Chuyện "TÂM
LINH"
Và người Việt nam ở Tân đảo
Và người Việt nam ở Tân đảo
Ma trơi có thật ở bãi tha ma (ảnh internet)
Câu chuyện được nghe về "ma trơi" và "ma
thật"
ở Port Vila Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu)
ở Port Vila Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu)
Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu
Cách đây hơn nửa thế kỉ....
… Thời kỳ ấy dân tình ở Tân đảo còn lạc hậu. Đặc
biệt dân mình ở Vila hay tin chuyện ma quỷ. Chuyện này có thật
hay không thì không biết, bởi vì chẳng ai nhìn thấy "ma" bao
giờ. Toàn chuyện đồn đại. Một đồn mười, mười đồn trăm. Điều kiện sinh hoạt lúc
đó thiếu đủ mọi thứ. Điện đường thì hàng trăm mét mới có một ngọn đèn
điện công suất thấp, sáng lờ mờ. Ít nhà có điều kiện thắp sáng bằng điện, đa số
dùng đèn dầu tây. Nhà Văn cũng có một cây đèn dầu tây. Mỗi khi muốn xuống bếp
làm gì thì phải cầm cây đèn đi theo. Lúc đó trên nhà tối om. Đã thế thỉnh
thoảng các cụ ngồi rỗi, lại kể toàn chuyện ma quỷ nghe rợn cả người. Ban
đêm, dưới ánh đèn mờ ảo mà nghe chuyện đó thì ai mà chẳng khiếp? Bây giờ,
nghe đâu người ta bảo đó là chuyện “tâm linh” thì phải.
Ánh sáng trong xanh mờ ảo của "ma trơi" ngả nghiêng
trong bóng đêm mờ mịt, ai mà không khiếp đảm?
Các cụ kể nào là chuyện ma trơi, chuyện ma thật. Ma trơi thì có
thật. Bởi vì cả nhà Văn đều đã nhìn tận
mắt và rất nhiều người khác cũng đã được nhìn thấy.
Không phải một lần, mà ít nhất cũng vài ba
lần. Ma thật thì được nghe nhiều, nhưng chưa nhìn
thấy. Hồi nhà Văn ở Máy cà-phê, cứ hôm nào tối trời nóng bức, mọi người kéo
nhau ra cầu tầu xây bằng đá của ông Cố-tà (Mr
Coustard) để hóng mát. Hồi ấy hầu như không có nhà nào dùng
quạt điện. Có cái quạt nan hoặc quạt giấy thì cũng tốt lắm rồi. Bỗng
một hôm, mọi người nhìn thấy ánh sáng xanh lập lòe bên phía ven bờ
từ Sở Dupertuis tới mom Malapoa.
Ánh sáng lập
lòe của ma trơi ban đêm tại của Vịnh Vila
Ma trơi
giống như ánh sáng xanh của con đom đóm, lúc thì nhỏ băng một chấm
sáng, lúc thì to dần bằng nửa cái chiếu. Nó không tròn mà hai
đầu thót lại như hinh quả trám. Ma trơi không tỏa ánh sáng như bóng điện, nó có
mầu xanh như mắt mèo, di chuyển theo chiều gió thoảng đưa đâu đó. Rất
nhiều lần, nó di chuyển qua cửa vịnh từ mom đất Malapoa sang
đảo Vila ai-lan. Khi tập trung nó có thể nhiều đến hàng chục đốm sáng giữa
biển, trông rât đẹp. Nhưng vì ánh sáng của nó không ổn định, cứ lập loè lúc to
lúc nhỏ và ngả nghiêng sống động theo chiều gió. Bởi vậy mới hãi!
Hầu hết các
loại tượng gỗ hoặc đá đều được tạc hình tượng một nhân vật thể theo truyền
thuyết mà người dân địa phương đều tin vào chuyện ma quỷ là có thực.
Khi mà
lần đầu được xem hiện tượng lạ lùng này thì thấy nó đẹp,
nhưng người nào cũng ngơ ngác vì không ai biết nó là cái
gì. Có người bảo: Ma trơi đấy! Mấy anh em Văn nghe
nói đến ma liền ngồi xích vào nhau cho đỡ sợ. Thời bấy
giờ, những ai đã từng được nhìn thấy thì gọi đó
là ma trơi. Vậy thì ma trơi là có thật như vừa kể. Còn ma thật thì
chỉ nghe thấy nhưng chưa nhìn thấy bao giờ cả.
Người Tây gọi ma trơi là phơ phô-lê "feux follets". Ngày
nay khoa học gọi hiên tượng đó là sự bốc cháy của chất lân tinh (phospore), mỗi
khi thời tiết thay đổi, lân tinh bốc hơi mạnh gặp không khí thích hợp là tự
cháy và phát sáng. Nhưng ánh sáng này có lớn đến mấy
cũng không thể gây cháy được vì lượng nhiệt quá thấp.
Ngã ba đường đi
Tiêu-ma nổi tiếng nhiều ma
Còn chuyện ma
thật thì thế nào? Hồi ấy, nghe chuyện các bác tài taxi
kể lại là đã được gặp ma thật trên đường nhất là về ban
đêm. Nhiều bác chứ không phải một hai bác kể đâu. Không chỉ có
người Việt, ngay cả Tây họ cũng nói là có nhìn thấy. Họ kể là thỉnh thoảng
vào đêm tối thứ bẩy thường gặp khi đi dancing hay xem
xi-nê về muộn. Quãng đường hay gặp nhất là cái ngã ba từ chân dốc
Cô-lạc-đô rẽ đi vào Tiêuma. Khi đi thì không gặp vì có khách trên xe
và trời còn sớm. Nhưng khi muộn, lúc trở về một mình thì y
như rằng. Thể nào cũng gặp. Vẫn một bóng người mặc bộ áo
choàng trắng, lởn vởn trước mũi xe ô-tô. Khi thì đúng
dáng điệu uyển chuyển của một thiếu nữ, khi thì chẳng ra
hình thù gì cả.
Nếu là người
thật thì làm sao mà chạy nhanh bằng ô-tô được? Một vài bác tài cũng bạo gan,
dừng hẳn xe. Vạch quần vung nước đái tứ tung. Bóng ma cũng biến luôn.
Nhưng sau đó vài hôm, một vài bác cũng bị ốm mệt
không đi làm được. Hỏi thăm thì mấy bác bảo bị “ma nát”. Có nghĩa là bị
ma ám. Nghe không ra thì nghĩ là bị ốm bệnh tức là ma-lát
“malade”. Về sau này, mỗi khi có khách đi đêm vào vùng Tiêuma thường phải
rủ bạn đi theo.
Ngã ba đê-bô lên dốc nhà thương và nghĩa địa
Các bác còn
kể rằng: cái ngã ba dốc đề-bô lên nhà thương đen còn hãi hơn nữa kia.
Vì một nhánh đường đi thẳng ra nghĩa địa. Ở quãng này không có ngọn đèn đường
nào cả. Buổi chiều, nhá nhem tối là không ai còn dám một
mình qua đây nữa rồi. Ấy thế mà Văn và mấy đứa bạn cùng xóm Máy
Cà-phê vẫn thường rủ nhau đi xem xi-nê. Hồi ấy cả xứ Vila mới có một
rạp duy nhất ở ngay sân vận động. Mà rạp chiếu
phim ấy lại nằm gần ngay nghĩa địa. Muốn gì thì cũng
phải qua cái ngã ba đề-bô này. Có một buối tối nọ. Đang đi thì một thằng
trong bọn kêu: "ma đấy'.
Ngã ba Đề-bô lên dốc Nhà thương đen ở Port Vila
Thế là chạy
bán sống bán chết, có thằng mất cả dép, guốc. Hồi ấy chẳng thằng nào có
giầy. Thường phải tự đẽo guốc bằng loại gỗ trắng, rất nhẹ. Đi
lộp cà, lộp cộp. Tạo thành khúc nhạc đệm vang dội trong đêm
tối. Nhưng vì mê xi-nê quá, mấy hôm sau lại rủ nhau đi xem. Đã thế, hồi
đó rạp lại hay chiếu phim ma quỷ. Chẳng hạn như phim
Người đẹp và con thú "La Belle et la Bête", Hồn ma trở về
"les revenants" v.v... Hãi nhất có lẽ là phim "Drakula".
Xem rợn cả người! Chủ rạp cũng khôn. Bao giờ cũng xen kẽ phim
cao-bồi, Tarzan với phim ma quỷ. Mà lại còn chơi cái trò: chiếu phim ma trước. Bởi
vậy, kiểu gì thì cũng phải xem cho bằng được các phim cao bồi, Tác dăng. Vì lúc
đó bọn trẻ con mê phim tác-dăng và cao-bồi quá. Cứ gọi mấy anh diễn viên
chính là "thằng giỏi"...
Dốc Cô-lạc-đô rẽ đi Tiêu-ma ban đêm vắng ngắt
Hồi Văn đang
đi học thì nghe thấy chuyện hết sức ly kỳ, làm xôn sao cả thành phố Vila.
Người ta kể lại là ở trong đồn điền Têuma có ông Kh. bị ma
ám. Chuyện thế này. Một buổi tối thứ bẩy, mấy ông bạn cùng
Sở rủ nhau ra bờ biển để thả lưới bắt cá. Cái đường mòn từ khu nhà ở
ra tới bờ biển rất gần, chưa đến một cây số. Nhưng phải qua một khu rừng rậm, ở
đó có một cây si cổ thụ. Từ lâu rồi, họ vẫn đi qua lối này để
ra bãi biển. Một hôm, ông Kh. nghĩ ra một
trò định hù doạ chơi mấy ông bạn cho vui. Chiều
tối hôm đó ông ta lẻn đi trước. Ông ta định nấp vào bụi kín
đợi mấy ông bạn đi qua thì hù doạ. Đến khi mọi người ra tới bờ
biển thì không thấy ông Kh. đâu cả. Mọi người cho là ông ta có lẽ trốn ở
nhà để đánh bạc. Đêm hôm ấy họ bắt được nhiều cá hơn mọi khi. Về
đến trại thì canh bạc cũng vừa tan. Hỏi ra thì không thấy ông
này đâu cả. Mọi người toả ra đi khắp mọi nhà, mọi nơi để tìm. Nhưng không thấy
tăm hơi ông này đâu hết. Có người mách bảo là hồi chiều ông ấy có
dắng là sẽ đi ra bãi biển sớm.
Nghi là ông
này bị lạc lối, mọi người đốt đuốc đi tim. Tới gốc cấy si nọ, nghe tiếng
sột soạt trên ngọn cây. Soi đuốc lên cây thì thấy cảnh tượng
hết sức lạ lùng. Ông ta đang nhẩy nhót từ cành nọ sang cành kia như vượn.
Người ta hú gọi, không có tiếng trả lời. Họ nghĩ ngay ra là ông này bị
“ma ám". Thế là mấy người chạy vội về trại lấy mấy thẻ hương ra đốt và
khấn. Mấy phút sau, ông tự nhiên rơi từ trên cao xuông đất, bất tỉnh nhân sự.
Người ta tiếp tục đốt hương khấn vái. Một lúc lâu sau đó ông ấy tỉnh dậy,
ngơ ngác hỏi mọi người: "sao bây giờ mới đi thả lưới". Một điều kỳ lạ
nữa là, mặc dù rơi từ trên cao xuống đất mà ông ta không hề bi xây
xát chỗ nào cả. Nhưng một thời gian sau đó, ông này bắt đầu
có dấu hiệu không bình thường, lúc tỉnh lúc mê. Nghe đâu mãi sau này
khi hồi hương về Việt, ông Kh. mới trở lại bình thường.
Nhà thương đen và người Việt tại Port Vila
Ở mày
cà-phê, có câu chuyện gieo quẻ bói tìm người bị lạc là có
thật . Nhà Văn ở bên kia đường sát mép bờ biển. Nhìn sang bên
này đường là nhà ông Cố-tà cho nên Văn biết rõ tình
tiết. Ông Cố-tà gọi theo tiếng Việt. Tên thật của ông
là Mr Henri Coustard de Nerbonne. Ông là người Phàp
lấy vợ Việt. Ông có tài gieo quẻ bói tìm người bị lạc. Đồ gieo quẻ của ông là
một thỏi đồng mầu vàng buộc vào đầu sợi giây, tạo thành quả rọi. Ai
muốn tìm người thân bị thất lạc, chỉ cần mang một vật gì của
người bị lạc như quần áo, mũ hoặc giầy là đủ.
Hình ảnh Cụ Henri Coustard de Nerbonne (người Việt gọi ông Cố Tà)
Ông Cố-ta sẽ
đọc câu chú và gieo quẻ trên một miếng bìa có kẻ ô vuông và
các phương hướng đông tây nam bắc. Lúc đầu quả rọi đứng nguyên
trên đám quần áo. Sau câu chú thứ ba thì quả rọi bắt đầu chạy quanh. Loay hoay
một lúc thì dừng lại và chuyển hướng lắc về một phía. Nhìn bản
vẽ, Ông nói ngay hướng đi và vị
trí chỗ người đang bị lạc và khoảng cách bao xa. Người ta đã
tìm được người bị lạc đúng như chỉ dẫn. Về sau cứ mỗi lần có
người bị lạc hoặc mất tích, thì lại đến nhờ ông tìm hộ. Ông không bao giờ lấy
tiên của ai, chỉ làm phúc thôi. Thật đáng tiếc! Ông đã qua đời và
yên nghỉ tại khu nghĩa trang Mêlê.
Chưa hết.
Ngày nay ở chố ngã ba đường qua sân vận động thành phố (Municipal Stadium) có
một ngôi nhà trông rất bề thế và kiên cố. Nhưng vẫn bị bỏ hoang, không ai dám
ở. Thỉnh thoảng cũng có một vài người ở nơi khác đến thuê để mở hàng kinh
doanh. Nhưng không đầy ba tháng lại phải dọn đi nơi khác. Không có người nào
trụ lại được quá nửa năm. Đến cái đội công nhân đầu trọc ở bên
Tầu mới sang Vanuatu để hợp tác lao động cũng không chịu nổi.
Lúc đầu cũng đến thuê để ở, nhưng chẳng bao lâu cũng phải rút đi ở nơi khác. Đó
là chuyện có thật. Dân mình thì bảo ngôi nhà ấy bị "ma ám".
Tây thì bảo là "maison hantee".
Ngôi nhà hoang ở ngã ba sân vận động đi Tiêu-ma
Và còn nhiêu chuyện ma nữa. Nhưng sợ rằng kể mãi cũng chẳng hết
được. Ngày nay, nghe đâu người ta gọi là chuyện "tâm linh".
Người thì tin, người không tin. Chẳng biết như thế nào cả. Chỉ biết rằng,
vẫn cũng những con đường ấy, vẫn những địa điểm ấy, bây giờ nhà cửa mọc
lên san sát. Và người ta cũng không còn nghe những chuyện như hồi xưa nữa.
Nhưng, thay vào đó thì lại vô số những chuyện về "bùa ngải". Tây thì
gọi là "boucan" đọc là bu-căng. Còn dân địa phương thì gọi là thuốc
đen "black magic" hoặc bùa ngải na-cai-mát "Nakaimas".
Nghĩa địa của người dân bản địa không xây cất
Ở đây,
hồi trước đã có trường hợp bà con mình bị dính bùa ngải.
Vì không biết sớm để chữa chạy kịp, cho nên về sau đã bị điên.
Cả người Tầu, người Tây cũng dính. Hậu quả cũng khá nghiêm
trọng. Còn dân địa phương bị dính bùa là chuyện cơm bữa. Nhưng vì họ
biết và phát hiện sớm nên đã tìm được "thầy" cao tay để trị. Còn
bây giờ thì người ta khuyến cáo: những ai có công việc cần ra khỏi nhà vào
buổi sáng sớm lúc chưa có mặt trời hoặc chiều tối mặt trời đã lặn,
thì cách tốt nhất để tự bảo vệ là nên bỏ mấy nhánh tỏi vào túi. Rất an toàn vì
bùa ngải rất "kỵ tỏi'. Có lẽ chính vì vậy mà thời gian
qua, người ta cũng ít nghe mấy cái chuyện bùa ngải ấy
nữa...
Người con
"phu mộ" thế hệ hai xin chân thành cảm ơn và xin chúc quý vị và bà
con anh chị em sức khoẻ dồi dào, gặp nhiều may mắn, hạnh phúc yên
vui.