thẳng kéo dài hai tháng trời, đông bào của họ tại Port Vila dưới sự lãnh đạo của Liên đoàn Thợ thuyền (c)  trực thuộc Tổng Công hội Pháp tại Tân đảo, mới dành được quyền xây dựng  cho họ một bia mộ tưởng niệm (d) ”.



Ghi chú: Năm 1986, các cột trụ và giây xích chằng của Bia mộ tưởng niệm đã bị Thủ tướng Lini và một số bà con Việt kiều phá bỏ. Với lý do là để giải phóng xiềng xích cho những người đã chết, vì họ lầm tưởng  là do chính quyền Pháp xây dựng.

1946: Đến cuối năm 1946 ngôi trường Liên đoàn Ái hữu này đã chia thành hai trường. Một trường lấy tên Việt nam Công đoàn chuyển lên phía giáp gốc vối do Thầy giáo Trịnh Văn Thuật phụ trách giảng dậy. Sau này có các thầy giáo Bỉnh, Nghĩa, Đáp đến giảng dậy. Cuối năm 1947 Thầy và trò trường này đã di chuyển vào Trại Việt nam số 2 Tagabe.
 

1947. Trường Liên đoàn chuyển lên nhà khum Mỹ sau Hội đồng khách (Chinese Club) và đổi tên thành trường Cộng hoà. Cũng trong thời gian này, các Hội bắt đầu có phong trào “bình dân học vụ” dành cho người lớn, kéo dài đến tận những năm 1958. Trường học đồng thời cũng là Hội quán dùng để hội hop, tổ chức liên hoan Lễ Tết v.v... 

 Trong hội trường cũng treo quốc kỳ và chân dung lãnh tụ...

Trong trường cũng treo cờ đỏ sao vàng, ảnh chân dung Hồ Chủ tịch, Thủ tướng Phạm văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ông Trường Chinh. Thính thoảng học sinh hai trường Cộng hoà và Công đoàn lại tổ chức choảng nhau loạn xạ.


Mấy tháng sau, trường VN Công đoàn được chuyển vào trại Việt nam số 2 Tagabê.

Trại VN số 1 nằm bên cạnh bờ suối Têuma, giáp với cây cầu. Ở đây cũng mở lớp học dậy tiếng Việt cho các cháu nhỏ.


Tháng giêng năm 1947: Chuyến tầu hôi hương đầu tiên do tầu “Ville d’Amiens” thực hiện. Chở 550 người về Hải phòng. Cùng thời gian này, một trại tập trung lớn được nhà Chức trách xây dựng tại mom Malapoa (Pointe d'Arbel). Các cụ hồi ấy đặt tên là “Đề-bô Thiên lập”. Trại này đã tiếp nhận hơn 300 người ở Santô và 140 người ở Malicolo về đây để chờ hồi hương chuyến tầu tiếp theo. Nhưng bị đình hoãn không rõ lý do.



Ngôi mộ của cố chủ tịch Đặng Long Hưởng 
Nguyên Chủ tịch Liên đoàn Ái hữu VN và  Hội Cộng hoà Port Vila Tân đảo

Năm 1947: Sự kiện đau lòng bất ngờ: Vụ tai nạn xe ôtô thảm khốc ở dốc Creek Ai đã gây thương vong cho 3 người Việt nam. Trong đó có Thầy giáo Đào duy Từ (bị thương), ông Đặng Long Huởng - Nguyên Chủ tịch Hội Liên đoàn Ái hữu VN đầu tiên  tại Port Vila Tân đảo - Chủ tịch Hội Cộng hoà và ông Nguyễn Thế Nhân bị tử vong. Vì lúc đó ông Đặng Long Hưởng đang làm thông ngôn tại Toà sứ Pháp nên được quàn tại nhà xác của Pháp bên cạnh nhà thương giáp khu trại lính bảo an của Pháp.



Đội Thiếu sinh quân Việt nam tại Port Vila năm 1948.
Còn nhậ ra các anh chị: Minh Đản - Tân Điếm - Thoa Xuyến - Lanh Long - Thuỷ Cước  Đại Cai Son - Thận Cáp - Vinh Ức - Nhàn Ngạn v.v...

Tháng ba năm 1947: Một cuộc Tổng đình công do Việt nam Công đoàn tổ chức với quy mô lớn đã làm rung chuyển bộ máy cai trị tại Port Vila. Bãi công, bãi khoá, bãi thị ở khắp nơi. Cuộc biểu tình diễu hành thị uy của hàng ngàn người tập trung từ trại lính bảo an bên cạnh nhà thương Tây lên tới tận dinh Toà sứ Pháp đã làm cho chính quyền sở tại lo lắng và quan ngại tới một cuộc “lật đổ chính quyền sở tại".




1947. Tấu tuần dương hạm Dumont d'Urville tới  Port Vila - Santo -  Norsup phô trương thanh thế nhằm uy hiếp làn sóng đấu tranh của người phu mộ Việt nam tại Tân đảo.

Tháng năm năm 1947: Chính quyền Pháp đã điều động tầu tuần dương hạm “Dumont d’Urville” với vài trăm linh thuỷ đánh bộ tới Port Vila, Malicolo và Santô phô trương thanh thế nhằm uy hiếp tinh thần đấu tranh của dân phu mộ Việt nam và hứa nhanh chóng thu xếp tầu hồi hương cho họ.
Tranh thủ cơ hội, Chánh sứ Kuter và Chánh cánh sát tại Port Vila đã điều động  binh lính đột ngột xông vào trại Tagabê, khám xét văn phòng của Việt nam Công đoàn, tịch thu vũ khí, cờ quạt,  máy in, mãy chữ, các văn bản tài liệu. Khám xét nhà ông Đồng Sỹ Hứa v.v... Ra lệnh cấm không được kéo cờ VN, không được treo ảnh lãnh tụ và cờ trong Hội quán.



Đồng tiền Franc Pháp lưu hành ở Tân đảo từ năm 1940

Tháng 7 năm 1947: Thành lập Hội Việt nam Công nhân tại Nouméa - Tân Thế giới tại khu mỏ Tiebaghi (Tây ba ghi).

 
 Hội Việt Nam Công nhân Tân Thế giới

25/08/1947: Do tình hình ngày càng căng thẳng, Chính quyền địa phương đã gấp rút thu xếp chuyên tầu hồi hương đột xuất. Với mục đích trục xuất các lãnh tụ chủ chốt của Việt nam Công đoàn nhằm dập tắt phong trào đấu tranh của người Việt nam. Tầu “Ville d’Amiens” đã thực hiện chuyến thứ hai với 470 người lớn và 330 trẻ em. Trong số đó có gia đình ông Đồng Sỹ Hứa và các cán bộ chủ chốt của Việt nam Công đoàn như: Đỗ Tích Lễ, Lưu Đình Ngạn, Nguyễn Hữu Bình, Trấn Đưc Nghĩa v.v... Sau đó ở Tân đảo không còn chuyến tầu nào nữa. Phải chờ đợi 16 năm sau, năm 1963 công cuộc hồi hương Việt kiều Tân đảo  mới tiếp tục được thực hiện.



Tầu Ville d'Amiens










Xin chân thành cảm ơn bà con anh chị em và các quý vị đã ghé thăm Blog.
Xin mời quý vị bấm vào link này để xem hình ảnh về Vanuatu của jeanvanjean:


Xin hãy bấm trực tiếp vào ảnh để phóng to xem cho rõ.
Xin chúc quý vị luôn vui khoẻ và may mắn.