Powered By Blogger

Friday, January 25, 2013

Nô lệ "da vàng" ở Tân đảo - New Hebrides

 NGƯỜI PHU MỘ CHÂN ĐĂNG

VIỆT NAM ở TÂN ĐẢO

Hay là "Nô lệ Da vàng" - "Esclaves jaunes" aux Nouvelles-Hébrides.



Hình ảnh người Phu mộ Việt nam tại một đồn điền năm 1930.

Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu

Cho đến tận ngày nay, người ta vẫn thường lên án chế độ thực dân tàn bạo của các chủ đồn điền ở Tân đảo. Nhưng xem lại hình  ảnh trên dây thì ta không thấy cái gì  thể hiện  được sự cáo buộc đó. Với những gương mặt rất ư bình thản, thậm chí có người còn nhoẻn miệng như muốn cười. Rồi đến cách ăn mặc chững chạc và hơi bị "mốt" của thời bấy giờ làm cho chúng ta  ngạc nhiên.


Thủ phủ Port Vila trong những năm 1930

Tuy nhiên, có một điều chúng ta  cần lưu ý. Theo lời các cụ già kể lại thì trong các sở hoặc đồn điền, thỉnh thoảng lại có cuộc tập trung như thế này. Nhất là từ năm 1939-1940 trở đi. Tại sao? Chính vì phong trào đấu tranh đòi tôn trọng nhân quyền, lên án sự bất công  của    chế độ thực dân tại các thuộc địa do các tầng lớp nhân dân và công nhân, các tổ chức chống áp   bức  bùng nổ  mạnh mẽ ở  ngay trong nước Pháp và một số nước khác. Do đó, ở Tân Thế giới cũng như Tân  đảo,  nhà cầm quyền mới chịu  cử đại diện tổ chức thanh tra các sở mỏ, các sở đồn điền. Mục đích để tỏ cho thế giới biết răng ở nơi đây vẫn  còn có chút "công lý"???  


Lính Bảo an Ăng-lê đen thời nô-lệ ở Tân đảo.

Mỗi lần như thế, chủ bắt mọi người phải ăn mặc   tử tế, hàng ngũ chỉnh tề nhằm che mắt thanh tra. Đồng thời đưa ra những lời cảnh cáo: nếu ai tố cáo hành vi bạo lực của chủ, sẽ bị xử phạt nặng. Nhìn kỹ tấm ảnh trên dây, chúng ta còn có thể nhận ra được mấy điểm nữa.

Hình ảnh Thủ phủ Port Vila trước năm 1930

Thứ nhất  là mọi  người đều đi chân  đất. Mà theo  hợp đồng ký kết giữa chủ và người làm, thì mỗi  năm  được  phát hai đôi giầy. Thế thì giầy dùng làm gì nhỉ? Thứ hai, phụ nữ mặc áo trắng muốt, quần thâm, đầu chít khăn mỏ quạ. Mặc dù trên vai hai bà có đeo chiếc bao tải để hái  cà-phê, nhưng rõ ràng không phải trong tư thế đi  làm phu phát cỏ , bổ dừa  hoặc hái cà-phê trong rừng. Đặc biệt nữa là trong số hơn hai chục đàn ông  chỉ có hai người là  phụ nữ. Ta còn thấy đàn ông đều mang "cây móc" dùng để móc trái dừa già. Vì nếu để chờ cho dừa già rụng thì lâu quá, không năng suất.

1. Trại tập trung chính còn gọi là đề-bô xăng-tan ở Port Vila. 
 2. Chân dung Người phu mộ VN.

Dân phu mộ Việt nam còn được gọi  dưới một cái tên khác là "chân đăng". Thời kỳ ấy nước ta đang bị  thực dân Pháp đô hộ. Dân Bắc kỳ gọi là tông-ki-noa. Ở trong nước, cuộc sống vô cùng khó khăn, cực khổ. Nhất là  miền đông dân ở các tỉnh đồng bằng luôn bị lũ lụt, mất mùa như Nam định, Thái bình, Hà nam, Hải dương, Ninh bình, Kiến an, Hưng yên v.v...

Thế là Người ta ồ ạt đua nhau đăng ký đi Tân thế  với giấc mơ đổi đời. Nghe các cụ kể lại thì cái từ ngữ "chân đăng" cũng ra đời trong cái bối cảnh đó. Vậy "chân đăng" là gì?  Có tra từ điển mỏi mắt cũng không thấy.  Cho đến nay có rất nhiều cách giải thích.

Thậm chí một tờ báo  ở Tân Thế  giới còn giải  thích như sau: "chân" theo nghĩa chữ  Pháp  là  "pieds" đọc là pi-ê , còn "đăng" thì họ bảo là "liés" đọc là li-ê. Tức là "pieds liés" có nghĩa là hai chân bị trói buộc. Theo nghĩa bóng thì nó gần giống như bị ràng buộc bởi cái gì đó. Theo một số nhà nghiên cứu lịch sử về người công nhân phu mở Tân Thế giới (New Caledonia) thì từ "chân đăng"  do chính người công nhân làm việc trong các min mỏ tđặt cho mình. Tại sao? Bởi vị họ không có con đường nào thoát khỏi ách nô lệ. Họ tự cảm thấy như bị xiềng xích trói buộc bằng một sợi dây vô hình. Nhưng có nhiều người cho rằng cách giải thích sau đây có vẻ hợp lý hơn cả. Câu chuyện  được nghe kể như sau:  

Hình ảnh Thành phố Port Vila trước năm 1930.  
Đồn điền dừa của dòng họ Cô-lạc-đô trải rộng xuống tận thành ph.

Hồi ấy,  ở Hải phòng người ta dựng một cái lán trại để tiếp nhận người đăng ký đi phu mộ . Vì số người đông quá, họ chen lấn nhau. Có người đứng tận bên ngoài gọi với vào bên trong, bảo bạn: đăng  cho tớ một "chân" với. Người khác cũng nhao nhao:  đăng cho tớ một "chân". Có ý nói là cho tôi đăng ký một suất hoặc một chỗ. Giống như ở  một chiếu bạc nọ, khi thiếu người thì kêu "này đằng ấy có làm một "chân"  cho vui không? Tương tự như vậy. Và từ "chân đăng" đã được hợp thức hoá và trở thành tên gọi dân đăng ký đi phu mộ sang Tân thế. Đén nay vấn đề  của  cụm từ "chân đăng" vẫn còn tiếp tục được tranh luận.


Tòa Công sứ Pháp tại Port Vila trước năm 1940 (Ảnh internet)

Vậy cái gì đã thôi thúc người ta ồ ạt ra đi? Đến một xứ sở xa lạ mà chẳng hề có một ai biết nó ở đâu cả. Thứ nhất là họ muốn thoát cái  cảnh đói nghèo. Thứ hai là đồng lương và những điều hứa hẹn nó vô cùng hấp dẫn. Đồng lương hàng tháng:  nam giới là 80 quan (franc), phụ nữ là 60 quan. Một đồng bạc đông dương lúc đó giá trị khoảng 10 franc. Khẩu phần ăn hàng ngày: 500g gạo, bánh mì 250g. thịt hoặc cá 250g. Phụ nữ sinh đẻ được hưởng  nửa lương, nghỉ hai tháng. Có nhà giữ trẻ. Đau ốm được cấp thuốc miễn phí v.v... và v.v... Thật quá hấp dẫn. Vì đồng  lương của người đăng ký đi phu đồn điền cao su ở Nam Việt nam chỉ khoảng hai phần ba mà thôi. Và một khi đã lỡ bước, dấn thân đến "miền đất hứa" rồi thì giấc mộng đổi đời cũng biến dần thành mây khói luôn.

Tầu lớn neo ở Vịnh Vila (ảnh Internet)

Tầu hàng lớn phải neo đậu trong vịnh Vila vì không có bến cảng (ảnh internet)

Ba má Văn kể lại rằng: Tầu "la bê-rui"   (La Pérouse 1920-1935) và "bê rô-ti" (Pierre Loti 1936-1939) được hãng  M.M. (Messageries Maritimes) của  chủ Ba-lăng thuê để chuyên  chở dân phu mộ tông-ki-noa từ Hải phòng đến các nước vùng nam Thái Bình dương (Melanesie). Phần đông đi  Tân Thế giới (Nouvelle-Caledonie) làm việc ở các mỏ kền. Số còn lại đi Tân đảo (Nouvelles-Hebrides) làm phu đồn điền, khai phá rừng hoang  trồng cây công nghiệp như bông, dừa, cà-phê, ca-cao v.v..


Tầu La Bê-rui (La Perouse) 1920-1935

Sau hơn 20 ngày đêm lênh đênh trên biển, cực kỳ gian nan  vất vả, tầu mới tới Port Vila. Vì không có cảng áp mạn, tầu phải neo đậu trong Vịnh Vila. Ca-nô đẩy sà-lan đưa người vào đất liền. Mỗi chuyến tầu chở khoảng trên dưới 100 người và  đều được đưa vào trại tập trung chính gọi là khu Đề-bô (Depot central). Từ đây sẽ  được phân đi các  đảo  ở  Efate, Santo, Malakula, Pentecost, Epi v.v... 


Tầu Bê Rô-ti (Pierre Loti) 1935-1940

Và cũng từ đây, người ta mất đi cái tên thực của mình. Thay vào đó là một con số được ghi vào giấy báo danh. Tên người được thay bằng con số.  Chủ  cho là tên người Việt rất khó gọi và nhiều tên lại trùng nhau, rất khó phân biệt. Chủ còn phát cho mỗi người một cái thẻ "thông hành" gọi là "laissez passer". Vừa để hạn chế sự đi lại, liên lạc với các đồn điền khác, vừa để dễ bề kiểm soát. Rồi cứ sau thời hạn 5 năm thì  những  người phu mộ mãn hạn đăng ký sẽ lần lượt   được trở lại Hải phòng trên  chính  con tầu này. Từ năm 1940 trở đi, thì không có chuyến tầu nào nữa do chiến tranh thế giới bắt đâu bùng nổ ở  Châu Âu và Thài Bình dương. 



Cầu Xéc (Cercle Civil). và Thành phố Vila trước năm 1950


Nghỉ ngơi ở trại đề-bô khoảng 10 ngày, chưa kịp hồi phục sức khoẻ  thì các chủ đồn điền đã đến tiếp nhận người  làm. Hồi đó đảo Efate không có xe ô-tô. Xe ngựa kéo thì nhỏ  quá không chở hết mấy chục con người một lúc. Những người yếu nhất được ngồi trên xe bò kéo.  Cho nên những người còn khoẻ phải  mang vác hành lý, đi chân đát, cuốc bộ một đoạn đường gần 30 cây số. Sau này các cụ bảo: đi bộ còn sướng hơn ngồi trên xe bò, vì đường xấu, xe lắc dữ quá.  Sau hơn 20 ngày đêm lênh đênh trên biển cả. Mất ăn, mất ngủ  vì say sóng. Nay lại phải vượt đoạn đường từ đề-bô Vila tới đồn điền Bô-li-giáp, đã làm cho nhiều người khi tới nơi bị kiệt sức hoàn toàn. Vì con đường lúc bấy giờ chỉ là vết rãnh bánh xe bò gồ ghề, len lỏi qua các hốc cây trong  rừng  rậm, đã biến cuộc hành trình cuốc bộ  gian khổ ngang với chuỗi ngày bị sóng dữ tra tấn trên tầu.

                              
  Xe bò kéo là phương tiên vận tải thô sơ dùng trước năm 1930 tại Tân đảo (internet)

Khi  bước chân tới được đồn điền Bê-lốc, thì ngay ngày hôm sau mọi người đẫ băt đầu phải hòa nhập vào cuộc sống nô lệ rồi.  Hôm trước đó, khi làm thủ tục giao nhận người làm trước mặt các quan chức sở tại thì ông chủ tỏ vẻ tử tế, ân cần lắm. Nhưng khi dân phu mộ vừa mới chân ướt, chân ráo bước chân vào đồn điền, thì bắt gặp ngay một ông chủ khác lạ. Chắc hẳn là  ông ta muốn ra oai để uy hiếp tinh thần dân phu mới đến. Trên vai ông đeo một khẩu súng săn hai nòng loại ca-líp đui (calibre douze) nhãn hiệu Xanh Ê-tiên nổi tiếng. Một khẩu súng ngắn lủng lẳng bên hông. Tay ông nắm chặt chiếc roi gân bò, vừa dứ vừa nói, mặt đỏ gay. Thỉnh thoảng ông quật chiếc roi xuống mặt bàn bằng gỗ. Ông không nói nhiều, nhưng theo người thông dịch thì đại khái có mấy điều chủ yếu như thế này:

Đồng tiền lưu thông trong sở Phùa năm 1930

Đồng tiền được lưu hành trong đồn điên Phùa (Frouin) trước năm 1930

Ngày làm việc 10 tiếng (Giao kèo là 9 tiếng). Chiều thứ bẩy và ngày chủ nhật nghỉ. (trên thực tế người nô lệ phải làm từ 12 đên 14 tiếng và chỉ nghỉ ngày chủ nhật). Mức  khoán một ngày cho đàn ông: bổ dừa và nậy cùi dừa già là từ 200 đến 250 ki lô. Hết giờ làm mà không đủ khoán thì bị phạt. Đàn bà thì phát cỏ, phá rừng hoặc hái cà-phê, cacao. Mức khoán cũng không dưới 100 ki-lô môt người/một ngày. Không đủ khoán cũng bị phạt. Đồng thời, nghe một số quy định và điều lệ khắt khe khác áp dụng trong đồn điền.


Cây cầu Ba-lăng (Ballande). Nơi mà người phu mộ đầu tiên bước chân lên hòn đảo này. (ảnh internet)

Người ta được biết là trước những năm 1920, phần lớn diện tích đất đai ở đây thuộc quyền sở hữu của người Anh. Hầu như tất cả đất đai đều được trồng bông sợi. Diện tích trồng dừa rất ít. Do cuộc khủng hoảng về giá cả bông sợi lúc đó không cạnh tranh được với bông của Ấn độ và Trung hoa. Đồng thời đất đai đã chuyển dần sang tay người Pháp. Cùng lúc đó yêu cầu về dầu dừa tăng mạnh. Nhân công thiếu. Cho nên người Pháp đã tính đến chuyện khai thác lao động dư thừa và rẻ mạt ở Đông dương. Đặc biệt là miền Bắc Việt nam lúc bấy giờ đang bị thiên tai, lũ lụt. Nạn đói hoành hành. Thế là dân Bắc kỳ đã được ưu tiên tuyển chọn. Không bao lâu sau, diện tích trông dừa, cà-phê, ca-cao ở Tân đảo đã tăng từ 8.000 ha lên 16.000 ha, nhờ sức lao động của phu mộ Việt nam.

Một trong những đồn điền dừa do người phu mộ VN trông ở Tân đảo

Những chủ thực sự sở hữu đất đai ở Tân đảo không có nhiều. Đa số còn lại đều làm công cho các Công ty lớn như SFNH, PRNH, Ballande, BP v.v... Bọn chủ đồn điền nói chung đều ác, nhưng không tàn bạo bằng các loại cai, ký. Đơn giản vì số này  xuất thân là tù khổ sai chung thân (bagnards). Chúng nó coi người làm như nô lệ. Trước đây người ta chỉ nghe nói đến  nô lệ da đen ở châu Phi, châu Mỹ mà thôi. Còn ở Tân đảo thì lại có nô lệ da vàng, ám chỉ dân cu-li phu mộ người Việt. Bọn chủ thường dùng người bản xứ để cai quản cu-li. Bọn nó to con và rất khoẻ, thằng nào cũng trên dưới một tạ. Lúc nào cũng cầm roi gân bò đứng sau lưng người làm.  Phát cỏ không  nhanh cũng  bị đánh chửi. Bổ dừa hết ngày không đủ cân vừa bị đánh , vừa bị cúp lương. Chỉ cãi một câu với cai là ăn đòn liền. Dám cãi lại chủ: nhẹ  thì phạt cúp lường, nặng thì chủ cho đi tù. Một số đồn điền còn  cho đào hố xâu, quây gỗ và lợp tôn để nhốt người  nào mà chúng cho là lười hoặc rắn đầu. Đây là một loại nhà tù riêng của các đồn điền.


Thổ dân địa phương ở Tân đảo trước năm 1930 (ảnh internet)

Tại sao bọn chủ lại dùng người da đen trong việc quản lý đồn điền? Theo thống kê của một quan chức Pháp thì có tới 90% chủ đồn điền lấy vợ là người bản xứ da đen. Ông ta nêu một số tên như Coulon, Kanegai, Theuil, Thevenin, Harbulot, Lamoureux, Cronsteadt, Savoie v.v... Bọn chủ dùng luôn những anh em hoặc người thân bên nhà vợ để cai quản người làm trong đó có phu mộ Tông-ki-noa.  Trong các đồn điền, bọn chủ tổ chức quầy hàng nhỏ để bán hàng nhu yếu phẩm  thiết yếu cho người làm với giá cắt cổ.

Công nhân phu  mộ VN bổ và nậy cùi dừa trong đồn điên năm 1928

Ở đảo E-fa-tê còn đỡ cực hơn các đảo xa. Vì ở đây dù sao cũng gần các chính quyền sở tại. Ở các đảo xa xôi hẻo lánh, bọn chủ muốn làm gì thì làm. Chủ và cai dùng đủ mọi cực hình dã man thời trung cổ đối xử vời người làm. Bắt lột quần áo, để trần trói gốc cây phơi nắng mưa, để kiến đốt đến chết là chuyện thường xẩy ra ở đảo Malakula. Người phu mộ ở các đảo đó còn cực nhục hơn cả nô lệ nữa.

Thậm chí, bọn chủ có đánh chết người thì dù chính quyền  có nghe thấy cũng làm ngơ. Hoặc  phạt lấy lệ, vì bọn chủ luôn tìm cách để mua chuộc hoặc đút lót các quan sở tại. Chính vì vậy, ở các đảo xa đã xẩy ra các vụ án quan trọng. Đặc biệt là vụ án Sờ-va-li-ê ở Malô pass tại đảo San-tô, một hòn đảo lớn nhất ở Tân đảo. Nguyên nhân xẩy ra vụ việc: chỉ vì không chịu đựng được sự tàn ác vô cùng dã man  của tên chủ, nên một số phu mộ đã lập mưu giết chết tên này. Có 4 người liên can trực tiếp trong vụ án. Họ ddx bị kết án tử hình. Chính quyền thực dân đã dùng máy chém sát hại họ. (Xem vụ án Malo Pass)


1. Cỗ máy chém này đã vượt chặng đương hơn hai vạn km từ Pháp về Tân đảo.
2. Cổ phiếu của Công ty Nông Khánh sản Tân đao phát hành từ 1926


Nghe các cụ còn kể: người phụ nữ làm phu ở đồn điền còn chịu nhiều đau khổ và cực nhục  hơn nam giới. Phụ nữ nào trông dễ coi và đẹp mắt thì bọn chủ ưu tiên cho làm việc ở trong nhà như: phụ bếp, quét nhà, rửa bát đĩa, làm vệ sinh đồng thời để thỏa mãn tính dê của chủ. Phụ nữ bấy giờ rất hiếm, trong năm người phu mộ  mới có một người là nữ.


Người dân đen bản địa bổ và nậy cùi dừa

Cũng mức khoán 200 kí cùi dừa một ngày công, nhưng người đen họ khoẻ. Họ làm đến trưa là xong mức khoán. Người Việt mình yếu làm tới chiều tối mới đủ mức khoán. Nhiều khi không đủ là bị cúp lương hoặc "nếm" roi cặc bò. Tay đen khoẻ, chỉ một nhát dao nậy là nửa trái dừa. Dân mình yếu, phải ít nhất 3 nhát mới nậy được nửa quả dừa.
Trong số người lao động Việt nam cũng có người khoẻ làm vượt mức khoán, được thưởng. Nhưng cũng là tai hoạ cho những người yếu làm không đủ mức khoán vì chủ căn cứ vào vượt định mức của anh khoẻ để tăng thêm mức khoán chung.

Chính quyền Pháp hạn chế việc tuyển mộ phụ nữ vì lý do đơn giản: 1. khả năng lao động và sức chịu đựng khổ ải không bằng nam giới. 2. Phụ nữ châu Á rất mắn đẻ. Nếu tuyển mộ nhiều phụ nữ thì cứ sau 5 năm số trẻ em ra đời sẽ không lường hết  được. Như vậy, ngoài việc phải tăng chi phí phụ cấp tại chỗ lúc sinh  đẻ, đến khi hết hạn trả họ trở lại Hải phòng, chủ sẽ phải chi các khoản rất lớn trong việc giải quyết hậu quả.





Hình ảnh chặt phá rừng hoang để trồng dừa, cà-phê, ca-cao ở Tân đảo

Các bà cũng phải đi phát cỏ, bổ dừa như nam giới với mức khoán thấp hơn. Có bà vừa sinh đẻ đã phải đi làm trong rừng dừa hoặc cà-phê, ca-cao. Con nhỏ  phải treo trên cành  cây đề phòng rắn, rết cắn. Nhưng không chống được lũ kiến vàng đốt, đôi khi trẻ nhỏ bị ngất lịm vì nọc độc của kiến. Phụ nữ làm một mình trong rừng cà-phê, ca-cao bị chủ hoặc bọn cai hãm hiếp  là chuyện xẩy ra hàng ngày. Ngoài việc bị đánh đập, hãm hiếp dân phu mộ trong các đồn điền còn bị bệnh tật hoành hành vì điều kiện lao động cực khổ, ăn uống kém, thiếu vệ sinh, thiếu thốn đủ mọi thứ. Nhà thương thì xa quá. Có người bệnh đi bằng xe ngựa trên con đường gồ ghề, ra tới được nhà thương thì cũng tử luôn, chưa kịp khám chữa.

1. Cua dừa Tân đảo thịt thơm ngon béo ngậy.   2. Ở Tân đảo trồng rất nhiều Ca-cao.

Chưa hết, các cụ còn kể: đến đảo được vài tháng thì nhiều người bị mắc một chứng bệnh lạ. Không đau ốm, nhưng suốt ngày buồn ngủ. Nhiều người bị đòn oan vì chủ cho là giả vờ ốm. Lúc bấy giờ người ta cho là do khí hậu và thời tiết ở Tân đảo nó khác với Việt nam, do đó mới bị “ngã nước”. Không biết các cụ tìm được thông tin ở đâu mà rủ nhau đi đào đất bắt giun để chữa bệnh.

Bài thuốc thật đơn giản: giun đào được để nguyên đất, bỏ vào nồi đất rang vàng, sắc nước uống, Cứ ba bát nước cô lấy một bát. Bọn chủ thì xui uống nước biển. Ấy thế mà sau khi uống nước giun hoặc uống nước biển,  cũng có người khỏi bệnh. Nhưng đa số khỏi bệnh là do  uống thuốc ký-ninh. Có người uống nhiều ký-ninh quá, bị ù tai và sau một thời gian thì bị điếc. Mãi về sau này người ta mới phát hiện ra nguyên nhân của căn bệnh. Đó là một loại muỗi đốt gây ngủ có tên là sê-sê  (tsé-tsé). Còn bệnh sốt rét thì khi mới đến Tân đảo, người ta đã mắc phải rồi. Đó là do loại muỗi có tên là a-nô-phen đốt. Một số người yếu quá đã bị chết vì bệnh sốt rét.


Nhà thương đen (Hopital indigene) ở trung tâm Port Vila.
Người công nhân phu mộ VN thường đên đây để chữa trị bệnh.

Các cụ còn kể thêm: chính sau  vụ 4 người phu mộ hạ sát tên chủ Sờ-va-li-ê  năm 1929, đã gây nên một nỗi kinh hoàng trong giới chủ đồn điền ở khắp các đảo từ bắc xuống nam. Là tiếng chuông cảnh tỉnh  có một sức mạnh cực kỳ to lớn. Nó đã làm cho bọn chủ tàn ác khét tiếng đã phải nhụt chí và chùn tay trong việc đàn áp.  Không còn dám đối xử tàn bạo với người cu-li phu mộ như trước nữa.

Trong ảnh: Phía xa tay phái mầu trắng là nhà thương Tây và đen.
Quãng trống ở giữa là sân cỏ trại lính Bảo an Tây. Nơi đặt cỗ máy chém hành hình 6 người phu mộ VN ngày 28/7/1931.  (ảnh internet)
Ảnh này được chụp từ Giáo phận dòng tu Maristes Port Vila.

Chưa hết, các cụ còn kể: đúng là cái số kiếp làm trâu ngựa cho chủ, bị đối xử tàn tệ hơn cả nô lệ. Nhưng được cái ông Trời cũng còn thương. May sao cái xứ sở man rợ này lại được thiên nhiên ưu ái. Trong rừng gần như chỗ nào cũng có cái để ăn. Nước uống hàng ngày chẳng phải lo, vì bổ dừa thì tranh thủ uống nước của nó vừa ngọt lại tinh khiết. Nhưng nếu vô phúc mà xơi cùi dừa là ăn đòn liền. 

Người phu mộ VN làm cách mạng. Ngày 30/6/1946. Lần đầu tiên quốc kỳ Việt nam tung bay trên bầu trời thủ phủ  Port Vila do Hội Liên đoàn Ái hữu Việt nam tổ chức
 
Khi làm xong công việc và đạt mức khoán rồi thì tranh thủ đi tìm hái cam, quýt, đu đủ, ổi hoặc các loại trái có nhân rất bùi như nang-gai, navele. Mùa nào, thức nấy. Sắn và khoai môn rất sẵn. Lại còn loại quả "bánh mì"  mà trong Sài gòn gọi là trái "sa kê". Trái già gần chín, vứt vào đống lửa, cạo sạch than, ăn thay cơm được. Các loại cây này mọc hoang trong rừng. Hoặc những trái dừa già mọc mầm, bổ ra lấy  phổi ăn ngon lắm.  Dừa mọc mầm, chủ cho  phép ăn vì nó chẳng còn cùi. Hơn nữa loại dừa lên mầm hiếm lắm.  Trong  thân các cây gỗ mục, có loại sâu gỗ to bằng ngon tay. Bỏ vào lửa nướng, ăn rất  thơm và bổ. Ra bãi biển thì chỉ cần gạt lớp cát mỏng là bắt vô số sò, hến. 

Cua dừa thời bấy giờ nhiều vô k

Cua đất nhiều lắm, nhiều khi chúng đi hàng đàn vài trăm con. Nhất là sau mỗi trận mưa rào thì nhiều vô kể. Ban đêm mang bó đuốc đi soi, chỉ một nhoáng là bắt được hàng rổ cá các loại. Đặc biệt ở các đồn điền trồng  dừa ven bãi cát sát biển thường  hay có loại cua dừa vì chúng chuyên ăn dừa.  Trông nó giống như nhện, nhưng to và khoẻ  lắm. Chúng có thể tự bóc vỏ và đập vỡ sọ dừa để ăn. Còng nó to và cực khỏe. Vô ý bị nó cắp vào tay thì gẫy xương luôn. Có con nặng tới 3, 4 kí. Thịt nó thơm ngon và béo  ngậy. Thời gian trưởng thành của cua dừa từ 2 đến 3 kí, ít nhất cũng phải trên  10 năm. Chính những sản phẩm thiên nhiên phong phú này  đã giúp các cụ rất nhiều trong việc cải thiện bữa ăn hàng ngày. Giúp cho các cụ còn có sức để chịu đựng những trận đòn dã man hàng ngày của chủ. Dùng từ "các cụ" kể cũng hơi chướng tai và không chính xác lắm. Vì thời bấy giờ các cụ toàn là thanh niên trai tráng cả.


Bộ lạc ăn thịt người (canibales) trước nam 1920 (ảnh internet)

Nhiều  cụ  còn chua chát  nói: Cái mộng đi  Tây "đổi đời" thì có đấy.  Nhưng chỉ đổi từ  cái kiếp anh nông dân cầy thuê cuốc mướn ở trong nước, sang làm anh cu-li phu mộ tha phương cầu thực ở nơi đất khách quê  người mà thôi. Không hơn, không kém. Thôi thì, như thế  ai muốn gọi là đổi đời cũng được. Tuy nhiên anh nông dân vẫn còn may mắn hơn là không bị ức hiếp, đánh đập dã man như anh phu đồn điền ở Tân đảo hay anh phu mỏ ở Tân Thế giới.


Di tích lịch sử sống động về cuộc sống "tha phương" của người phu mộ chân đăng Việt nam thời nô-lệ  còn được gìn giữ như một báu vật tại khu nhà riêng của cụ cố Phùa ở Tagabe. Cụ LG Frouin (ta gọi là cụ Phùa) nguyên là chủ đồn điền kiêm Luật sư, lấy vợ Việt. Là người chủ duy nhất luôn đấu tranh và che chở quyền lợi cho ngươi VN ở Tân đảo. Dưới đây là hình ảnh chụp cái nồi gang nấu cơm và nấu thức ăn cho người lao động Việt nam từ những năm 1930 tại Sở Phùa.


Trải qua 80 năm, hai chiếc nồi gang khủng này gần như vẫn còn nguyên vẹn. Di sản còn lại của thời kì nô lệ còn thấy trong vườn nhà cụ cố Phùa ở Tagabe. Thời bấy giờ người ta dùng loại nồi này để nấu cơm và cái ăn cho người phu mộ trong đồn điền Phùa (Frouin). (ảnh do Jean van Jean chụp)

Di sản thời nô lệ. Cỗ máy bơm nước được sản xuất ở Pháp năm 1920
tìm thấy trong đồn điền Belloc gần Tuk Tuk. Cỗ máy này đã được sử dụng để bơm nước tưới cho các vườn ươm cây dừa, cà phê, ca cao thời bấy giờ 
(ảnh của Ernestine Nguyen trên FB)



Xin trân trọng cảm ơn và kính mời quý vị hãy bấm vào đây để xem trang ảnh về Tân đảo/Vanuatu của jeanvanjean:






...