Powered By Blogger

Wednesday, March 20, 2013

Di tích "Lịch sử" của người phu mộ VN ở Tân đảo

DI TÍCH LỊCH SỬ
Tại Nghĩa trang của người Việt nam
 Dành riêng cho người Việt nam
ở  Port Vila Tân đảo (Vanuatu)





Lễ đài tưởng niệm uy nghi, bề thế của khu Nghĩa trang người Việt nam
tại Port Vila Tân đảo (Vanuatu).
Được xây dựng năm 1945 và hoàn thành năm 1946 do công sức của bà Nguyễn Thị Bút, của các Tỉnh bộ, Khánh hội Long vân và cộng đồng người Việt tại Port Vila.


Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu

Từ thời  xa xưa, người Việt ở Tân đảo (Vanuatu) vẫn giữ được tục lệ cổ truyền là cứ đến ngày rằm tháng ba âm lịch là tổ chức ngày hội “Thanh minh Tảo mộ”.
Các cụ thưòng hay ví von: “Thanh Minh trong tiết tháng ba. Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh” .
Rồi một ngày Hội khác nữa là ngày “Rằm tháng 7, Xá tội Vong nhân”. Gần đến ngày ấy, các cụ thường nhắc: ”Ngày mai xá tội Vong nhân, Cô hồn Chín suối lên trần gian chơi”.
Tình cảm dành cho người đã khuất của người Việt sinh sống ở nước ngoài thật vô cùng thiêng liêng và cũng thật đặc biệt. Chính vì vậy trong dịp này, Văn mong muốn nói lên một câu chuyện của một Nghĩa trang người Việt nam ở Port Vila Tân đảo.

Văn đã cố gắng sưu tầm và tìm kiếm trên rất nhiều địa danh, rất nhiều địa điểm tập trung người Việt nam ở Hải ngoại. Từ Âu sang Mỹ. Từ châu Á sang châu Phi, châu Úc. Từ nước lớn đến nước nhỏ. Nhưng chưa tìm thấy được nơi nào có một khu Nghĩa trang của người Việt, dành riêng cho người Việt như ở Port Vila Tân đảo (New Hebrides). (Nay trở thành nước Cộng hoà Vanuatu ở vùng Nam Thái Bình dương).

Nghĩa trang vừa được phát quang cỏ dại


Nghĩa trang chung ở đây rất rộng. Riêng khu nghĩa trang người Việt toạ lạc trên thửa đất bằng phẳng. Diện tích khoảng 3.000 m2 gần sân vận động Trung tâm Port Vila. Có một điều lạ làm người ta chú ý. Đó là cái hướng của toàn bộ các ngôi mộ trong  khu nghĩa trang đều được xây cất thẳng hàng và đều quay mặt ra đường cái, quy tụ về hướng Bắc. Xem trên bản đồ, vạch một đường thẳng về phía Bắc thì hướng này ứng với điểm đến của đất nước Việt nam. Có nghĩa là các cụ hồi xưa đã chọn hướng Bắc để xây dựng khu Nghĩa trang của mình. Sống gửi, Thác về. Một lòng một dạ hướng về quê Cha, đất Tổ. Sống thì mang thân về Quê hương, bản quán. Chết thì Hồn thiêng cũng vẫn vấn vương hướng vê Tổ quốc xa xôi của mình. Tinh yêu Quê hương của các cụ thật dạt dào, mênh mông và mãnh liệt. Chính vì lẽ đó mà các cụ đã làm hai câu đối hai bên Lễ đài. Mong gửi gắm tâm tư nguyện vọng của người Viễn xứ lúc còn sinh thời cũng như sau này gửi thân nơi Vĩnh hằng.  Đặc biệt câu đối chữ Nho đó đã tôn thêm vẻ đặc trưng của người châu Á, của tính cách và đặc thù của dân tộc Việt nam sinh sống ở xứ người.



Ông Trịnh Văn Tài và Đoàn VK 81 người từ Việt nam trở lại thăm New Caledonia và 
Vanuatu thắp nén hương tưởng niệm tại Nghiã trang người Việt nam tại Port Vila


Nhưng con cháu ở đây chẳng ai đọc được. May mắn thay và phúc đức làm sao! Vừa rồi Văn đã chụp ảnh Lễ đài úp lên trang ảnh Panoramio và đã được các ông Lưu Đình Tuân, con trai cụ Lưu đình Ngạn trước làm ở Cô-lạc-đô, ông Phạm Quyết Chiến, Giáo sư Đại học tại Hà nội và ông Đông Hoàng, một dịch giả nổi tiếng đã vô cùng nhiệt tình tham gia việc dịch thuật chữ Nho trên hai câu đối này. Các vị đã dành tất cả tâm huyết và thời gian quý báu của mình để hoàn tất công việc khó khăn này vì những nét sổ của chữ  trên câu đối không còn nguyên dạng như xưa. Văn xin thay mặt bà con VK ở đây chân thành cảm ơn tất các vị và xin  phép “các vị dịch giả”  trình bầy bản dịch lên trang này cho bà con cùng nghiên cứu và thưởng thức:




Câu đối do Cụ Đồ Phấn phác thảo và cụ Phó Ngoạn thực hiện.


Dưới đây là bài dịch thuật của các ông Lưu Đình Tuân, Phạm Quyết Chiến và Đông Hoàng. Theo nhận định của các ông thì câu đối mà Cụ Đồ Phấn biên soạn rất hoàn chỉnh, hàm ý sâu xa. Chan chứa tâm tư tình cảm, tình thương thầm kín đối với người đã khuất. Đồng thời nhắn nhủ đồng bào luôn hướng về Quê hương Đát nước, Tổ quốc Việt nam thân yêu của mình.

Câu đối bên phải:  噗  也  同  胞  鴻  北 去  Phốc dã đông bào hồng Bắc khứ có nghĩa là: Than ôi! Đồng bào ta đã theo chim Hồng bay về Phương Bắc.
Câu đói bên trái  呼  我   種    格   南  歸  Ta hồ ngã chủng cách Nam quy có nghĩa là: Tiếc thay! Dòng giống cốt nhục này vẫn ở mãi với Trời Nam.


Lđài Tưởng niêm và Cổng chính nghĩa trang người Công giáo VN

Ai lần đầu vào thăm khu nghĩa trang Port Vila cũng đều có ít nhiều ấn tượng về cái cổng chính có mái vòm và Lễ đài có cây Thánh giá phía bên trái của nghĩa trang cũ, còn lác đác một vài ngôi mộ bỏ hoang trên bãi cỏ xanh. Qua đó, thẳng con đường chính đi vào bên trong một chút thì sẽ hết sức ngạc nhiên về cảnh tượng quy mô rộng lớn của khu Nghĩa trang này. Người ta đặc biệt quan tâm về khu mộ xây thẳng hàng, bao bọc chung quanh bởi một  hàng rào ống thép mạ kẽm trên cột trụ xi-măng lõi thép. Phải công nhận, xi-măng sắt thép hồi xưa tốt hơn bây giờ nhiều.
 


Gần 70 năm dầm mưa dãi nắng, bão táp đất rung mà hàng rào vẫn đứng vững và nguyên vẹn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nhờ có bàn tay vàng cúa các bác thợ giỏi thời ấy. Nghe kể thì công trình này do cụ Nguyễn Văn Hộ (Hỗ) chỉ huy xây dựng. Cụ Hộ đã hơn trăm tuổi, còn khoẻ mạnh và đang sinh sống tại Sài gòn. Hồi ấy hàng rào bao quanh nhằm ngăn chặn bò vào ăn cỏ và phá phách. Nhưng cũng để thể hiện cho thiên hạ biết: đây là khu nghĩa trang của người Việt, dành riêng cho người Việt.

   

Cổng chính vào khu Nghĩa trang của người Việt nam tại Port Vila
được xây dựng năm 1945 cùng thời gian với Lễ đài Tưởng niệm.


Cổng chính vào nghĩa trang có hai cột trụ Tam cấp thẳng đứng không có hoa văn hoặc   vòm mái như cổng  nghĩa trang cũ. Hai trụ được xây dựng từ những năm 1945 và hoàn thành vào đầu năm 1946, cùng lúc với Lễ đài Kỷ niệm  toạ lạc chính giữa khu nghĩa trang mới. Bất kỳ ai và nhất là những vị lần đầu đến đây cũng phải dừng chân dành thời gian chiêm ngưỡng Lễ đài. Một vài người vô tâm nói: có gì đâu mà phải ngắm nhìn? Nhưng đa số bà con và nhất là khách du lịch thì họ ngắm nghía và ca ngợi đường nét hoa văn, kiểu cách dáng vẻ phương Đông vừa uy nghi, vừa cổ kính của đài Kỷ niệm. Họ nói: chúng tôi có cảm giác như đang đứng đâu dó ở Việt nam.

 


Lễ đài và Cổng chính của Nghĩa trang người Công giào Việt nam tại Vila và Mê-lê




1 và 2.  Cổng chinh Nhà thờ Công giáo tại Thánh địa Mê lê (1944)
2. Cổng chính nghĩa địa người Công giáo VN tại Mê lê Maat (1944)

Qua tìm hiểu thì được biết là hồi xa xưa đã có một nghĩa trang dành riêng cho người VN theo đạo Thiên chúa. Nghĩa trang này toạ lạc tại sườn dốc bên tay trái. Mặt chính quay về hướng Nam.  Ngay thời kỳ đó đã có sự phân biệt giữa người đi “lương” và đi “giáo”. Bởi vậy một số người đi “lương”  không tôn giáo đã được chôn cất ở khu đất giáp với nghĩa địa Tây. Có ngôi mộ xây cất trước năm 1930. Đặc biệt, có ngôi mộ của 6 người bị hành hình bằng máy chém  năm 1931. Ở khu nghĩa trang người Việt mới, chúng ta có thể tìm thấy ngôi mộ đầu tiên có niên hiệu 1941.




Bia mộ Tưởng niêm 6 phu mộ VN bị hành hình ngày 28/07/1931 tại Port Vila.


Văn còn nhớ mãi ngày Lễ Thanh minh hồi xưa ở đây đã thành “Lệ”.  Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng ba âm lịch.  Chẳng ai bảo ai. Từ sáng sớm, bà con đã có mặt đầy đủ tại nghĩa trang. Thủ tục rất đơn giản: đặt những bó hoa tươi, đốt nên, thắp hương trên Lễ đài và khấn khứa. Chẳng cần diễn văn, chẳng cần giải thích. Mọi người từ gìa đến trẻ đều đã biết: Hôm nay là “Thanh minh tảo mộ”. Không khí mát mẻ của sáng sớm còn ướt đọng sương đêm mùa thu, làm cho mọi người phấn chấn. Thưa vâng, ở Việt nam ta bây giờ là mùa Xuân, còn bên đây là mùa Thu bà con ạ. 



Mồm thì nói chuyện rôm rả, nhưng tay dao tay liềm thoăn thoắt phát cỏ không ngừng. Họ phần đông là đám thanh niên nam nữ mới trưởng thành. Sức vóc như voi. Loáng một cái, khoảng hai tiếng đồng hồ sau,  lúc nghe tiêng cưới, tiếng nói huyên náo ồn ào nhất, sôi nổi nhất thì cũng là lúc mà cỏ nghĩa trang hai bên đã được phát quang, dọn dẹp sạch sẽ. Rồi sau hai tiếng đồng hồ nữa thì tất cả các phần mộ đã được quét lớp sơn trắng toát. Như vậy, chỉ sau vài tiếng, chưa hết buổi sáng. Bàn tay của mấy trăm con người đã làm thay đổi hoàn toàn khung cảnh của Nghĩa trang cũ và mới của người Việt.


Người có thân nhân yên nghỉ tại đây thì tranh thủ đốt nến, thắp hương. Người thì đi tìm phần mộ của bạn bè hoặc người cùng Tỉnh, cùng Làng. Thắp nén nhang tưởng niệm. Người thì lâu ngày không gặp nhau chuyện dứt không ra. Đủ vẻ, đủ kiểu. Nhưng ai ai cũng rạng rỡ, phấn khởi được góp phàn công sức của mình vào một việc “Nghĩa”, cho một ngày Lễ Hội  truyền thống mỗi năm chỉ có một lần. Xin lỗi. Ở Port Vila, mỗi năm ba lần. Hai  lần theo “âm” là Lễ Thanh minh và Rằm tháng bẩy của người Việt  và một lần theo  “dương” của người Âu là  “Fête des Morts” tức Lễ hội của các Vong tổ chức hàng năm vào ngày mồng hai tháng 11, sau ngày Lễ Thánh gần giống như ngày Rằm tháng bẩy Xá tội Vong nhân của ta.


Tiếc thay! Đến bây giờ thì tục lệ ngày hội “Thanh minh tảo mộ” và ngày “Rằm tháng 7” không còn nữa. Nhưng trong ký ức của mọi người, nhất là của bà con anh chị em nguyên VK Tân đảo chắc còn ghi đậm kỷ niệm của những ngày Lễ hội cổ truyền đó. Bởi thế, hàng năm một ít gia đình Việt kiều còn lại vẫn đi Thanh minh Tảo mộ như các cụ hồi xưa. Vậy nhân dịp này, chúng ta cùng nhau ôn lại chuyện xưa và cùng cầu nguyện cho các vong hồn  linh thiêng nơi suối vàng được yên nghỉ thanh thản trong giấc ngủ ngàn thu nơi vĩnh hằng.  

Mong rằng câu chuyện về một khu nghĩa trang người Việt duy nhất trên trái đất này sẽ làm sáng tỏ thêm trang sử hào hùng đã đi vào Lịch sử của người Phu mộ Việt Nam ở Tân đảo.



Thế hệ con cháu của người Phu mộ VN vẫn kế tục truyền thống của Cha, Ông.

May thay! Lớp con, cháu của người phu mộ chân đăng vấn kế tục truyền thống của cha ông. Cùng nhau giữ gìn, bảo vệ thành quả và di sản văn hoá của các cụ đã dầy công xây dựng. Ngoài nhiệm vụ duy tu nghĩa trang của Toà Thị chính thành phố, Hội Ái hữu và cộng đồng người VN tại đây vẫn thường xuyên tổ chức phát cỏ, sơn sửa lại các phần mộ và đặc biệt là Lễ đài tưởng niệm. Người bản xứ cũng như kiều dân khác khi qua đây đều tấm tắc khen ngợi công trình có một không hai này. Vừa uy nghi, vừa đẹp, vừa cổ kính mà chúng ta tin chắc rằng: đây là một trong những công trình lịch sử to đẹp của người phu mộ VN tại Hải ngoại đang còn tồn tại.

Xin bổ sung một số tư liệu hình ảnh Nghĩa trang người VN tại đảo Santo do ông Phạm Bình Tuấn cung cấp nhân chuyến hành hương về cội nguồn năm 2012


Với thời gian hạn chế, Ông Vũ Văn Minh đang tập trung hết sức mình để hoàn thành công việc tu sửa Lễ đài Tưởng niệm do Cộng đồng người Việt nam tại Santo xây dựng năm 1961. Để tưởng nhớ và gửi gắm lời chào cuối cùng đến những người đồng hương đã không may qua đời trên mảnh đất này, trước khi lên tầu hồi hương.



Ông Phạm Bình Tuấn, Bà Vũ Thị Nhàn, chị Việt kiều  và cháu bé người địa phưong đứng chụp ảnh lưu niêm bên cạnh Lễ đài tưởng niệm.





Hình ảnh thương tâm của một trong nhiều ngôi mộ bị hư hỏng.




Một số người dân địa phương giúp đỡ một tay với ông Vũ Văn Minh để hoàn thành sớm công việc tu sửa Lễ đài Tưởng niêm tại Nghĩa trang Santo.



Một trong những ngôi mộ đã được tu sửa.





Ni-Vanuatu xin kính chúc tất cả quý vị độc giả, bà con anh chị em và các bạn bè xa gần luôn luôn mạnh khoẻ, vui vẻ và hạnh phúc. Xin kính mời quý vị bấm vào Link này để xem hình  ảnh của đất nước Vanuatu do jeanvanjean thực hiện: http://www.panoramio.com/user/5191672













Hai con nghê do anh chị Lê Minh Tâm mang từ VN sang lắp đặt
tại Đài tưởng niệm Nghĩa trang người Việt tại Port Vila