Powered By Blogger

Wednesday, March 20, 2013

Di tích "Lịch sử" của người phu mộ VN ở Tân đảo

DI TÍCH LỊCH SỬ
Tại Nghĩa trang của người Việt nam
 Dành riêng cho người Việt nam
ở  Port Vila Tân đảo (Vanuatu)





Lễ đài tưởng niệm uy nghi, bề thế của khu Nghĩa trang người Việt nam
tại Port Vila Tân đảo (Vanuatu).
Được xây dựng năm 1945 và hoàn thành năm 1946 do công sức của bà Nguyễn Thị Bút, của các Tỉnh bộ, Khánh hội Long vân và cộng đồng người Việt tại Port Vila.


Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu

Từ thời  xa xưa, người Việt ở Tân đảo (Vanuatu) vẫn giữ được tục lệ cổ truyền là cứ đến ngày rằm tháng ba âm lịch là tổ chức ngày hội “Thanh minh Tảo mộ”.
Các cụ thưòng hay ví von: “Thanh Minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh” .
Rồi một ngày Hội khác nữa là ngày “Rằm tháng 7, Xá tội Vong nhân”. Gần đến ngày ấy, các cụ thường nhắc: ”Ngày mai xá tội Vong nhân, Cô hồn Chín suối lên trần gian chơi”.
Tình cảm dành cho người đã khuất của người Việt sinh sống ở nước ngoài thật vô cùng thiêng liêng và cũng thật đặc biệt. Chính vì vậy trong dịp này, Văn mong muốn nói lên một câu chuyện của một Nghĩa trang người Việt nam ở Port Vila Tân đảo.

Văn đã cố gắng sưu tầm và tìm kiếm trên rất nhiều địa danh, rất nhiều địa điểm tập trung người Việt nam ở Hải ngoại. Từ Âu sang Mỹ. Từ châu Á sang châu Phi, châu Úc. Từ nước lớn đến nước nhỏ. Nhưng chưa tìm thấy được nơi nào có một khu Nghĩa trang của người Việt, dành riêng cho người Việt như ở Port Vila Tân đảo (New Hebrides). (Nay trở thành nước Cộng hoà Vanuatu ở vùng Nam Thái Bình dương).

Nghĩa trang vừa được phát quang cỏ dại


Nghĩa trang chung ở đây rất rộng. Riêng khu nghĩa trang người Việt toạ lạc trên thửa đất bằng phẳng. Diện tích khoảng 3.000 m2 gần sân vận động Trung tâm Port Vila. Có một điều lạ làm người ta chú ý. Đó là cái hướng của toàn bộ các ngôi mộ trong  khu nghĩa trang đều được xây cất thẳng hàng và đều quay mặt ra đường cái, quy tụ về hướng Bắc. Xem trên bản đồ, vạch một đường thẳng về phía Bắc thì hướng này ứng với điểm đến của đất nước Việt nam. Có nghĩa là các cụ hồi xưa đã chọn hướng Bắc để xây dựng khu Nghĩa trang của mình. Sống gửi, Thác về. Một lòng một dạ hướng về quê Cha, đất Tổ. Sống thì mang thân về Quê hương, bản quán. Chết thì Hồn thiêng cũng vẫn vấn vương hướng vê Tổ quốc xa xôi của mình. Tinh yêu Quê hương của các cụ thật dạt dào, mênh mông và mãnh liệt. Chính vì lẽ đó mà các cụ đã làm hai câu đối hai bên Lễ đài. Mong gửi gắm tâm tư nguyện vọng của người Viễn xứ lúc còn sinh thời cũng như sau này gửi thân nơi Vĩnh hằng.  Đặc biệt câu đối chữ Nho đó đã tôn thêm vẻ đặc trưng của người châu Á, của tính cách và đặc thù của dân tộc Việt nam sinh sống ở xứ người.



Ông Trịnh Văn Tài và Đoàn VK 81 người từ Việt nam trở lại thăm New Caledonia và 
Vanuatu thắp nén hương tưởng niệm tại Nghiã trang người Việt nam tại Port Vila


Nhưng con cháu ở đây chẳng ai đọc được. May mắn thay và phúc đức làm sao! Vừa rồi Văn đã chụp ảnh Lễ đài úp lên trang ảnh Panoramio và đã được các ông Lưu Đình Tuân, con trai cụ Lưu đình Ngạn trước làm ở Cô-lạc-đô, ông Phạm Quyết Chiến, Giáo sư Đại học tại Hà nội và ông Đông Hoàng, một dịch giả nổi tiếng đã vô cùng nhiệt tình tham gia việc dịch thuật chữ Nho trên hai câu đối này. Các vị đã dành tất cả tâm huyết và thời gian quý báu của mình để hoàn tất công việc khó khăn này vì những nét sổ của chữ  trên câu đối không còn nguyên dạng như xưa. Văn xin thay mặt bà con VK ở đây chân thành cảm ơn tất các vị và xin  phép “các vị dịch giả”  trình bầy bản dịch lên trang này cho bà con cùng nghiên cứu và thưởng thức:




Câu đối do Cụ Đồ Phấn phác thảo và cụ Phó Ngoạn thực hiện.


Dưới đây là bài dịch thuật của các ông Lưu Đình Tuân, Phạm Quyết Chiến và Đông Hoàng. Theo nhận định của các ông thì câu đối mà Cụ Đồ Phấn biên soạn rất hoàn chỉnh, hàm ý sâu xa. Chan chứa tâm tư tình cảm, tình thương thầm kín đối với người đã khuất. Đồng thời nhắn nhủ đồng bào luôn hướng về Quê hương Đát nước, Tổ quốc Việt nam thân yêu của mình.

Câu đối bên phải:  噗  也  同  胞  鴻  北 去  Phốc dã đông bào hồng Bắc khứ có nghĩa là: Than ôi! Đồng bào ta đã theo chim Hồng bay về Phương Bắc.
Câu đói bên trái  呼  我   種    格   南  歸  Ta hồ ngã chủng cách Nam quy có nghĩa là: Tiếc thay! Dòng giống cốt nhục này vẫn ở mãi với Trời Nam.


Lđài Tưởng niêm và Cổng chính nghĩa trang người Công giáo VN

Ai lần đầu vào thăm khu nghĩa trang Port Vila cũng đều có ít nhiều ấn tượng về cái cổng chính có mái vòm và Lễ đài có cây Thánh giá phía bên trái của nghĩa trang cũ, còn lác đác một vài ngôi mộ bỏ hoang trên bãi cỏ xanh. Qua đó, thẳng con đường chính đi vào bên trong một chút thì sẽ hết sức ngạc nhiên về cảnh tượng quy mô rộng lớn của khu Nghĩa trang này. Người ta đặc biệt quan tâm về khu mộ xây thẳng hàng, bao bọc chung quanh bởi một  hàng rào ống thép mạ kẽm trên cột trụ xi-măng lõi thép. Phải công nhận, xi-măng sắt thép hồi xưa tốt hơn bây giờ nhiều.
 


Gần 70 năm dầm mưa dãi nắng, bão táp đất rung mà hàng rào vẫn đứng vững và nguyên vẹn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nhờ có bàn tay vàng cúa các bác thợ giỏi thời ấy. Nghe kể thì công trình này do cụ Nguyễn Văn Hộ (Hỗ) chỉ huy xây dựng. Cụ Hộ đã hơn trăm tuổi, còn khoẻ mạnh và đang sinh sống tại Sài gòn. Hồi ấy hàng rào bao quanh nhằm ngăn chặn bò vào ăn cỏ và phá phách. Nhưng cũng để thể hiện cho thiên hạ biết: đây là khu nghĩa trang của người Việt, dành riêng cho người Việt.

   

Cổng chính vào khu Nghĩa trang của người Việt nam tại Port Vila
được xây dựng năm 1945 cùng thời gian với Lễ đài Tưởng niệm.


Cổng chính vào nghĩa trang có hai cột trụ Tam cấp thẳng đứng không có hoa văn hoặc   vòm mái như cổng  nghĩa trang cũ. Hai trụ được xây dựng từ những năm 1945 và hoàn thành vào đầu năm 1946, cùng lúc với Lễ đài Kỷ niệm  toạ lạc chính giữa khu nghĩa trang mới. Bất kỳ ai và nhất là những vị lần đầu đến đây cũng phải dừng chân dành thời gian chiêm ngưỡng Lễ đài. Một vài người vô tâm nói: có gì đâu mà phải ngắm nhìn? Nhưng đa số bà con và nhất là khách du lịch thì họ ngắm nghía và ca ngợi đường nét hoa văn, kiểu cách dáng vẻ phương Đông vừa uy nghi, vừa cổ kính của đài Kỷ niệm. Họ nói: chúng tôi có cảm giác như đang đứng đâu dó ở Việt nam.

 


Lễ đài và Cổng chính của Nghĩa trang người Công giào Việt nam tại Vila và Mê-lê




1 và 2.  Cổng chinh Nhà thờ Công giáo tại Thánh địa Mê lê (1944)
2. Cổng chính nghĩa địa người Công giáo VN tại Mê lê Maat (1944)

Qua tìm hiểu thì được biết là hồi xa xưa đã có một nghĩa trang dành riêng cho người VN theo đạo Thiên chúa. Nghĩa trang này toạ lạc tại sườn dốc bên tay trái. Mặt chính quay về hướng Nam.  Ngay thời kỳ đó đã có sự phân biệt giữa người đi “lương” và đi “giáo”. Bởi vậy một số người đi “lương”  không tôn giáo đã được chôn cất ở khu đất giáp với nghĩa địa Tây. Có ngôi mộ xây cất trước năm 1930. Đặc biệt, có ngôi mộ của 6 người bị hành hình bằng máy chém  năm 1931. Ở khu nghĩa trang người Việt mới, chúng ta có thể tìm thấy ngôi mộ đầu tiên có niên hiệu 1941.




Bia mộ Tưởng niêm 6 phu mộ VN bị hành hình ngày 28/07/1931 tại Port Vila.


Văn còn nhớ mãi ngày Lễ Thanh minh hồi xưa ở đây đã thành “Lệ”.  Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng ba âm lịch.  Chẳng ai bảo ai. Từ sáng sớm, bà con đã có mặt đầy đủ tại nghĩa trang. Thủ tục rất đơn giản: đặt những bó hoa tươi, đốt nên, thắp hương trên Lễ đài và khấn khứa. Chẳng cần diễn văn, chẳng cần giải thích. Mọi người từ gìa đến trẻ đều đã biết: Hôm nay là “Thanh minh tảo mộ”. Không khí mát mẻ của sáng sớm còn ướt đọng sương đêm mùa thu, làm cho mọi người phấn chấn. Thưa vâng, ở Việt nam ta bây giờ là mùa Xuân, còn bên đây là mùa Thu bà con ạ. 



Mồm thì nói chuyện rôm rả, nhưng tay dao tay liềm thoăn thoắt phát cỏ không ngừng. Họ phần đông là đám thanh niên nam nữ mới trưởng thành. Sức vóc như voi. Loáng một cái, khoảng hai tiếng đồng hồ sau,  lúc nghe tiêng cưới, tiếng nói huyên náo ồn ào nhất, sôi nổi nhất thì cũng là lúc mà cỏ nghĩa trang hai bên đã được phát quang, dọn dẹp sạch sẽ. Rồi sau hai tiếng đồng hồ nữa thì tất cả các phần mộ đã được quét lớp sơn trắng toát. Như vậy, chỉ sau vài tiếng, chưa hết buổi sáng. Bàn tay của mấy trăm con người đã làm thay đổi hoàn toàn khung cảnh của Nghĩa trang cũ và mới của người Việt.


Người có thân nhân yên nghỉ tại đây thì tranh thủ đốt nến, thắp hương. Người thì đi tìm phần mộ của bạn bè hoặc người cùng Tỉnh, cùng Làng. Thắp nén nhang tưởng niệm. Người thì lâu ngày không gặp nhau chuyện dứt không ra. Đủ vẻ, đủ kiểu. Nhưng ai ai cũng rạng rỡ, phấn khởi được góp phàn công sức của mình vào một việc “Nghĩa”, cho một ngày Lễ Hội  truyền thống mỗi năm chỉ có một lần. Xin lỗi. Ở Port Vila, mỗi năm ba lần. Hai  lần theo “âm” là Lễ Thanh minh và Rằm tháng bẩy của người Việt  và một lần theo  “dương” của người Âu là  “Fête des Morts” tức Lễ hội của các Vong tổ chức hàng năm vào ngày mồng hai tháng 11, sau ngày Lễ Thánh gần giống như ngày Rằm tháng bẩy Xá tội Vong nhân của ta.


Tiếc thay! Đến bây giờ thì tục lệ ngày hội “Thanh minh tảo mộ” và ngày “Rằm tháng 7” không còn nữa. Nhưng trong ký ức của mọi người, nhất là của bà con anh chị em nguyên VK Tân đảo chắc còn ghi đậm kỷ niệm của những ngày Lễ hội cổ truyền đó. Bởi thế, hàng năm một ít gia đình Việt kiều còn lại vẫn đi Thanh minh Tảo mộ như các cụ hồi xưa. Vậy nhân dịp này, chúng ta cùng nhau ôn lại chuyện xưa và cùng cầu nguyện cho các vong hồn  linh thiêng nơi suối vàng được yên nghỉ thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu nơi vĩnh hằng.  

Mong rằng câu chuyện về một khu nghĩa trang người Việt duy nhất trên trái đất này sẽ làm sáng tỏ thêm trang sử hào hùng đã đi vào Lịch sử của người Phu mộ Việt Nam ở Tân đảo.



Thế hệ con cháu của người Phu mộ VN vẫn kế tục truyền thống của Cha, Ông.

May thay! Lớp con, cháu của người phu mộ chân đăng vấn kế tục truyền thống của cha ông. Cùng nhau giữ gìn, bảo vệ thành quả và di sản văn hoá của các cụ đã dầy công xây dựng. Ngoài nhiệm vụ duy tu nghĩa trang của Toà Thị chính thành phố, Hội Ái hữu và cộng đồng người VN tại đây vẫn thường xuyên tổ chức phát cỏ, sơn sửa lại các phần mộ và đặc biệt là Lễ đài tưởng niệm. Người bản xứ cũng như kiều dân khác khi qua đây đều tấm tắc khen ngợi công trình có một không hai này. Vừa uy nghi, vừa đẹp, vừa cổ kính mà chúng ta tin chắc rằng: đây là một trong những công trình lịch sử to đẹp của người phu mộ VN tại Hải ngoại đang còn tồn tại.

Xin bổ sung một số tư liệu hình ảnh Nghĩa trang người VN tại đảo Santo do ông Phạm Bình Tuấn cung cấp nhân chuyến hành hương về cội nguồn năm 2012


Với thời gian hạn chế, Ông Vũ Văn Minh đang tập trung hết sức mình để hoàn thành công việc tu sửa Lễ đài Tưởng niệm do Cộng đồng người Việt nam tại Santo xây dựng năm 1961. Để tưởng nhớ và gửi gắm lời chào cuối cùng đến những người đồng hương đã không may qua đời trên mảnh đất này, trước khi lên tầu hồi hương.



Ông Phạm Bình Tuấn, Bà Vũ Thị Nhàn, chị Việt kiều  và cháu bé người địa phưong đứng chụp ảnh lưu niêm bên cạnh Lễ đài tưởng niệm.





Hình ảnh thương tâm của một trong nhiều ngôi mộ bị hư hỏng.




Một số người dân địa phương giúp đỡ một tay với ông Vũ Văn Minh để hoàn thành sớm công việc tu sửa Lễ đài Tưởng niêm tại Nghĩa trang Santo.



Một trong những ngôi mộ đã được tu sửa.





Ni-Vanuatu xin kính chúc tất cả quý vị độc giả, bà con anh chị em và các bạn bè xa gần luôn luôn mạnh khoẻ, vui vẻ và hạnh phúc. Xin kính mời quý vị bấm vào Link này để xem hình  ảnh của đất nước Vanuatu do jeanvanjean thực hiện: http://www.panoramio.com/user/5191672













Hai con nghê do anh chị Lê Minh Tâm mang từ VN sang lắp đặt
tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang người Việt tại Port Vila





Monday, March 11, 2013

Nhớ về mái Trường xưa...

Ngôi trương Việt Nam đầu tiên
Tại Thủ phủ Port Vila Tân đảo


Première ÉCOLE  VIETNAMIENNE
à Port Vila Nouvelles-Hébrides/Vanuatu


Kỉ niệm 65 năm Ngày xây dựng ngôi trường dậy tiếng

Việt nam đầu tiên ở Port Vila Tân đảo (1946-2011)

Trường dậy tiếng Việt nam đầu tiên tại Port Vila năm 1946 Đằng sau Hiệu thuốc Tây (Pharmacie francaise) do Hội Liên đoàn Ái hữu Việt nam xây dựng.

Trong ảnh từ bên phải: Thầy giáo Bùi Gia Dzự và Nguyễn Hữu Đăng trên cùng. 

Học sinh nam: Đại Cai Son - Thanh Tích - Sâm Bằng - Bích Phu - Khanh Thông - Sự Tích - Ngọc Thùy - Tâm Tẩm - Tuân Ngạn - Long Lân - Đan Dần - Thơ Tích -  Uyên Các - Thân Tích - Thủy Phu - Vinh Từ - Minh Thông v.v... Chị em nữ: Lý Lân - Trang Dần - Nhớn Chinh - Nhị Tắc - Tuyết Tích - Quý Thông - Tần Các - Vy Phu - Cúc Tươi - Hoa Lợi - Tý Chung - Thơm Quả - Phụ Bằng - Điểm Dần - Cung Kê và số chị em khác không nhớ hết tên.





Trường học VN Công đoàn đầu tiên do Thầy giao Trịnh Văn Thuật phụ trách giảng dậy. Trường này gần gốc vối bên cạnh nhà ông Rolland ngay đường Rue General de Gaulle. Còn nhận ra các học sinh: Chị Hợi Tiểu - anh Chất Thuật - Thận Cáp - Tuân Ngạn - Vinh Ức v.v...

Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu

Nhân kỉ niệm Ngày Hiến chương các Nhà giáo 20/11/2011, chúng ta đều bồi hồi nhớ lại Mái trường xưa ở Port Vila Tân đảo (Vanuatu). Nhớ lại gương mặt trang nghiêm nhưng hiền hậu của các Thầy, các Cô. Nhớ lại những bộ mặt trẻ trung, ngây thơ của bạn bè cùng Trường, cùng lớp. Bao nhiêu kỉ niêm thời thơ ấu cứ dần dần hiện lên trong ký ức, tưởng cứ như mới ngày nào đây thôi...


1948.  Ngày Tết tại trường học VN Cộng hòa

Hồi còn nhỏ Văn thường được nghe các cụ nhắc nhở câu này: "Nhất tự vi , bán tự vi ". Có nghĩa là: học được một chữ cũng nhờ Thầy dậy, học được nửa chữ cũng do Thầy dậy". Cho tới ngày nay, không lúc nào Văn quên được lời giáo huấn đó. Vậy nhân dịp ngày Hiến chương các Nhà giáo năm nay, Văn mong muốn nói lên những suy tư và cảm súc của mình về các Thầy giáo, các cô giáo, các bà giáo  và mái trường thân yêu của mình những năm xưa...


Trường học Việt Nam Cộng hòa đầu năm 1948. Thầy giáo Bùi Gia Dzự và Nguyễn Hữu Đăng đứng trên cùng. Thầy Nguyễn Trọng Quế đứng đầu tay trái dưới.
Các học sinh nam:  Khanh Thông - Bình Bằng - Vượng Thông - Thân Tích - Oanh Thông - Lộc Thùy - Hùng Hòa - Thủy Phu - Dô Chung - Quân Chung - Thận Cáp - Ngọc Thùy - Vinh Từ - Long Lân - Đại Cai Son - Sự Tích - Bích Phu - Thịnh Quý -  Minh Thông - Hiển Từ - Thanh Tích - Sâm Bằng - Cường Hòa - Tỵ Giá ...
Các chị em: Lý Lân - Lan Từ - Thúy Cốc - Hoa Lợi - Tần Các - Tý Chung - Môn - Vượng Lân - Quy Lân - Quý Thông - Loan Chung - Cúc Tươi - Cầm Bối - Cung Kê - Nhớn Chinh và chị em khác....

Tại sao cũng ngày này mấy năm về trước không thấy nhắc đến? Vấn đề là ở chỗ đó. Vì ngày 20/11 năm 2011 có mấy điểm đặc biệt. Một là: những học sinh cũ còn rất ít của trường Liên đoàn Ái hữu (sau đổi tên là Cộng hoà) tại Port Vila sẽ cùng nhau ôn lại kỉ niệm sâu sắc là: cách đây 65 năm, được may mắn cùng nhau bước chân đến trường. Một mái trường đầu tiên dậy tiếng mẹ đẻ, tiếng Việt nam. Hai là: cái con số 20/11 này lại khớp với con số của năm nay 2011. Có đặc biệt không cơ chứ? Chắc cả đời chỉ duy nhất có một lần này thôi, đúng không ạ?

Vì vậy cho nên ngoài việc viết bài và post ảnh lên trang Blog này, Văn cũng sẽ viết và post lên trang Facebook. Đặc biệt, Văn xin trân trọng cảm ơn bà Virginia Lee Đỗ Trọng Tưởng và ông Georges Trịnh Quang Khanh ̣(quá cố) đã cho phép sao chụp một số ảnh cũ cực kỳ quý hiếm mà sau 65 năm còn lưu giữ được.

Tòa sứ Pháp sau chuyển thành Trương Ecole publique francaise tại Port Vila Tân đảo

Những anh chị em  ai đã từng học lớp thầy giáo Dzự và Thầy giáo Đăng sẽ không bao giờ quên được quyển sách giáo khoa đầu tiên.  Về luân lý do hai thầy biên soan in ấn bằng máy in roneo rất đệp có tên là "Lưu Bình và Dương Lễ".

Vậy nhân ngày trọng đại này, chúng ta hãy cùng nhau ôn lại công lao vĩ đại và trang sử vẻ vang của các Thầy, Cô đã đảm nhận sứ mạng quảng bá và bảo tồn tiếng Việt ở Hải ngoại. Đã dám đương đầu với nhà chức trách địa phương mở trường lớp dậy dỗ, giáo dục, đào tạo chúng ta từ tuổi thơ ấu đến độ trưởng thành ngày nay. Hãy cùng nhau tưởng niệm và tôn vinh các Thầy giáo BÙI Gia Dzự đứng trên bục cao tay phải và Thầy Nguyễn Hữu Đăng bên trái. Hai Thầy là những người phu mộ "chân đăng" Việt nam đầu tiên đứng ra tổ chức và mở trường học dậy tiếng Việt nam ở ngay tại trung tâm thành phố Port Vila, Thủ phủ của Tân đảo. 

Ta còn nhớ lúc bấy giờ ở trong đồn điền Bladinieres tức sở Cặp-tên đã có Hội múa rồng tên gọi "Khánh hội Long vân". Ở Vila thì đã có Hội Tân thanh sau đổi tên thành Liên đoàn Ái hữu VN. Đồng thời còn có Hiệp hội Thợ thuyền VN ra đời, sau này trở thành Công đoàn VN rồi "Việt nam Công nông đoàn".


  1956. Trường học Liên Việt do Thầy giáo Trịnh Văn Thuật phụ trách giảng dậy

Trong số chúng ta, không ít bạn đã được chính các Thầy Đăng, Thầy Dzự cầm tay nắn nót viết tô từng chữ O chữ A. Rồi dậy đọc chữ A B C, tập đánh ần, học đếm số v.v... Các Thầy còn dậy hát bài "Cụ Hồ Chí Minh Trời kia đáng ví". Học hát dễ hơn học chữ, đến bây giờ nhiều bạn còn nhớ bài hát này. Văn còn nhớ lúc lên 9 tuổi mới được đi học. Trong lớp ngồi lẫn với học sinh 5, 6 tuổi. Chắc vì thế  nên Văn luôn đứng đầu lớp. Cùng lúc đó các bạn Bạch, Long, Thanh, Sự, Cường v.v..  không biết học từ lúc nào mà được xếp trên Văn một lớp. Nhưng đến năm 1947 khi trường chuyển lên chỗ nhà khum của Mỹ sau Hội đồng khách, thì Văn cũng đã đuổi kịp và ngồi chung lớp với các bạn đó rồi.

Văn còn nhớ rành rọt là lần đầu tiên được nhận quà thưởng là một quyển sách do Thầy giáo Dzự và Thầy Đăng biên soạn, in ấn là quyển "Luân lý" có tên là "Lưu Bình-Dương Lễ". Mà sau này Văn lại có cơ hội được xem diễn tuồng ở Hội quán Công Nông đoàn Tagabê. Văn giữ mãi quyển sách đó đến tận khi hồi hương mới gửi tặng lại bạn bè còn ở lại đảo. 

1960. Trường Liên Việt do thầy giáo Bùi Văn  Quắc phụ trách


Theo nguồn tin lịch sử thì sau năm 1945, nhà cầm quyền Pháp ở địa phuơng đã buộc phải công nhận quyền Tự do, bình đẳng của người phu mộ VN ngang hàng với các ngoại kiều khác. Vì nước Việt nam đã độc lập. Ít lâu sau, trường đổi tên là CỘNG HOÀ khi chuyển lên khu vực mới sau Hội đồng khách (Chinese Club). Cùng lúc đó người ta thấy xuất hiện một ngôi trường thứ hai bên trên chỗ cây vối. Đó là trường "Công đoàn" do thầy giáo Thuật phụ trách giảng dây. Sau này có các thầy giáo Bỉnh, thầy giáo Đáp, thầy giào Nghĩa, thầy giáo Hớn v.v.... 

 Trái vối (jambolan) ăn vừa ngọt vừa chan chát thâm tím cả lưỡi

Những anh chị em nào hồi thơ ấu đã từng trèo lên cây  hoặc đáp vối để ăn tím cả lưỡi. Chắc chắn không thể nào quên được ngôi trường này


Trường học Việt Nam Công đoàn tại đương General de Gaulle gần gốc cây vối

Cũng là nhà vòm khum của Mỹ để lại. Cửa chính cũng hướng về phía Bắc. Khác một chút là nó giống kiểu nhà sàn nằm trên các cột trụ bằng bê-tông, xây dựng theo độ dốc của sườn đồi. Mối khi ra chơi, trời mưa thì chui vào gầm nhà. Nắng thì chạy lên chỗ cây vối bên kia đường. Trên đó có sân cỏ rộng. Tháng hai tựu trường cũng là lúc mùa vối chín. Thi nhau hái ăn tím cả lưỡi. Quả vối tiếng Tây gọi là "jambolan" hồi đó cứ gọi là dăm-bô-loong. Trái vối to bằng ngón tay cái, lúc chín tím lịm mọng nước, ăn man mát ngọt và chát. ăn xong tím lưỡi mấy ngày. Hãy còn nhớ đi đáp vối bị bươu đầu sứt trán nhưng vẫn cười được. Còn trường Cộng hoà có cái sân không rộng lắm nhưng đủ chỗ đánh bi hoặc chơi "khăng" (Jeu de canon). Một điều lạ là cả hai trường đều treo cở đỏ sao vàng, treo ảnh chân dung Bác Hồ. Thế mà học sinh hai trường thỉnh thoảng lại "choảng nhau" loạn xạ.


 Lớp học thầy  Đặng Viết Thế ở Tagabê

Bên trường Công đoàn có các Thầy giáo Bỉnh, thầy Hớn, thầy Nghĩa chơi đàn băng-dô và dậy hát rất hay, thầy Nha, thầy Đáp v.v... Sau khi Trại VN số 2 ở Tagabê được thành lập thì trường cũng chuyển luôn vào Hội quán Công đoàn. Lúc đó có thêm thầy giáo Đỗ Tích Lễ, thầy Đào duy Từ v.v... Đến tháng 8 năm 1947 thì hầu như toàn bộ các thầy giáo đều bị nhà cầm quyền Pháp trục xuất về Hải phòng trên chuyến tầu "Ville d'Amiens", người Việt quen gọi là Vin-đa-miêng. Trên chuyến tầu này còn có các cán bộ chủ chốt của Việt nam Công Nông đoàn như các ông Đồng Sỹ Hứa, Đỗ Tích Lễ, Lưu đình Ngạn, Nguyễn đắc Cát v.v...


Hội Liên đoàn Ái hữu VN tại Tân đảo. Người mặc com-lê trăng thắt cà-vạt đen đứng giữa cụ Trần Tích và cụ Trịnh Thông là Cụ cố Đăng Long Hướng. Đến cụ Già Gạo cầm cờ mặc áo đen và Cụ cố Đồng Sỹ Hưa. Tiếp đến là Cụ Nguyễn Đắc Cat (Thủ quỹ). Thầy giáo Bùi Gia Dzự vân vân...

Sau khi ông Đặng Long Hưởng bị tử vong vì tai nạn xe ôtô ở dốc Creek-Ai tháng giêng năm 1947, thì thầy giáo Quế được nhà chức trách Pháp tuyển chọn làm thư ký và phiên dịch tại Toà sứ. Thầy giáo Dzự đi làm thư ký cho hãng Ba-lăng CFNH. Thầy Đăng chuyển sang sinh sống tại Noumea Tân Thế giới. Sau này trường Cộng hoà lại chuyển lên chỗ có nhà khum của Mỹ khác ở sườn dốc bên cạnh ga-ra Valette và đổi tên thành Liên Việt. Trường lúc đó do Thầy giáo Trịnh Văn Thuật phụ trách. Một mình thầy Thuật đã đảm trách trên 40 học sinh các độ tuổi.


Các thầy giáo Đặng Viết Thế, Nguyễn Văn Đại và Dương Văn Đạm
chụp ảnh chung với học sinh trương Việt Nam Công nông đoan Tagabe Tân dảo.

"Tre già măng mọc". Văn là một trong những thanh  niên đầu tiên được Hội Việt nam Công Nông đoàn tuyển dụng vào dậy học ở trường Tagabê, cùng thời vời thầy giáo Đặng viết Thế, thầy Vũ Văn Than. Văn dậy chủ yếu là kèm cặp tiếng Pháp để tạo cơ hội cho học sinh bớt phần bỡ ngỡ khi vào học trường Pháp. Ít lâu sau có anh Dương Văn Đạm, chị Nguyễn Thị Trong cũng trở thành các giáo viên trẻ thời bấy giờ. Chuyện hơi kỳ cục  là các cụ còn giữ lễ nghi kiểu tôn ti trật tự. Các cụ yêu cầu học sinh phải gọi các thầy giáo có tuổi bằng "thầy giáo". Còn mấy anh em trẻ mới vào nghề thì các cụ bảo phải gọi bằng "anh giáo". Nghe cũng có lý. Nhưng nữ thì lại được gọi là "cô giáo".  Cũng hay...



Chiếc xe Citroen fourgon cuả Hội Việt nam Công đoàn chuyên đưa đón học sinh
 và bà con Việt kiều những ngày Lễ Tết  trước khi hồi hương.

Từ năm 1954 đến khi hồi hương năm 1964. Hàng ngày, người ta thường thấy bác Vũ đình Giẻo hoặc bác Nguyễn Văn Cân lái chiếc xe Xi-to-en hòm (Citroen fourgon) như thế này đưa đón học sinh ra tỉnh Vi-là hoặc vào học ở trong Tagabê. Mỗi ngày đi về 4 lần. Ngoài ra, những ngày Lễ Tết, tổ chức cho xe đón đưa bà con đi tham gia Lễ hội. 

Học sinh Việt nam học lớp bà giao Rolland tại Port Vila

Tưởng cũng nên nhắc lại một chút về học sinh VN theo học trường Pháp. Một điều đáng chú ý là học sinh VN luôn đứng đầu các lớp về tất cả các môn. Người Pháp lúc bấy giờ thường đặt câu hỏi: tại sao con cái họ là người Pháp chính hiệu mà học hành ở trường Pháp thường bị thua kém, không bằng học sinh Việt Nam?

Có một điều lạ là tuy sống dưới chế độ đồng quản "Condominium" của Pháp và Anh. Nhưng tuyệt nhiên không có con em Việt nam nào theo học trường Anh cả. Duy nhất có bố mẹ  anh Đỗ Viết Vinh đã thuê gia sư người gốc đảo Pentecote, tên là Richard Bule về dậy tại nhà riêng. Hồi ấy một số con em người Hoa kiều cũng theo học trường Anh ngữ.

Trương dòng Saint Joseph sau đổi tên là Sainte Jeanne d'Arc ở Port Vila N.H.

Thời kỳ đó Văn thôi học trường Việt và xin vào học trường dòng của các Sơ Pháp từ năm 1949 đến 1953. Cùng với Văn còn có chị Minh, anh Tiệp tức Paul Phuong, anh Jacques Pheu v.v... Văn đã học các Sơ Marie Francois Regis, Sơ Marie Ernestine. Nhà Văn không theo đạo nào cả, nhưng vì Văn học trường dòng cho nên thuộc lầu các loại kinh Thánh. Văn đã học được rất nhiều điều bổ ích trong kinh Thánh. 

Kết thúc năm học 1952. Toàn bộ lớp FEP đõ, riêng Văn bị trượt. Văn còn nhớ là học sinh trường dòng Mariste phải đi thi tốt nghiệp ở trương học pháp lúc đó mang tên là Ecole Communale francaise. Trường này giáp với Sở Cẩm (Police) và Delegation francaise ngay trung tâm thành phố Port Vila. Các anh chị động viên: học tài thi phận.

Năm 1953, Văn chuyển sang học tại trường công của Pháp (Ecole publique francaise) do bà Giáo JS Pommadere giảng dậy. Văn thi đậu Sơ học yếu lược loại ưu tại đó.


Lớp học FEP Sơ học yếu lược do bà giáo Jeanne Soanna POMMADERE giảng dậy.
Chị Tý Marie Giu ngồi đầu hàng phải. Đại Cai Son mặc áo trắng.Ginette Lods. Bùi Ngọc Bích. Vũ thi Trang. Trần đình Khoái. Marie Louise Ah Pow. Denise Jocteur. Sylvain Cugola. Roger Dosdane. Đõ Viết Vinh. Quách đình Thiệu. Yvon Valette. Emile Galinie. Jacques Pheu. Bui Văn Sự.

Nhớ lại những năm thơ ấu tại mái trường xưa. Nhớ lại những lời giáo huấn của các thầy, cô. Nhớ lại những giây phút huy hoàng khi nhận tấm huy chương về kết quả học tập tại trường dòng, nhận những phần thưởng và nhất là tấm bằng có chữ ký của chính Ngài Toàn quyền Tân Thế giới chứng nhận. 

Lớp học do bà giao Bryce Lanson phụ trách. Còn nhận ra các bạn học sinh VN: Hiển Từ - Thủy Phu - Xuân Tích - Khanh Thông - Quý Củng v.v...

Những kí ức và kỉ niệm về mái trương xưa thật dầy cộm. Không nhớ hết. Chỉ biết nói lên một điều: Xin trân trọng vinh danh và suốt đời nhớ ơn công lao dậy dỗ của các Thầy giáo, các Cô giáo, các bà giáo đã dầy công rèn luyện cả về văn hóa lẫn đạo đức. 

 Lớp học do bà Bryce Lanson phụ trách, Số học sinh VN: Lũy Ruân - Mousstique - Ngảnh Tích - Hữu Tích - Gaby Sự - Thơ Tich - Ý Lân - Khánh Xuyến - Thịnh Quý - Tình Đản - Khoát Noel  vân vân...

Xin gửi lời chào thân thiết đến các bạn bè xa gần cùng trường, cùng lớp đã cùng nhau chia sẻ những giây phút thần tiên của cuộc đời niên thiếu. Xin chúc tất cả các bạn sức khoẻ, niêm vui và mong muốn được gặp gỡ lại các bạn, ít nhất trên trang mạng này. Đồng thời cũng xin thành tâm tưởng niệm tất cả các bạn đã ra đi rất xa về nơi Vĩnh hằng...


Ảnh chụp đầu năm 1948. Thầy giáo Bùi Gia Dzự và Nguyễn Hữu Đăng đứng trên bục cao nhất.
Thầy giáo Nguyễn Trọng Quế đứng hàng đầu phía tay trái.

Văn Đại đứng thứ ba từ tay phải hàng thứ hai. Ngay dưới bảng có ô vuông đen. Các bạn nữ: Hoa Lợi, Lan Từ, Cung Kê, Cúc Tươi, Lý Lân, Tần Các, Liễu Nho, Tý Chung v.v.. 
Bạn nam: Long Lân, Sự Tích, Vinh Từ, Bích Phu, Thận Cáp, Thuỷ Phu, Khanh Thông, Thanh Tích,
Sâm Bằng, Cường Hoà, Bạch Tích, Thuỷ Cước, Minh Đản, Bình Bằng, Thân Tích, Zô Chung v.v..


Xin chân thành cảm ơn các bạn. Nếu ai còn nhớ có thể bổ sung
tên tuổi những bạn mà Văn chưa nhớ hết tên. Xin thông cảm.

 Xin mời quý vị và các bạn click vào link dưới đây để nghe bài hát


Trở về mái nhà xưa




Xin mời bấm vào đây: http://www.panoramio.com/user/5191672
để xem hình ảnh của Tân đảo xưa, nay là Vanuatu.

Xin trân trọng cảm ơn và chúc các bạn vui khoẻ và hạnh phúc.