Powered By Blogger

Wednesday, November 6, 2013

Đoạn kết về cuộc đời "Tha phương" của người VN ở Tân đảo/Vanuatu (Phần Ba)



NHỮNG SỰ KIỆN
đáng ghi nhớ về lịch sử Tha phương
Của người phu mộ chân đăng Việt Nam
ở Tân đảo - Tân Thế giới.


Jean Van Son sưu tầm và biên soạn.

LỜI NÓI ĐẦU

Cuộc sông tha phương của người phu mộ Việt nam cuối thế ki 19 sang thế kỉ 20 là cả một chuỗi sự kiện nằm trong khuôn khổ của cuộc sông gian truân cực khổ của người cu-li thời nô lệ. Tác giả không có tham vọng mô tả lại toàn bộ trang sử bi ai của ông bà cha mẹ, những người đã từng là những nhân chứng sống động của chuỗi ngày đen tối đó. Mà mục đích chính là ghi lại những sự kiện và sự viêc tim được trên các nguồn thông tin liên quan đến người VN ở Tân đảo trước và sau thời kì nô lệ (1945) mà thôi.

Do tình hình thiên tai lũ lụt kéo dài ở miến Bắc VN dẫn đến nạn đói khổ triền miên. Buộc người nông dân lao động ồ ạt đăng kí đi phu mộ. Đa số đi  làm công nhân cạo mủ  cao su ở miền Nam VN. Số còn lại đi Tân Thế giới khai thác mỏ kền và đi Tân đảo làm phu đồn điền trồng dừa, cà phê, ca-cao… Những người đi lao động xa xôi như thế được gọi là « tha phương cầu thực ». Người phương Tây dùng danh từ « diaspora »  để giải thich cho những cộng đồng dân cư di chuyển từ nơi này qua nơi khác.

Vậy chúng ta  cũng nên tìm hiểu đôi điều về danh từ « diaspora » tức sự phân tán dân cư xem sao.

Theo Wikipedia thì Danh từ « diaspora » có nguồn gốc từ Hy lạp dùng để mô tả sự phân tán của một cộng đồng dân cư hoặc một dân tộc qua các khu vực khác trên thế giơi. Thời xa xưa, Cộng đông dân cư Phô xêa ở Pháp buộc phải di tản nhường đất cho đế chế Massalia năm 600 trước CN. (Thành phố cảng Marseille có nguồn gốc từ Massalia).

Diaspora dịch theo tiếng Pháp là « dispersion » có nghĩa là phân tán đi các nơi. Ngày nay người ta còn gọi là cuộc di tản được áp dụng trên toàn thế giới. Bắt đầu từ Ái Nhĩ lan di cư sang Hoa kì. Châu Phi sang châu Mĩ. Đông nam Châu Á ra vùng Thái bình dương v.v…

Dân Bắc kì ở Việt nam ồ ạt đi làm cu-li phu mộ ở các đồn điền cao-su ở miền Nam hoặc đi Tân Thế giới Tân đảo v.v… cũng nằm trong sự phân tán cộng đồng. Nôm na thì người ta hiểu đó  là cuộc sống « Tha phương cầu thực ».

Bài viết dưới đây chỉ ghi lại sự kiện hoặc sự việc nổi bật của từng thời kì mà thôi. Mong rằng sẽ nhận được nhiều ý kiến phê bình xây dựng của độc giả, nhằm làm cho sự ghi chép càng ngày được hoàn thiện thêm.

Xin chúc mọi người sức khỏe dồi dào, gặp nhiều may mắn và hạnh phúc.

PHẦN BA (cuối)
Thời kì cuói từ năm 1950 đến 1964.

1950. Đội bóng đã trung niên chân giầy của người phu mộ Việt nam ra đời tại Port Vila Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu.

Từ trái. Hàng dứng: Bac Tốn Từ - bác Tâu - bác Minh - bác Đạt ...
Hàng ngồi: bác Hiện - bác Cân - bác Trần Sinh - bác Trừ văn Quả -   


1950 (14/06). Phủ Toàn quyên Tân Thế giới ra sắc lệnh cấm kéo cờ, treo cờ đỏ sao vàng và ảnh các Lãnh tụ Việt minh trong Hội quán Việt nam Công nhân tại Nouméa. Lệnh này cũng được chính thức áp dụng cho Tân đảo.

1950 (tháng 9). Cuộc Tổng đình công lớn đã xẩy ra ở khu mỏ Tây-ba-ghì (Tíebaghi) Tân Thế giới. Toàn bộ công nhân Việt nam đã đồng loạt bãi công. Mỏ đã đưa 30 công nhân người Maré vào làm việc tại đây.

1950 (Ngày 17/10). Nhà cầm quyền ở Nouméa đã tổ chức hồi hương cho 747 người trên chuyến tầu Sơn Tây về Hải phòng, trong đó có 49 người phu mộ VN ở Tân đảo.

1952 (Ngày 30/03).  Vì sắc lệnh năm 1950 không được chấp hành triệt để, Nhà cầm quyền Nouméa buộc phải ra sắc lệnh lần thứ hai nghiêm cấm việc treo cờ VN, ảnh lãnh tụ, biểu ngữ trong toàn miền.

 
Tầu Son Tay


1952 (Ngày 15/10). Một số công nhân Việt nam đã hết hạn hợp đồng ra làm nghề tự do. Mỏ Tiebaghi buộc phải tuyển mộ 165 công nhân ở Tahiti đến Tân Thế giới bằng tầu Sagitaire để dần dần làm việc thay thế người VN ở mỏ này.

1952: Những sự kiện đáng ghi nhớ:

1. Một sự kiên Thể thao đặc biệt: Anh Dominique Khat (Quạt), con trai duy nhất của Cụ già Gạo tức Hoàng Xuân Khất đã đoạt chức vô địch cuộc đua xe đạp của Thành phố Vila tổ chức.

Ảnh bên trái: Cụ Già Gạo cầm cở năm 1946 - Ảnh Phải: Anh Dominique Khat



     2. Có một số bà con Việt kiều đã tự mua vé máy bay về Việt nam. Như bác Tu, bác Huấn, bác Mạnh, bác Ích v.v... Toàn giai một.





3. Học sinh Việt nam học tại Trường Pháp (école publique francaise), tôt nghiệp Sơ học yếu lược hàng loạt. Trong đó có: Vu Thị Tý - Nguyễn văn Đại - Vũ thi Trang - Trần đình Khoái - Jacques Phơ - Bùi văn Sự - Bùi Ngọc Bích - Đỗ viết Vinh.


4. Bến xe Taxi của người Việt nam tại Port Vila Tân đảo được hình thành ngay tại trung tâm thành phố.



1956. Bến xe Taxi của người Việt nam tại Port Vila Tân đảo/Vanuatu


   5. Trận động đất lớn kèm theo sóng thần tại Port Vila, nhưng không gây tổn thất về người. Sóng thần tạo nước triều dâng cao ngập đường phố và các đồn điền ven biển. Mãi về sau mới biết được tại sao Sóng thần không phát triển lớn để có thể gây tác hại. Chính vì cấu tạo đặc biệt của thềm lục địa ở đây đã làm giàm sức phá hoại của sóng thần.

 Động đất mạnh làm nứt vđường giao thông

1953-1954: Những sự kiện nổi bật: 


Năm 1954. Đoàn Thanh Thiếu Niên Việt nam Tại Tân Thế giới được thành lập.
Chúng ta còn nhận ra chị Phăm, chị Thu, anh Chỉnh, anh HUấn, anh Đức...





Linh mục Giu se Nguyễn Năng Vinh (4/10/1908-22/11/1977)

    * Cha Giu-se Nguyễn Năng Vịnh, một vị Linh mục Việt nam sinh tại làng Đại đ Bùi chu. Ngài được Cha xứ Bùi chu cử sang Port Vila năm 1953.. Ngài chỉ đạo xây dựng Giáo xứ Thiên môn (Porte du Ciel). Ngài vừa hành đạo vừa làm các công việc về đời trong cộng đồng giáo dân Việt nam tại Port Vila.




Cộng đồng người Công giáo Việt nam tại Port Vila Tân đảo/Vanuatu

* Một cuộc biểu tình thị uy lớn do Việt nam Công nông đoàn và Liên Việt tổ chức  dấy lên làn sóng đòi tầu hồi hương, đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt nam.


Hình ảnh bà con Việt kiều Santô biểu tình đòi tầu hồi hương năm 1961



·         Mít tinh lớn chào mừng Chiến thắng Điện Biên phủ 07/05/1954, có sự tham gia đông đảo của kiều dân Pháp, dân địa phương và người nước ngoài tại Port Vila.




1955: Mít tinh biểu tình mừng chiến thắng Điện biên phủ 07/05/1954 và thắng lợi của Phái đoàn Ngoại giao  nước Việt nam Dân chủ Cộng hoà (VNDCCH) tại Hội nghị Genève do Thủ tướng Phạm Văn Đồng lãnh đạo.




Việt kiều Port Vila Tân đảo tổ chức Liên hoan mừng Chiến thắng Điện Biên phủ


1956: Có mấy sự kiện: 
·         Thành lập tổ chức Việt nam Thanh Thiếu niên  Ái quốc đoàn (VNTTNAQ) Vila Tân đảo do anh Nguyễn Văn Đại (giáo viên) phụ trách, dựa  trên cơ sở điều lệ của Đoàn VNTTNAQ bên TTG do anh Nguyễn đình Huấn trực tiếp cung cấp tư liệu. Đồng thời Đoàn Thanh niên Vila cũng được thành lập.


Thành lập Đoàn Thanh Thiếu niên Ái quốc tai Tagabe Port Vila Tân đảo
Từ trái: Cụ Nguyễn Viêt Công Tổng thư kí VNCNĐ - Tăng xuân Lê - Nguyễn Phú - Đặng xuân Thu - Nguyễn Thế Tân (Phó đoàn) - Lê Xuân Thủy (Thủ quỹ) - Nguyễn Văn Đại (Trưởng đoàn) - Tạ xuân Vinh - Dương xuân Nhị - Nguyên Văn Tân - Cao Văn Thế - Nguyễn văn Tốt - Tạ xuân Ban - Trần hữu Tình - Ông Tổng đại biểu Nguyễn văn Yết.
.
·         Thành lập Đội Thiếu niến Tiền phong tại trường VN Công nông đoàn Tagabê.


1956. Các Thầy giáo Đặng Viết Thế - Nguyễn Văn Đại và Dương Văn Đạm chụp ảnh chung với học sinh trường VN Công đoàn tại Tagabê Efate Tân dảo/Vanuatu.



01/06/1956. Thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong VN tại Tagabe Port Vila Tân đảo.
Từ trái: Thầy giáo Đặng Viết Thế. Các đội viên: Vũ Thị Độ - Nguyễn Thị Khánh - Cao Văn Long - Nguyễn Thị Trong - Cao văn Lệ và các thầy giáo Nguyễn Văn Đại - Dương văn Đạm.


Ngày 15/09/1956, Tướng Đờ-Gôn (General De Gaulle) đã ghé thăm Thủ đô Port Vila Tân đảo bằng tầu khách "Caledonien". Ngài đã được đông đảo nhân dân địa phương ra đón tại cầu tầu Douanes trong đó rất đông bà con bà con Việt kiều.

1958: Có mấy sự kiện:


·         Tầu “Sagittaire” ghé Port Vila. Trong số hành khách có các vị lãnh đạo phong trào công nhân VN tại Tân Thế giới bị chính quyền Pháp trục xuất về Hải phòng. Có Ông Đào xuân Phùng và con trai Đào Xuân Long, ông Trịnh đình Tư v.v...


·         
 Đội bóng đá thanh niên VN đầu tiên được thành lập ở thành phố Vila do đội trưởng Trấn Sâm lãnh đạo, thi đấu với đội hỗn hợp Impassible – Amicale.


·         Ban Văn nghệ Thanh niên Tagabê được thành lập do anh Nguyễn Thế Tân phụ trách. Ban Văn nghệ Liên Việt cũng ra đời do ông Nguyễn Tuân phụ trách.




Ban Văn nghệ Tagabê do Nguyễn Thê Tân phụ trách. Các thành viên gồm có:
Văn Thọ - Phiên - Khánh - Long - Hằng - Lập - Trong - Sạch - Định - Minh -  v.v...




Ban Văn nghệ Liên Việt. Tính từ trên: Trần Thanh - Nguyễn Tuân - Trần Xuân - Chị Hạt - Chị Được - chị Lụa - Chị Lý - anh Bạch - anh Long - anh Thận - anh Thân - anh Luỹ - anh Huân - anh Thuỷ - cháu gái ông Tuân - chị Phục - chị Hồng - cháu gái ô Tuân.


 
Từ trái qua phải: Các chị Cúc Martine - Maxime Sonobe - Lý Lân - Tuyết Tích - Chị Bạch - Hoa Lợi - Quý Thông - Phong Sinh - Thuyên Ruân - Cung Kê



Đội ca nhạc Tagabê do anh Đào Văn Khải phụ trách. Từ trái: Đào Văn Khải - Kiều Văn Ý - Nguyễn Thị Trong - Dương thị Hằng - Đỗ Viết Vinh - Nguyễn thị Sạch - Nguyễn thị Khánh - Nguyễn Văn Đại - Nguyễn Văn Thọ - Lê Xuân Thủy - Nguyễn Thế Tân và Nguyễn Văn Tốt.



  Bà giáo JS Pommadère Hiệu trưởng trường Pháp (ecole publique)
tại Vila dẫn đoàn học sinh giỏi của trường thăm đảo Santô trong đó có nhiều học sinh Việt nam. Đã được ông Võ Cao Tầng Chủ tịch Hội Liên Việt Santo đón tiếp nồng nhiệt và chiêu đãi trọng thể.

1958 (28/04). Phái đoàn thương thuyêt về vấn đề hồi hương của Chính quyền Tân Thế giới đã gặp Chủ tich Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm văn Đồng, thương nghị về việc giải quyết hồi hương cho Việt kiều TTG -TĐ. Mặc dù chính phủ Pháp chưa có quan hệ ngoại giao với Việt nam.

1959: Những sự kiện: 

Toàn cảnh khu cảng xuất khẩu quặng  mang-gan tại FORARI Efate Tân đảo



Sau 50 năm. Di tích còn tồn tại của khu mỏ FORARI - EFATE Vanuatu

·         Mỏ mang-gan (maganèse) ở Forari bắt đầu xây dựng do Công ty CFPO (Compagnie francaise des Phosphates de l’Oceanie) làm chủ thầu khai thác. Rất đông người VN vào làm việc ở khu mỏ này. Đến năm 1962, đội bóng đá “Chiến thắng” cũng ra đời ở khu mỏ Forari này, do anh Nguyễn văn Long làm Đội trưởng..




1960. Sân vận động Thanh niên Việt nam tại Camp Chapuis Santo Tân đảo

1960. Đại hội TDTT thanh niên VN tại sân vận động Tagabe Tân đảo.
Sân vận động này do ông Renê Valette tham gia xây dựng.

·         Thể theo yêu cầu của Thanh niên Việt nam tại Port Vila, ông René Valette – Thủ môn nổi tiếng của Đội Impassible và Đỏi tuyển Neo-hébridais. Đồng thời là cán bộ Giao thông công chính của Condominium đã trực tiếp giúp đỡ san lấp và xây dựng sân vận động ở Tagabê. 
·         Một trận bão cực lớn đã tàn phá Port Vila. Gây tổn thất lớn cho các đồn điền và nhà cửa dân cư, nhưng không gây thiệt hại về tính mạng con người. Pháp và Úc đã dùng máy bay C130 trực tiếp chuyên chở hàng cứu trợ từ Úc và Nouméa tới Port Vila. Số đông quân đội các nước đã tham gia cứu hộ và xây dựng lại các công trình bị bão đánh sập. Từ trên máy bay nhìn xuống mới thấy hết cảnh tàn phá ghê gớm của bão.

1960 (04/06). Thoả thuận giữa Chính Phủ Pháp và VIệt nam DCCH về việc tổ chức hồi hương cho bà con Việt kiều Tân Thế giới - Tân đảo về Hải phòng.

1960. Đón tiếp PV VŨ Hoàng tại Trụ sở Việt nam Công nông đoàn Tagabê.


Mít tinh lớn Chào mừng ông Vũ Hoàng - Trưởng đoàn Ngoại giao VNDCCH.
Nhiều gương mặt quen thuộc như: TG Than - Cụ Xuyến - Minh Đốm - ông Khíp - ông Thê - ông Tịnh - PV Vũ Hoàng - anh Đạm - ông Đoài - anh Nghếch - bà Từ - bà Song - bà Củng - bà Tẩm - chị Lan - ông Yết - ông Tắc - ông Ức - ông Kính - ông Khải - ông Củng - Văn Sơn - ông Đắc - ông Cân - ôg Khuê trắng - ông Biến - Cụ Công -  Minh Tâm v.v...


1960: Một số sự kiện: 

Tại Luganville Santo, cô Rosabella Phạm Thị Hông Thắm. Con gái cả cụ Phạm văn Thân, đã  được bầu là Hoa hậu Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu). Cuộc thi hoa hậu được tổ chức tại Hotel Rossi Santo.


Rosabella PHAM Thị Thắm - Miss Santo 1960 
 
 Thành lập Đoàn Thanh niên Hồi hương Tagabe Tân đảo

·         Đón chào Ông Vũ Hoàng - Trưởng phái viên Ngoại giao VNDCCH tới Nouméa và Vila gặp gỡ các chính quyền địa phương nhằm giải quyết vấn đề hồi hương Việt kiều Tân đảo – Tân Thế giới. Phong trào thể dục thể thao thanh niên được mở rộng.


1960. Đội bóng đá chân giầy lão tướng tại sân cỏ Tagabe Tân đảo
Từ trái. Đưng: Bác Đoài - Cụ Nạp - bác Cư - bac Kính Ale - Bác Phiến - bác Thành
Ngồi: Bác Hộ - bác Tác - bác Cân - bác Minh - bác Lịch


1960. Bà con Việt kiều Port Vila  đón chào Phái đoàn Ngoại giao VN tại Tagabê

·        * Ông Trần Văn Cẩn, phái viên Cộng hoà VN cũng sang Vila vận động bà con VK về miền Nam. Nghe đâu ở bên Nouméa thi có Nghị sĩ Đỗ Mạnh Quát sang thương thuyết vận động.

Ông Trần văn Cẩn và phái đoàn miền Nam sang Port Vila thương thuyết

·         Bởi vậy, theo thoả thuận chung, một phòng đăng kí đã được mở cửa tại Délégation francaise ở Vila và Santo để mọi người tự nguyện đăng kí.
1.     Đăng kí về Miền Bắc VN (kết quả 90%)
2.     Đăng kí ở lại địa phương (kết quả 10%)
3.     Đăng kí về Miền Nam VN (kết quả 0%)




Đội tuyển bóng đá U23 Thanh niên Tagabê Tân đảo gồm có:
Đứng: Văn Đại - Dương Nhị - Trần Ngọc - Dương Đạm - Đỗ Sáng - Nguyễn Tốt
Ngồi: Đặng Xuyên - Kiều Thế - Nguyễn Thọ - Thế Tân - Nguyễn Quỳ.

·         Phong trào Văn hoá Thể thao bắt đầu được tổ chức và phát triển. Các đội tuyển của Thanh niên Thành phố và Tagabê được thành lập. Các đội Văn nghệ cũng được tổ chức. Ông Vũ Hoàng đã hết sức ca ngợi tinh thần yêu nước cao cả của kiều bào VN ở nước ngoài. Ông đã xem và uỷ lạo các đội bóng đá. Khen ngợi các diến viên không chuyên của các đội văn nghệ  tại Port Vila.

·         Đội tuyên bóng đá thanh niên U25 ở Tagabê thi đấu giao hữu. Bị đội Golden Star của Maxime Carlot hạ tỉ số 2-0.




  Đội tuyển Thanh niên VN Thành phố Vila gồm có: 
Đứng: Trần Bạch - Trần Xuân - Nguyễn vaăn inh - Trần Sâm (C) - Nguyễn Hiển - Trần Thanh
Hàng ngồi: Gilbert Trinh - Trần Tân - Bùi Sự - Nguyễn Long - Bùi Thành

30/12/1960: Tầu Eastern Queen thực hiện chuyến tầu đầu tiên chở  551 bà con VK Nouméa Hồi hương. Hoàng hậu Phương đông thực hiện được 3 chuyến trọn vẹn thì có lệnh ngừng do áp lực của chinh quyền Miền Nam Việt nam với Chính phủ Pháp.




1960. Tầu Eastern Queen thực hiện chuyến đầu tiên chở Việt kiều Nouméa về VN.

1961 (29/01): Eastern Queen thực hiện chuyến hai với 537 Việt kiều Tân Thế giới.

1961 (07/03): Chuyến thứ ba với 549 Việt kiều TTG. Sau đó bị đình hoãn vô thời hạn.

Những sự kiện: 
·         Tháng 4: Tin về cuộc Hồi hương bị đình hoãn như xét đánh mang tai. Ở Vila và Santô khí thế chuẩn bị hồi hương đang dâng trào cao độ tự nhiên xẹp xuống như bóng xì hơi.




1961. Lính Bảo an Pháp ngăn chặn Đoàn Biểu tình đòi tầu hồi hương
trước cồng Toà sứ Pháp Port Vila bên cạnh Toà án.



1961. Lính Bảo an Pháp ngăn chặn Đoàn Biểu tình ngay tại cổng Toà sứ Port Vila.

·         Một cuộc biểu tình lớn phản đối chính quyền miền Nam làm áp lực với Pháp đình hoãn công cuộc hồi hương. Đòi chính phủ Pháp tiếp tục hồi hương Việt kiều. Cuộc biểu tình đã bị lính bảo an ngăn chặn ngay trên đường vào Toà Chánh sứ Pháp gần Toà án Vila.




1961. Bà con Việt kiều Vila biểu tình đòi tầu hồi hương




1961. Bà con Việt kiều Santô biểu tình phản đối việc ngừng hồi hương.

·         Ông Vũ Hoàng đã trở lại Vila đả thông tư tưởng cho bà con. Những người làm việc cho các hãng mà có tên trong bản danh sách hồi hương rơi vào tình trạng “thất nghiệp” vì hầu như người nào cũng đã xin nghỉ việc chờ tầu. Chính quyền tạm thời thu xếp công việc làm cho anh chị em đi phát cỏ và dọn  vệ sinh tại khu vách núi từ máy Cà-phê lên giáp thành phố. Chỉ một ngày cả khu đồi đã được don sạch. Nhà chức trách khen ngợi anh chị em VK làm giỏi hơn dân đen. Sau đó họ đã thương lượng với các hãng cho mọi người được trở lại làm việc như cũ.

Phái viên Ngoại giao VN  VŨ Hoàng

1962: Những sự kiện:


1962. Khai mạc Đại hội TDTT Thanh niên Việt nam
tại sân vận động Tagabê Tân đảo.
Các Đội Việt trung - Đoàn kết - Hoà bình - Bình minh - Sao vàng - Ánh sáng - Chiến thắng...


·         Phong trào Thể dục Thể thao Thanh niên Việt kiều Port Vila đạt đỉnh cao chưa từng có. Tiêu biểu là Đại hội TDTT được tổ chức tại sân vận động Tagabê với hàng trăm vận động viên tham dự. 7 đội bóng đá nam, 4 đội bóng chuyền nam và  nữ, 1 đội tuyển bóng đá nam hạng A mang tên USV tức Hiệp hội Thể thao VN (Union Sportive Vietnamienne) do anh Trần Sâm (Samuel) làm đội truởng. Ông Philippe Delacroix làm “ông bầu” danh dự.




1962. Đội tuyển TN Việt nam tại Port Vila Tân đảo gồm có: ĐT Trần Sâm -

Đứng: Trần Sâm - Thành Hoàn -Quỳ Khải - Đạm Biến - Hiển Từ - Cát Khải - Nhị Biến.
Ngồi: Nguyễn Tốt - Ngọc Ký - Văn Thuỳ và Văn Sợi (NC) - Xuyên Thụ

·         Mỗi khu vực dân cư đều xây dựng đội bóng đá và bóng chuyền riêng của mình:



1962. Đội bóng chuyền nữ Ánh sáng Máy Cà-phê gồm có:
Đứng: Cúc Martine - Thế Liễn - Vy Xuân - Lan - Vân Tám - Vượng
Ngồi: Hằng Khải - Nụ Củng - Môn Tình - Huê Củng.



Đứng: Cát Khải - Vinh Ức - Văn Đại - Văn Đạt - Văn Thụ - Quỳ Khải- Long Tám - Sáng Ức.
Ngồi: Văn Khoát - Thân Tươi - Thịnh - Gaby Sự - Vinh Củng - Tuyết - Tâm Tẩm.

a.     Máy Cà phê: Đội Ánh sáng của Nguyễn văn Đại có 1 đội bóng đá nam và 1 đội bóng chuyền nữ.

Đội Bóng đá Bình minh thành phố Port Vila Tân đảo
Đứng: Quang Khanh - 2 người không nhớ tên - Uyên Các - Hiển Từ - Lộc Thùy
Ngồi: Vinh Từ - Thành Hoàn - Văn Thuỳ (NC) - Tân Ất - Cường Mêlê.

b.    TP Vila: Đội Bình minh của Nguyễn văn Vinh có 1 đội bóng đá nam và 1 đội bóng chuyền nữ.




Ảnh chung của hai Đội Đoàn kết của Nguyễn Thế Tân
và Đội Việt Trung của Hoang Văn Đường.

c.     Tagabê: Đội Đoàn kết của Nguyến Thế Tân có 1 đội bóng đá nam và 1 đội bóng chuyền nữ. (rât tiếc không có ảnh riêng của Đội)

Đội Bóng đá Sao vàng khu vực Ba-lăng năm 1960


Đứng: Thanh Tích - Ngọc Thoa - Xuân Tích - Thận Sinh - Bạch Tích
Ngồi: Moustique - Trần Vị - Văn Dũng - Thế Ất - Trịnh Việt .

Đội Sao vàng 1962. Ngồi: Huân Ruân - Thế Ất - Sự Tích - Moustique - Việt Thuật.
Đứng: Ngọc Thoa - Thanh Tích - Đạm Biến - Vinh Oánh - Ngọc Ký - Long Lân -
Xuân Tích - Sâm Bằng - Bạch Tích.

d.    Khu Ba-lăng: Đội Sao vàng của Trần Văn Sâm có 1 đội bóng đá nam.

Đội bóng đá Chiến Thắng khu mỏ mang-gan ở Forari
Đứng: Nghếch Tám - Long Lân - Thành Hoàn - Xuyên Thụ - Luỹ Ruân - Hoành Santô -
Ngồi: Uyên Các - Ngảnh Tích - Triển Tũn - Thu - Định Mêlê  và ông Lạc Giò.

e.     Khu Forari: Đội Chiến thắng của Nguyến văn Long có 1 đội bóng đá nam.



1958-1960. Ảnh toàn bộ khu nhà máy chế biến quặng mang-gan FORARI.
Rất nhiều Thanh niên VN  ở Vila và Santô đã từng làm việc trong khu mỏ này.

f.      Ngoại thành: Đội Việt Trung của Hoàng văn Đường có 1 đội bóng đá nam.
g.    Hỗn hợp: Đội Hoà bình của Nguyễn văn Lập (Santo) có 1 đội bóng đá nam.

Đội tuyển bóng đá Thanh niên VN USV đoạt CÚP luân lưu

h.    Tuyển chọn một số cầu thủ giỏi vào đội tuyển bóng đá Thanh niên Việt nam (USV) – Union Sportive Vietnamienne – do anh Trần Sâm lãnh đạo. Thành viên của đội tuyển:  Dương văn Đạm – Dương văn Nhị - Nguyễn văn Tốt – Trần đình Ngọc – Đặng Xuyên – Nguyễn Thụ - Nguyễn Quỳ - Nguyễn Cát – Văn Sợi và Văn Thuỳ (thủ môn) VK Nouméa. Dự bị: Nguyễn Thế Tân – Văn Đại – Văn Thọ - Vũ Minh.



Chung kêt CÚP Vô địch Hiệp hôi Bóng đá Tân đảo.
Đội Thanh niên VN USV hạ đội SUMAT đoạt chức vô địch và CUP luân lưu.

·          Đội USV vào chung kết hạ đội SUMAT của Maxime Carlot với tỉ số 3-1 đoạt cúp vô địch của Hiệp hội bóng đá EFATE. (sau khi hạ nhiều đội sừng sỏ như Impassible, Amicale, Golden Star v.v...). Maxime Carlot sau trở thành Thủ tướng và Chủ tịch quốc hội  nước Công hoà Vanuatu nhiều nhiệm kì.

2012. Nguyên cựu Thủ tướng Vanuatu Maxime Carlot đã thân mật nói chuyện với anh Trinh Tài và đoàn VK trở về thăm lại quê hương thứ hai tại nhà ông bà Văn.

 1963: Một năm đặc biệt với những sự kiện:
·         Ông Lê Trung Thuỷ dẫn đầu phái đoàn Hồng Thập Tự sang Nouméa và Vila giải quyết tiếp việc hồi hương của Việt kiều theo đường lối nhân đạo. Lúc này Phong trào Thể duc Thể thao Thanh niên Việt kiều đã đạt đỉnh cao.





PV Lê Trung Thuỷ chụp ảnh lưu niệm với nam nữ vận động viên

tại sân vận động Tagabê EFATE Tân đảo năm 1963. 


·         Ông Thuỷ có nói: "Đất nước ta tạm thời còn bị chia cắt. Chiến tranh có thể xẩy ra bất cứ lúc nào. Nếu bà con chờ khi nào nước nhà Thống nhất hãy về cũng chưa muộn". Một câu nói đầy tình Nhân đạo nhưng không ai để ý. Thậm chí có người còn bảo: ”có lẽ ông này là người của chính quyền miền Nam cử sang đây để tuyên truyền hay sao mà lại nói câu khó nghe quá”...
·         Nhiều người còn nói: “Bà con chúng tôi đoàn kết đấu tranh gian khổ trong bao nhiêu năm, đến hôm nay mới thực hiện được nguyện vọng của mình. Thế mà các bác lại bảo chúng tôi hoãn lại chờ nước nhà thống nhất hãy về là làm sao?”.
·         Nhưng rồi công cuộc hồi hương lịch sử cũng đã được thực hiện.






·         28/07/1963: Sự kiện lịch sử. Tầu Eastern Queen thực hiện chuyến tầu hồi hương thứ tư nói chung và là chuyến tầu thứ nhất của bà con Việt kiều Port Vila nói riêng. Trên tầu có 66 người nguyên là Việt kiều Tân đảo/Vanuatu sang Nouméa làm ăn sinh sống. Cộng với 490 người Việt nam sinh sống tại đảo EFATE.

Vila không có Cảng. Tầu neo đậu giữa Vịnh Người và hàng hoálên tầu vất vả.

·         Trong số này có gia đình và anh chị của Văn. Vồn liếng, tài sản có gì đều được thu gom đóng hòm, đóng két để mang về. Hình như mỗi người được mang 250 kí hành lí. Nhưng trên thực tế nhiều người khôn ngoan đã tranh thủ mua sắm dủ các loại hàng hoá, đồ dùng đóng két mang về. Có người mang cả tấn hàng hoá. Một số người mang cả xe ô-tô Peugeot 403, 404. Đặc biệt xe đạp Peugeot được yêu chuộng. Có người mua đóng két vài chục cái xe đạp. Rồi mô-tô, xe Vespa Piaggio đủ các loại được đưa lên tầu. Chưa hết, có người không có tiền mua sắm chỉ nhặt nhạnh vỏ chai  và trái dừa già đóng hòm. Hoá ra mấy ông bà này lại trúng lớn.

Tầu Eastern Queen neo đậu ngoài cửa Vịnh Vila sóng to gió lớn. Bà con VK hồi hương phải leo xuống sà-lan rôi lại leo lên câu tầu cực kì vất vả.
Nhưng ai cũng hồ hởi, phấn khởi.

·         Có nhiều người không mua bán gì cả vì tin lời Phái viên Vũ Hoàng nói: “Ở trong nước bây giờ chẳng thiếu thứ gì, bà con chỉ cần mang tiền về sẽ có đủ hết”. Trong số bà con này khi về Việt nam mời thấy ân hận là không sắm vài cái xe đạp Peugeot.

·         09/08/1963. Sau 13 ngày đêm lênh đênh trên biển Thái Bình dương, tầu Hoàng hậu Phương đông đã cập bến Cảng Hải phòng. Lần đầu tiên bước chân đến một đất  nước xa lạ, nhưng lại là  Quê hương thân yêu của ông bà, Cha mẹ. Nơi mà các cụ đã xa rời mấy chục năm trường. Hôm nay Tổ quốc Việt nam đã hân hoan mở rộng vòng tay đón mừng đàn con đi xa trở về...

28/08/1963: Chuyến tầu thứ 5 chở  550 bà con Việt kiều Santô về Hải phòng.
28/09/1963: Chuyến tầu thứ 6 chở  554 người. (Nouméa)
27/10/1963: Chuyến tầu thứ 7 chở 549 người. (Nouméa)
26/11/1963: Chuyến tầu thứ 8 chở  555 người.(Santô)
26/12/1963: Chuyến tầu thứ 9 chở  182 VK NC - 297 Vila - 73 Santô.
26/01/1964: Chuyến tầu thứ 10 chở 545 người Nouméa.
25/02/1964: Chuyến cuối thứ 11 chở 248 người Nouméa.

Bản tin của Báo Nouvelles Caledoniennes




Việt kiều Santô đón tiếp Phái viên Hồng Thập Tự tại Cảng Canal.



BCH Đoàn Thanh niên VK Santô với bác Kim và Dụ



Hội Phụ nữ Liên Việt Santô



Bà con VK Santô vui mừng bước chân lên tầu Eastern Queen tại Cảng Canal.

·         Từ cuối năm 1963 đến đầu năm 1964: Tầu Eastern Queen tiếp tục chuyên chở bà con VK Santô và Nouméa về nước. Ở hai nơi này, bà con hồi hương bước chân lên tàu được thoải mái hơn nhiều so với Vila, vì có cảng để tầu áp mạn. Bên Vila tầu neo đậu giữa Vịnh, sóng to gió lớn. Xà-lan chở người áp mạn tầu bồng bềnh trên sóng, cho nên việc leo lên cầu thang tầu là một việc cực kì vất vả gian truân, đặc biệt đối với các cụ già, phụ nữ và trẻ nhỏ...


Trạm 50 Đường Lê Khánh Thiện Hải phòng (Ảnh minh họa internet)

Trạm 50 lịch sử tại Cảng Hải phòng: Nơi bà con Việt kiều tập trung lần cuối cùng và cũng là nơi bà con chia tay nhau mỗi người một ngả. Người về vùng xuôi, người đi lên vùng rừng núi xa xôi hẻo lánh, Để rồi cũng đúng 50 năm sau mới có dịp gặp lại nhau tại cái nơi mình đã sinh ra.... ở mãi tận chân trời Ca lê đô ni và Vanuatu...





Trái đất tròn... Sau 50 năm Ta lại gặp Ta ở nơi đã sinh ra chính mình.






2012. Chụp ảnh lưu niệm tại nhà anh chị Tưởng

trước khi chia tay trở lại Quê hương Việt nam.




Gần 100 năm về trước các cụ công nhân phu mộ chân đăng đã gạt lệ  rời bỏ Quê hương thân yêu dấn thân đi  tìm con  đường sống nơi Tân thế xa xôi...

Một đoạn đường vòng lịch sử. Cách đây gần một thế kỉ, các cụ nhà ta cũng từ nơi bến Cảng Hải phòng này bước chân lên con tầu Pierre Loti hoặc La Pérouse (Các cụ đọc là "Bê rô-ti" và “la bê-rui”) với một tay nải vài ba bộ quần áo nâu sòng,  thất thểu đi tìm con đường sống còn ở tận bên kia Tân thế... Hôm nay trở về rạng rỡ hiên ngang với một bầy con cháu đông vui gấp bội phần, vô cùng tự hào với danh nghĩa Việt kiều yêu nước...

… 90 năm đã qua đi nhanh chóng, nhưng cũng đã để lại biết bao nhiêu kỉ niêm đau buồn của cuộc sống tha phương đầy mồ hôi, nước mắt, máu và cả sinh mệnh con người phu mộ. Chúng ta không thể nào quên được là hàng ngàn người phu mộ Việt nam đã không có cơ may trở lại quê hương bản quán của mình. Họ đã ngã xuống dưới sự áp bức vô cùng dã man của các chủ đồn điền, cai kí và cả bệnh tật tại các đảo Ê-pha-tê, Santô, Ma-li-cô-lô, Ê-pi, Pa-mà, Ma-lô, Ao-rê, Păng-ti-côt v.v…

 

 

Riêng  Nghĩa trang lớn ở Port Vila đã có khoảng trên 300 ngôi mộ, Mê-lê và Thánh địa Montmartre có vài chục ngôi, chưa kể hàng trăm ngôi đã bị mất dấu vết ở nghĩa trang Công giáo cũ tại Port Vila. Nghĩa trang Saint Michel Santô cũng khoảng vài trăm. Ngoài ra,  Ma-li-cô-lô có nhiều nghĩa địa rải rác từ bắc xuống nam như Vao, Norsup, Ô-rạp,  Ô-lùa, Port Sandwich, Lamap, Bushman Bay v.v...

 

Đặc biệt, bà con Việt kiều không thể nào quên được vụ án Ma-lô Pass ở Santô, mà 6 người phu mộ đã hy sinh anh dũng cho nền Tự do và Công lý dưới lưỡi đao bất công của thực dân ngày 28/07/1931 tại Port Vila Tân đảo New Hebrides/Vanuatu.


Lễ đài tưởng niêm uy nghi tại Nghĩa trang người VN tại Port Vila Tân đảo/Vanuatu

Lịch sử đã ghi lại dấu ấn không bao giờ phai mờ  trên những câu đối tại các nghĩa trang mà tiêu biểu là ở Đài Tưởng niệm Nghĩa trang Port Vila. Câu đối chữ Nho hồi ấy do cụ Đồ Phấn ở Máy Cà-phê biên soạn. Đã được các ông Lưu đình Tuân và Phạm Quyết Chiến - đều là giảng viên Đại học ở Việt nam dịch thuật. Có sự tham gia của ông Đông Hoàng, một dịch giả nổi tiếng và anh Đặng Thái Hoàng - du học sinh VN tại Úc. Xin trân trọng cảm ơn và xin phép vinh danh quý vị. Dưới đây là hai câu đối :

 

Câu đối bên phải. “Thán dã đồng bào Hồng Bắc khứ”.
Có nghĩa là:
“Than ôi! Đồng bào ta đã theo chim Hồng bay về Phương Bắc”.


















Câu đối bên trái: ”Ta hồ ngã chủng cách Nam quy”.
Nghĩa là :
“Tiếc thay! Dòng giống cốt nhục này vẫn ở mãi với Trời Nam”.



Những sự kiện trên đây chỉ là tóm lược mà thôi, tác giả mong nhận được sự góp ý của bà con anh chị em nguyên là Việt kiều Tân đảo và Tân Thế giới, những người đã từng kinh qua giai đoạn lịch sử thời kì đó.  Như vậy  việc tóm lược các sự kiện về cuộc sống “tha phương” của người cu-li phu mộ Việt nam xin phép được tạm thời kết thúc ở đây.

Một số hình ảnh trên đây do anh Georges Trịnh Quang Khanh (đã mất) và chị Virginia LEE tức bà Được  là phu nhân ông Đỗ Trọng Tưởng cho mượn để sao chụp. Ngoài ra cũng có một số hình ảnh do ông bà Văn lưu giữ. 
Xin trân trọng cảm ơn và xin vinh danh các vị.

Xin kính chúc bà con, cô bác, anh chị em luôn vui vẻ, khoẻ mạnh và hạnh phúc.


Để giúp quý vị thăm lại quê hương thứ hai của mình bằng hình ảnh,
xin mời bấm vào đây: http://www.panoramio.com/user/5191672.
Hãy bấm trực tiếp vào ảnh để phóng to xem cho rõ. Xin chân thành cảm ơn Quý vị...