TÀI LIỆU LỊCH SỬ VỀ NGƯỜI PHU
MỘ
Việt Nam ở Tân đảo đầu Thế kỉ
20
Documentations historiques
des travailleurs engagés
vietnamiens
Aux Nouvelles Hebrides/Vanuatu
au 20eme siècle.
Jean Vanson biên dịch và lên trang Blog
Hình ảnh chặt phá rừng hoang ở Tân đảo năm 1939
Lược dịch văn bản
Người dịch văn bản dưới đây xin mạn phép được giãi
bầy quan điểm.
Nói chung, bản thân cũng đã từng đọc qua một số tư
liệu, tài liệu và sách đề cập đến Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu). Tuy nhiên,
người dịch đã chọn văn bản mang
tên : « La colonisation des Nouvelles Hebrides et les
Indochinois » để dịch vì có rất nhiều tình tiết liên quan đến người phu mộ
Việt nam mà còn ít người biết đến. Mục
đích của việc lựa chọn này nhằm giúp cho đông đảo bà con anh chị em nguyên là
Việt kiều sinh trưởng ở Tân đảo xưa kia sẽ biết rõ thêm về lịch sử của cha ông
chúng ta dưới thời thực dân đô hộ thế kỉ 20 mà thôi.
Trên thực tế, cuộc sống ở đâu cũng có hai mặt. Một mặt, chúng ta
đều được nghe kể chuyện hoặc đọc những
bài viết về sự áp bức bóc lột đến tàn nhẫn của cai kí và chủ đồn điền. Nhưng mặt
trái của thời kì ấy thì nhiều người lại chưa biết hoặc không quan tâm đến.
Chúng ta lên án chế độ thực dân nhưng chúng ta chưa thấy hết được những điểm yếu
của chính người phu mộ.
Xin nêu mấy điểm chính được ghi nhận trong các đồn
điền, đã làm cho người phu mộ tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đó
là các tệ nạn rượu chè, trai gái, cờ bạc, trộm cắp ở khắp các đồn điền trên hầu
hết các đảo gần xa ở Tân đảo.
Một số vụ say rượu, trai gái dẫn đến ẩu đả gây
thương tích hoặc án mạng.
Tệ nạn cờ bạc phải vay nợ của chủ với lãi suất cao.
Nhiều trường hợp sau 5 năm không trả được nợ phải xin ở lại đăng kí thêm 5 năm.
Hoặc túng bấn đi trộm cắp dẫn đến tù tội vân vân… Ngoài ra nhiều vụ việc như
lãn công, giả vờ ốm, làm việc không năng suất cũng làm cho người chủ xót xa vì
phải bù lỗ. Thậm chí có cả việc một ông đốc công hoặc một ông cại nọ sắn sàng
nhận một ít tiền franc đút lót để làm lơ chuyện này chuyện khác. Đó cũng là những
nguyên nhân khiến cho chủ bức xúc phải sử dụng đến hình phạt, nhiều khi quá mức
cho phép.
Không ai có quyền lên án những hậu quả tai hại mà
các tệ nạn xã hội đó đã làm hệ lụy đến cuộc sống của cha ông chúng ta. Đặc biệt
là chúng ta không khỏi bùi ngùi rơi lệ khi có dịp đi qua hoặc viếng thăm các
khu nghĩa trang ở Vila, Santo, Malicolo, Epi v.v... Nếu tổng kết lại, trong
công cuộc khai phá làm giầu cho Tân đảo thì cũng có hàng ngàn người xấu số đã
phải gửi gắm nắm xương tàn nơi đất khách. So với tổng số phu mộ trên dưới 23
ngàn người có mặt ở Tân đảo thời bấy giờ thì tỷ lệ mất mát là quá lớn. Tính ra
cứ 100 người thì có gần 5 người tử vong.
Người dịch sẽ cố gắng dùng từ ngữ thật sát với từng thời điểm để giúp người đọc
dễ hiểu hơn. Rất có thể có những sai sót nhầm lẫn nhất định trong khi dịch thuật.
Vậy xin quý vị độc giả lượng thứ. Xin trân trọng cảm ơn.
Trích dịch nguyên bản Luận án
tiến sĩ về khoa học lịch sử :
« La Colonisation des
Nouvelles Hébrides et les Indochinois »
(Cuộc xâm chiếm Tân đảo làm
thuộc địa và những người dân đến từ xứ Đông dương).
Tác giả: Frederique TAILHADE
Dưới sự chỉ đạo của : Ông
CARBONELL – 1987
PHẦN BA
Ông “Cai”.
Trong mỗi đồn điền thường có một hoặc hai
ông “cai”. Tùy thuộc vào diện tích đất đai và số lượng lao động. Oai vệ và quyền lực tương đương một
đốc công do người cu-li tự bầu lên hoặc do điền chủ chỉ định. Người cai
thường là người biết tiếng Tây hoặc tiếng đen để có thể truyền đạt mệnh lệnh của
chủ.
Vợ chồng ông Cai và con cái tại đồn điên A-ốp Malicolo Tân đảo.
Người cai có ưu thế đặc quyền
riêng: được ở trong ngôi nhà tiện nghi hơn cu-li, được quyền lựa chọn vợ đẹp
trong số phụ nữ cu-li. Công việc chủ yếu của ông cai là giám sát nhân công và
hiệu suất lao động trong đồn điền. Tóm lại là làm công việc của ông chủ thực thụ.
Đôi khi, có những ông cai lạm dụng chức quyền đối xử với người làm tàn tệ hơn cả
chủ. Có những ông cai không ngại ngần dùng roi gân bò để ra oai với người lao động. Thực tế lương tháng của một ông cai là 100
francs, hơn người lao động có 20 quan. Nhưng được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt
hơn người cu-li. Có nhà ở đầy đủ tiện nghi tối thiểu. Được cấp súng săn, ngựa
cưỡi và nhiều thứ khác v.v…
Cho đến tận bây giờ, ở Vanuatu
con cháu của người phu mộ chân đăng vẫn có ác cảm rõ rệt với con cái của các vị
cai hồi xưa. Nguyên nhân sâu xa của nó chắc chắn chỉ có họ mới hiểu mà thôi.
Một vài tình tiết gây nên mâu
thuẫn và hận thù giữa người cu-li và ông Cai rất phức tạp. Kỷ luật thực sự rất
khó áp dụng, đặc biệt đối với những người
cu-li Bắc kì đầu tiên đến Tân đảo. Họ không phải là người phu mộ. Họ nguyên là
những người tù khổ sai chung thân mắc tội trộm cắp giết người, tù chính trị đền
từ Côn đảo (Poulo-Condore). Họ đã từng bị giam giữ tại Nouville Noumea. Một số
biết nói tiếng Pháp. Một số đã được sử dụng làm ông Cai, làm thư kí riêng hoặc
làm thông dịch viên cho ông chủ. Một số ông Cai đã quá mẫn cán với điền chủ đã
trở thành kẻ thù của dân cu-li. Họ thỏa thuận ngầm với nhau là sẽ trả thù và hậu
quá đáng tiếc là một số ông Cai đã bị thủ tiêu.
Bẩy người cu-li đã bị kết án
tù giam và đã được hồi hương ngay sau khi mãn hạn tù. Theo dư luận thì họ được
đối xử ở trong nhà tù tốt hơn khi làm việc ở đồn điền nhiều.
Công việc làm của người cu-li
phu mộ.
Thời gian làm việc theo hợp đồng
là 10 tiếng. có thể tăng lên tới 15 tiếng một ngày tùy theo mùa màng và thời tiết.
Những ngày chủ nhật và ngày Lễ Tết cổ truyền, người cu-li phu mộ được nghỉ hưởng
lương. Nhưng một số đảo hẻo lánh, người cu-li vẫn phải làm các công việc cho lợi
ích chung như phát cỏ, làm vệ sinh chung quanh nơi nhà ở. Trong năm, duy nhất
có ngày 14/7 cát tó giết dê (14 juillet) được coi là ngày lễ hội. Mọi người có
thể đi lại tự do, thậm chí nhiều nơi còn tổ chức múa rồng và sư tử.
Nói chung, mỗi đồn điền có
cách sử dụng người cu-li vào nhiều công việc khác nhau. Nhất là trong các đồn
điền vừa và nhỏ.
Phần lớn giấy tờ và tư liệu về
các sự việc và sự kiện liên quan đến cuộc sống của người cu-li đã bị thiêu rụi
trong biến cố trước ngày Tân đảo độc lập trở thành Vanuatu năm 1980. Cũng còn
may mắn là có người đã lưu giữ được 3 quyển sổ kế toán trong đó có ghi chép về
việc thanh toán lương theo từng công việc.
Căn cứ vào đó người ta mới biết
được là tại đảo Santo, các điền chủ đã sử dụng cu-li làm nhiều công việc, trong
đó có việc phá rừng xây dựng đướng sá. Nhiều
đồn điền ở xa thị trấn, điền chủ đã tận dụng cu-li sản xuất các loại đồ dân dụng
bằng gỗ như tủ giường, bàn ghế, nhà ở
v.v… Một số nơi, chủ đã cho phép người làm tự khai phá đất đai chung quanh nhà
để tăng gia sản xuất rau xanh. Họ vừa cung cấp cho chủ vừa cải thiện bữa ăn. Thậm
chí, một số nơi đất trũng người ta đã trồng thử nghiệm lúa gạo nhằm giảm bớt
khó khăn trong việc nhập khẩu gạo từ Đông dương. Nên nhớ là không có gạo, người
culi tông-ki-noa sẵn sàng bỏ việc. Họ không thể ăn bánh mì và củ quả quanh năm
như người bản xứ.
Tập trung đến nơi làm việc tại đồn điền PRNH Malicolo
Công việc chính yếu hàng ngày
của người cu-li tông-ki-noa trong đồn điền: hái và thu gom dừa già. Bổ dừa và nậy
cùi, sấy hoặc phơi khô. Thu hái ca-cao, cà phê, ngô, bông sợi. Chặt phá rừng
hoang, trồng tỉa các loại cây khác như cam quýt, ớt xuất khẩu v.v… Tóm lại là đủ
các loại công việc không lúc nào rảnh tay chân.
Trong một đồn điền nọ rộng khoảng
5.000 ha, người ta sử dụng 94 nhân công, trong đó có 43 người bản xứ và 51 người
tông-ki-noa. Trên sổ sách, người ta ghi nhận được là năng suất lao động của người
dân bắc-kì đạt gấp 4 lần dân bản địa. Trong lúc người cu-li chỉ nặng trên dưới
50 kg thì người da đen nặng trên dưới 100 kí. Người ta phát hiện ra rằng: không
phải do người cu-li có sức khỏe dẻo dai mà chính là họ biết tổ chức phân chia
công việc hợp lí và khoa học. Chính điều này đã được ông chủ khen ngợi, nhưng lại
làm cho họ điêu đứng vì ông chủ đã đẩy mức khoán từ 250 kg lên tới 400 kg một
ngày công (phải cần tới 3.500 quả dừa mới thu hoạch được 1 tấn dừa sấy khô).
Trong những đồn điền lớn kiểu
Công ty vô danh (sociétés anonymes) công việc thường ngày của công nhân cũng đa
dạng. Vì các công ty đó xuất khẩu trực tiếp sản phẩm của mình theo đường chính
ngạch. Họ đã tậu được máy móc tân tiến hơn các đồn điền nhỏ. Và phần lớn trang
thiết bị đó đều được mua tận gốc từ Pháp. Cộng với sự lanh lợi và bộ óc khá
thông minh của người cu-li tông-ki-noa nên các thiết bị mấy móc được vận hành
trôi chẩy đưa năng suất lao động lên cao vượt cả mong đợi. Một lực lượng quan
trọng không thể thiếu trong việc phát triên chính sách thực dân trong khu vực.
Lực lượng lao đông đa năng có thể thực hiện và hoàn thành tốt mọi công việc được
giao.
Trên thực tế, chính quyền địa phương đã phải lưu ý đến việc tuyển mộ những lao động có trình độ học vấn để làm việc trong văn phòng, làm phiên dịch, làm bồi bếp tại cơ quan chính quyền địa phương. Một số tư nhân đã phải tuyển mộ những thợ lành nghề như thư kí kế toán, thợ mộc, thợ xây, thợ sửa chữa máy nổ v.v…
Tình trạng sức khỏe và y tế
Tân đảo là một trong những khu
vực nổi tiếng về dịch bệnh: bệnh sốt rét rừng, bệnh đường ruột và những bệnh
nhiệt đới. Các thành viên trong gia đình điền chủ cũng như các cu-li
tông-ki-noa đều không thoát được các dịch bệnh do muỗi a-nô-phen gây ra. Hầu
như đồn điền nào cũng dành một khoảng đất để chôn cất những người chết vì dịch
bệnh. Trong đó có phần mộ của các ông bà điền chủ và con cháu của họ. Ở gần đó,
có cả những ngôi mộ của người cu-li tông-ki-noa.
Nhà điền chủ thường xây dựng ở khu đất giáp bãi biển
Nhà điền chủ thường xây dựng ở khu đất giáp bãi biển
Trong lúc dân địa phương chọn
chỗ ở nằm sâu trong rừng núi, thì đa số các điền chủ lại chọn những nơi thoáng
đãng ở bờ biển. Nơi mà ruồi và muỗi a-nô-phen sản sinh nhiều vô kể. Ăn bữa cơm
hoặc ngồi nói chuyện nhiều khi phải chui vào trong màn.
Người lao động tông-ki-noa thường
dễ bị mắc bệnh nhiều do điều kiện và cường độ làm việc quá cực khổ, ăn uống và
thuốc men thiếu thốn, nơi ở và sinh hoạt không đủ vệ sinh, giờ giấc làm việc
kéo dài cộng thêm nhiệt độ ẩm ướt, đặc biệt trong các mùa mưa bão.
Những người cu-li làm việc
trong các đồn điền nhỏ ở các đảo xa xôi hẻo lánh gặp nhiều khó khăn hơn những
người làm việc trong các đồn điền tại các đảo lớn như San tô và Malicolo. Ở đồn
điền lớn PRNH có các trạm y tế và y bác sĩ khám chữa bệnh.
Ở thị trấn Luganville đảo Santô có một
bệnh viện. Ở Port Vila đảo Vate có 3 bệnh viện. (Hồi đó người ta thường gọi là nhà
thương). Một dành riêng cho người Pháp, một dành riềng cho người Anh ở đảo
Iririki và một dành cho người bản địa và người tông-ki-noa ngay phía dười nhà
thương tây..
Các đảo hẻo lánh xa xôi không
có bệnh viện. Những nới có Nhà thờ hoặc trung tâm giảng đạo thường có bệnh xá
do các nhà truyền đạo trực tiếp khám, cấp thuốc chữa bệnh. Nhưng đường sá rất
khó khăn, người bệnh đến được nới ấy nhiều khi không kịp.
Trong quyển sổ ghi chép số liệu
tại một bệnh xá người ta ghi nhận được trong tổng số 94 cu-li làm trong đồn điền
thì trung bình mỗi ngày có cả chục người đến khám bệnh. Tỷ lệ ốm chiếm khoảng gần
10%. Những người ốm thật cũng có nhưng số người giả vờ ốm cũng không thiếu.
Người phu mộ làm việc cặm cụi trong một đồn điên ở Tân đảo. Khu nhà ở của người lao động tông-ki-noa phía sau.
Người phu mộ làm việc cặm cụi trong một đồn điên ở Tân đảo. Khu nhà ở của người lao động tông-ki-noa phía sau.
Cụ thể là ngày thứ tư
20/3/1940, một ông Cai đã làm báo cáo: “Các tên Thiet, Trong, Tri, Vien, Toan,
Ri đến nhà thương. Nhưng bác sĩ đã trả về vì không tìm thấy bệnh”. (Tên đọc
theo tiếng Pháp không có dấu)
Hoặc ngày thứ hai 10/2/1941.
Tên Ly khai đau ở bẹn nhưng không chịu bang bó và đòi đi kiện chủ ở văn phòng đại
diện chính quyền.
Hoặc ngày 25/9/1942, các tên:
“Lang, Than, Trong, Bang đã được bác sĩ khám và cho nhập viện. Lúc nửa đêm nhân
viên trực ca đã phát hiện là mấy tên này, thay vì đi ngủ lấy sức thì lại giở
trò đánh bạc”.
Người cu-li làm việc vất vả muốn
có ngày nghỉ đã nghĩ ra nhiều mánh khóe không tưởng tượng nổi.
Kiểm tra số lượng sản phẩm dừa trong ngày.
Kiểm tra số lượng sản phẩm dừa trong ngày.
Người lao động thực sự mắc bệnh
khá đông trong tất cả các đồn điền lớn hoặc nhỏ. Ngày 6/5/1939, người quản trị
đồn điền PRNH ở Malicolo đã gửi báo cáo lên ông chủ tịch Công ty này như sau:
“Tình trạng vệ sinh cực kì tồi tệ là nguyên nhân chính gây bệnh. Tỷ lệ người ốm
chiếm 14% tổng số lao động. Ngoài ra mưa kéo dài và thời tiết không ổn định
cũng ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Một số cu-li bướng bỉnh và lười biếng
cũng được ghi vào trong danh sách trả về quê hương sớm hơn dự kiến.
Nhà thương đen (hôpital indigène) ở Port Vila. Các bà mẹ VN sinh con ở Port Vila đều biết rất rõ nhà thương này.
Rồi báo cáo ngày 15/7/1939 ghi
rõ: “Chúng tôi hoàn toàn thất vọng về tình trạng sức khỏe cu-li ngày càng tồi tệ.
Đã thống kê được trên 260 ngày nghỉ việc do bị bệnh. Tính quân bình thì cứ môt
cu-li có 56 ngày ốm nghỉ việc. Một ông Cai đánh trọng thương một cu-li đã bị phạt
1 năm tù giam. Tất cả những cái đó đã ảnh hương trực tiếp đến công việc sản xuất
nói chung”. Thực tế, chúng ta không có đầy đủ số liệu về số lượng cu-li tử vong
trong tất cả các đồn điền tại Tân đảo vì thiếu tư liệu. Một bà sơ già làm y tá
tại nhà thương Port Vila đã tiết lộ: tuần lễ nào cũng có vài người tông-ki-noa bị
bệnh nặng chết và nhà thương lúc nào cũng quá tải không đủ giường nằm.
Kỉ luật kiểu lãnh chúa và hình
phạt trong đồn điền.
Khu thi hành kỉ luật A.D.
(Atelier disciplinaire).
Hình phạt trong các đồn điền mỗi
nơi một kiểu. Nhưng nói chung không tránh khỏi các cú đấm đá, roi gân bò, phạt
tiền, khấu trừ lương và suất ăn hàng ngày, cắt giảm ngày lễ tết, nhốt xuống hầm
ngầm dưới đất hoặc biệt giam vào khu kỉ luật lao động khổ sai. Đặc biệt trên
các đảo xa xôi hẻo lánh.
Từ chỗ cực khổ, cuộc sống của
người cu-li đã trở thành địa ngục trần gian tùy theo tình hình và cá tính của
điên chủ. Một số điền chủ đã cắt khoản nghỉ dưỡng của người lao động nữ mang
thai hoặc sinh đẻ. Nếu một số điền chủ hơi quá tay khi dùng bạo lực, thì việc áp
dụng kỉ luật rừng trong các đồn điền lại gần giống nhau.
Ngày 20/1/1940, ông Cai nọ đã
ghi trong cuốn sổ của mình như sau: “Tên Hon đã uống trộm nước dừa và dấu dưới
gốc chanh, Bị bắt quả tang và nhốt vào khu kỉ luật cải tạo A.D.
Ngày 22/3/1941: “Tên Que và
Thi Thoa đã chửi đốc công vì đã báo cáo với chủ về công việc làm không tốt của
họ và hai người này đã bị nhốt vào khu A.D.”
Ngày 4/4/1941: “Hai tên Thi
Thoa và Que đã được thả khỏi khu vực A.D. Họ buộc phải xin phép chủ để được nghỉ
việc không lương nửa ngày để tắm rửa và làm vệ sinh thân thể”.
Ngày 25/8/1941: “ Tên Que đã cố
ý nhổ một gốc cây ca-cao mới lớn để trả thù chủ. Hắn đã chịu nộp phạt số tiên
25 francs thay cho việc bị nhốt vào khu A.D.”
Người phu mộ đang chặt bổ dừa
Một kỉ luật khắt khe khác: Một
ngày nghỉ việc không rõ lí do hoặc bị nhốt vào khu A.D. sẽ bị khấu trừ hai ngày
lương. Một số cu-li nghiện ngập, cờ bạc thường đi ăn trộm gà để bán lấy tiền
tiêu xài. Điền chủ bán cho người tông-ki-noa 40 quan (franc) một con gà, nhưng
bán cho người bản xứ chỉ với giá 20 quan.
Người quản trị ở đồn điền PRNH đã ghi vào cuốn sổ
tay:
“Ngày 11/7/1939, 14 cu-li đã bỏ trốn lên văn phòng
đại diện chính quyền để tố cáo điền chủ đã không trả công và thời gian nghỉ bù
xứng đáng cho việc bốc hàng vượt thời gian lên tầu ngày 9/7/1939. Không những
thế còn bị đánh đập và đối xử tồi tệ. Hậu quả là chẳng những không thắng kiện
mà cả 14 người còn bị phạt 8 ngày ngồi tù. Chỉ vì tội dám bỏ trốn lên chính quyền
tố cáo chông đối chủ. Ngày 5/8 sau đó chính quyền tuyên phạt:
1. Đương nhiên là mất quyền hưởng lương trong những
ngày bỏ trốn.
2. Phạt mỗi người 27 quan về tội vi phạm kỉ luật lao động
(Điền chủ đòi 80 quan).
3. Trả tiền ăn 4 quan một người một ngày.
4. Trả tiền cho chính quyền 4 quan mối người một ngày
về việc bị giam giữ trong khu kỉ luật A.D.
5. Truất quyền hưởng lợi trong việc tăng năng suất dừa
khô.
Tất cả những biên pháp liên tục thi hành kỉ luật
trong các đồn điền đã dấy lên sự phẫn nộ gây tình hình hết sức căng thẳng. Tờ
báo Le Néo Hebridais viết như sau :
Cỗ máy chém và đao phủ
Cỗ máy chém và đao phủ
« Máy chém dưới bóng dừa »
« Tội phạm là những người tông-ki-noa. Họ đã tổ
chức giết người chủ tên Xơ-va-liê và họ đã phải đền tội trước pháp luật. Con
giun xéo lắm cũng quằn. Con người bị áp bức đến cùng cực sẽ phải trỗi dậy. Đó
là quy luật phản kháng tự nhiên. Nhưng
cái chết của họ cũng sẽ là sự cảnh tỉnh cho chung ta (những điền chủ).
Bia mộ tưởng niệm những người đã hy sinh vì Tự do và Công lý ở Port Vila Tân đảo.
Bia mộ tưởng niệm những người đã hy sinh vì Tự do và Công lý ở Port Vila Tân đảo.
Lần đầu tiên trong lịch sử Tân đảo một cỗ máy chém
được dựng lên ở đây. Theo một số thông tin tư liệu của kho lưu trữ hồ sơ tại
Noumea thì cỗ máy chém này đã có cái vinh dự chém rơi đầu Vua Louis thứ XVI. Và
cả cái đầu của thủ lĩnh cách mạng tư sản Pháp Rô-bết-pie (Robespierre) nữa.
27/7/1931. Lính Tây áp giải 6 người tử tù tông-ki-noa từ Noumea về Port Vila trên con tầu La Bê-rui (La Perouse).
Linh mục Pierre Loubiere
27/7/1931. Lính Tây áp giải 6 người tử tù tông-ki-noa từ Noumea về Port Vila trên con tầu La Bê-rui (La Perouse).
Hôm nay cỗ máy đã vượt hơn 2 vạn cây số từ Paris đến
Port Vila. Và 6 cái đàu của tử tù đã lần lượt rơi rụng dưới bóng cây dừa. Mỗi
cái đầu trước khi lìa khỏi xác đã được linh mục Pierre Loubiere đưa cây thánh
giá mầu đen vào môi tử tù và đọc câu kinh xám hối. Linh mục đã hết sức cần mẫn
dẫn giắt tử tù từ nơi giam giữ đến chỗ máy chém. Và cuối cùng 6 cái đầu đã lìa
khỏi thân xác. Và linh mục đã đọc đoạn kinh xá tội và xác nhận là vong linh của
các tử tù đã được ân xá. Đồng thời cũng đã xác nhận là người đao phủ đã hoàn tất
nhiệm vụ của mình».
28/7/1931. Cuộc hành hình 6 tử tù tông-ki-noa đã được tổ chức tại trại lính bảo an Tây ngay chỗ bãi trống thấp thoáng mấy bóng dừa phía tay phải. Khu nhà mầu trắng phía tay phải là nhà thương Tây.
28/7/1931. Cuộc hành hình 6 tử tù tông-ki-noa đã được tổ chức tại trại lính bảo an Tây ngay chỗ bãi trống thấp thoáng mấy bóng dừa phía tay phải. Khu nhà mầu trắng phía tay phải là nhà thương Tây.
Như vậy là ngày 28 tháng bẩy năm 1931 đã ghi đậm dấu
ấn của một cuộc thảm sát đẫm máu : 6 cái đầu đã rơi. Trong đó có 4 người tử
tù liên quan trực tiếp đến việc hạ sát ông chủ Xơ-va-liê. Hai tử tù khác đã can
tội giết hại người đồng hương của họ. Một số đại diện của người tông-ki-noa tại
đảo Va-tê đã buộc phải có mặt để chứng kiến vụ hành hình này. Toàn bộ các cu-li
tại các đồn điền đã đeo khăn tang. Một mối thù không đội trời chung đã nẩy sinh
trong khối cộng đồng người tông-ki-noa. Nhưng cũng là một sự cảnh tỉnh cho các
điền chủ ở Tân đảo.
Xin mời quý vị theo dõi tiếp phần 4 trong kì tới.
Người dịch xin trân trọng kính chào và cảm ơn quý vị
đã dành thời gian để ghé thăm Blog Tân đảo Xưa và Nay. Và đã đặc biệt quan tâm
đến lịch sử về cuộc sống tha phương của người phu mộ Việt Nam tại Tân đảo thế kỉ 20.
Xin chúc mọi người vui khỏe và may mắn.