Powered By Blogger

Saturday, August 18, 2018

La Colonisation des Nouvelles Hebrides et les Indochinois - Phần 6



TÀI LIỆU LỊCH SỬ VỀ NGƯỜI PHU MỘ
Việt Nam ở Tân đảo đầu Thế kỉ 20
Documentations historiques
des travailleurs engagés vietnamiens
Aux Nouvelles Hebrides/Vanuatu au 20eme siècle.

30/6/1946. Người phu mộ Việt Nam làm cách mạng ở Tân đảo. Lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời thủ phủ Port Vila.
Từ trái trong ảnh còn nhận ra các cụ: Trần Tích - Vũ Tám - Đặng Long Hưởng - Trịnh Thông - Hoàng xuân Khất (Cụ Gạo) - Đồng sỹ Hứa - Nguyễn đắc Cát (cầm cặp da) - Bùi Gia Dzự - Hoàng Gia - Vũ Mạo v.v...



Jean Van Son dịch và lên trang Blog

Lược dịch văn bản

Người dịch văn bản dưới đây xin mạn phép được giãi bầy quan điểm.
Nói chung, bản thân cũng đã từng đọc qua một số tư liệu, tài liệu và sách đề cập đến Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu). Tuy nhiên, người  dịch đã chọn văn bản mang tên : « La colonisation des Nouvelles Hebrides et les Indochinois » để dịch vì có rất nhiều tình tiết liên quan đến người phu mộ Việt nam mà còn  ít người biết đến. Mục đích của việc lựa chọn này nhằm giúp cho đông đảo bà con anh chị em nguyên là Việt kiều sinh trưởng ở Tân đảo xưa kia sẽ biết rõ thêm về lịch sử của cha ông chúng ta dưới thời thực dân đô hộ thế kỉ 20 mà thôi.
Trên thực tế, cuộc sống ở đâu cũng có hai mặt. Một mặt, chúng ta đều  được nghe kể chuyện hoặc đọc những bài viết về sự áp bức bóc lột đến tàn nhẫn của cai kí và chủ đồn điền. Nhưng mặt trái của thời kì ấy thì nhiều người lại chưa biết hoặc không quan tâm đến. Chúng ta lên án chế độ thực dân nhưng chúng ta chưa thấy hết được những điểm yếu của chính người phu mộ.
Xin nêu mấy điểm chính được ghi nhận trong các đồn điền, đã làm cho người phu mộ tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đó là các tệ nạn rượu chè, trai gái, cờ bạc, trộm cắp ở khắp các đồn điền trên hầu hết các đảo gần xa ở Tân đảo.
Một số vụ say rượu, trai gái dẫn đến ẩu đả gây thương tích hoặc án mạng.
Tệ nạn cờ bạc phải vay nợ của chủ với lãi suất cao. Nhiều trương hợp sau 5 năm không trả được nợ phải xin ở lại đăng kí thêm 5 năm. Hoặc túng bấn đi trộm cắp dẫn đến tù tội vân vân… Ngoài ra nhiều vụ việc như lãn công, giả vờ ốm, làm việc không năng suất cũng làm cho người chủ xót xa vì phải bù lỗ. Thậm chí có cả việc một ông đốc công hoặc một ông cại nọ sắn sàng nhạn một ít tiền franc đút lót để làm lơ chuyện này chuyện khác. Đó cũng là những nguyên nhân khiến cho chủ bức xúc phải sử dụng đến hình phạt, nhiều khi quá mức cho phép.
Không ai có quyền lên án những hậu quả tai hại mà các tệ nạn xã hội đó đã làm hệ lụy đến cuộc sống của cha ông chúng ta. Đặc biệt là chúng ta không khỏi bùi ngùi rơi lệ khi có dịp đi qua hoặc viếng thăm các khu nghĩa trang ở Vila, Santo, Malicolo, Epi v.v... Nếu tổng kết lại, trong công cuộc khai phá làm giầu cho Tân đảo thì cũng có hàng ngàn người xấu số đã phải gửi gắm nắm xương tàn nơi đất khách. So với tổng số phu mộ trên dưới 23 ngàn người có mặt ở Tân đảo thời bấy giờ thì tỷ lệ mất mát là quá lớn. Tính ra cứ 100 người thì có gần 5 người tử vong.
Người dịch sẽ cố gắng dùng từ ngữ  thật sát với từng thời điểm để giúp người đọc dễ hiểu hơn. Rất có thể có những sai sót nhầm lẫn nhất định trong khi dịch thuật. Vậy xin quý vị độc giả lượng thứ. Xin trân trọng cảm ơn.
Trích dịch nguyên bản Luận án tiến sĩ về khoa học lịch sử :

« La Colonisation des Nouvelles Hébrides et les Indochinois »
(Cuộc xâm chiếm Tân đảo làm thuộc địa và những người dân đến từ xứ Đông dương).
Tác giả: Frederique TAILHADE
Dưới sự chỉ đạo của : Ông CARBONELL – 1987






PHẦN SÁU

A.  Một cộng đồng sống tự do trong khuôn khổ
(Une communauté libre mais captive)

1950. Bà con Việt kiều Port Vila biểu tình đòi tầu hồi hương.

Luật cư trú Tự do

Đến hết năm 1945, tất cả mọi người cu-li tông-ki-noa đã hết hạn hợp đồng với chủ. Kể cả những người mới đến Tân đảo sau cùng vào năm 1940. Ngài Toàn quyền ở Noumea thay mặt chính phủ Pháp, buộc phải kí nghị định trao quyền tự do cư trú cho những người lao động đến từ xứ Đông dương.

Chánh Công sứ  Pháp R. Quýt-te (Commissaire Résident Kuter) và phu nhân
chụp ảnh trước Tòa sứ Pháp năm 1945 (Internet)

Nghị định số 16 CR ban hành ngày 31/10/1945
Trao trả quyền tự do cư trú cho người tông-ki-noa tại Tân đảo.
“Được thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 1945, thay cho nghị định số 40-cg ngày 19 tháng 6 năm 1934. Tất cả những người tông-ki-noa hiện đang có mặt tại Tân đảo, dưới mọi hình thức hợp đồng lao động được hưởng quyền tự do cư trú. Trừ một số trường hợp tự nguyện làm đơn xin tiếp tục kí kết lại hợp đồng với chủ trước ngày 30/11/1945. Tất cả những yêu cầu này sẽ được chuyển đến các điền chủ, đến đại diện chính quyền ở đảo Vate, đến văn phòng cơ quan di trú (Bureau de l’Immigration).
Vì vậy, kể từ ngày nghị định được ban hành, những người cư trú tự do sẽ được xóa bỏ mọi ràng buộc liên quan đến hợp đồng đã ki kết trước đó với người chủ cũ.
Kể từ ngày 14/11/1945, những người lao động tông-ki-noa có nguyện vọng mong muốn tiếp tục làm việc theo tinh thần của bản hợp đồng cũ, có quyền tự chọn chủ mới trong phạm vi khu vực theo tinh thần nghị định đã ban hành.
Port Vila, ngày 31 tháng 10 năm 1945.
Chiểu theo ủy quyền của Ngài Toàn quyền của nước Pháp .
Đã kí : Chánh sứ R. Kuter .

Xưa ở Tân đảo Tây gọi những người này là cu-li tông-ki-noa. Bây giờ họ là người Việt Nam.


Đến cuối năm 1946, người ta đã gọi người tông-ki-noa bằng cái tên mới là người Việt Nam. Họ đã hưởng quy chế chính trị và hành chính như những người kiều dân châu Âu sinh sống tại Tân đảo.

Sự đổi mới trong cuộc mưu sinh của người tông-ki-noa xưa.

Được trao trả quyền tự do, đa số người Việt nam đã rời bỏ chủ cũ và đồn điền, nơi đã in đậm dấu ấn của sự đau khổ. (Người ta không còn gọi tông-ki-noa dân Xứ đông dương nữa. Vì nó đã bị xóa sổ).
Một số người dành dụm được ít vốn liếng đã nhanh chóng thay đổi và tìm kế mưu sinh mới. Người thì mở hàng tạp hóa, cắt tóc, giặt là, làm tạp vụ, chạy xe tắc-xi, sửa chữa ô-tô, xây dựng nhà cửa v.v…

Xe Jeep Mỹ là phương tiện vận chuyển ưa chuộng nhất của người Việt Nam tai Tân đảo sau năm 1945.

Đa số đã định cạnh định cư phát triển nghề trồng rau và chăn nuôi gia cầm cung cấp rau xanh và hoa quả cho thành phố Vila. Ở bên đảo San-tô cũng thế.
Một số đã tiếp tục làm việc trong các dồn điền theo hợp đồng và thỏa thuận mới. Trong đó, một số đã nhận làm khoán kiểu « lãi ăn lỗ chịu ». Kết quả thật bất ngờ. Chỉ sau một thời gian ngắn, với hai bàn tay trắng, nhiều người đã thành đạt. Cách làm ăn của người Việt thật đáng kinh ngạc. Họ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao và tính cách phục vụ không còn giới hạn. Nền kinh tế ở Tân đảo đứng vững và phát triển mạnh mẽ.
Người Việt nam ở Tân đảo đã tổ chức định cư ở ba địa điểm chình : một là ở San-tô, hai là ở đảo Port Vila Vate và điểm thứ ba là ở PRNH đảo Malicolo (Plantations Reunies des Nouvelles Hebrides). Tại đây gần 500 người việt đã ki kết hợp đồng theo phương thức kinh doanh với tổng Công ty PRNH. Từ cuộc sống tập trung, cộng đồng người Việt nam đã bắt đầu tổ chức hội đoàn.

B.  Người Việt nam trở thành một vấn đề cần quan tâm.
Những đòi hỏi và yêu sách của họ.

Kể từ năm 1941, khi bắt đầu thế chiến thứ hai, thì những người Việt nam dù đang bị ràng buộc bởi hợp đồng lao động với chủ, họ chi nuôi một ý tưởng duy nhất : mong muốn sớm được hồi hương để góp sức chống kẻ thù xâm lược đất nước họ.
Một tờ nguyệt san Úc « Pacific Island Monthly » hồi  tháng 8 năm 1947 viết tóm lược tình hình chung như sau:


« Một lá cờ thứ ba ở Tân đảo… bên cạnh cờ Pháp và cờ Anh »

« Khi chiến tranh bùng nổ, toàn bộ hệ thống  hợp đồng lao động xưa đã bị sụp đổ. Nguyên nhân chính là khi mãn hạn hợp đồng, người lao động không được hồi hương theo quy định, chỉ đơn giản là không có tầu vận chuyển. Tự họ đã đi tìm lối thoát bằng cách lao vào làm kinh tế. Hoặc làm ăn cá thể hoặc kí kết hợp đồng với các Công ty nông nghiệp địa phương. Và họ đã đạt được yêu sách đề ra, chủ yếu trong vấn đề quyền lợi về lương bổng.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt, đa số người Việt nam yêu cầu được trở về quê hương của họ. Một điều khó có thể thực hiện tức thời vì không đào đâu ra được tầu. Cuộc sống của họ bắt đầu ổn định về mọi mặt, cả về tinh thần lẫn vật chất. Nhưng một điều rất khó hiểu là tư duy của người Việt khác hẳn với người Nam dương Javanais, người Ấn độ tại Fiji hay người Tầu ở Noumea. Bất cứ ở đâu, miễn là nơi đó có thể ban cho họ một cuộc sống no đủ. Thì họ coi đó là quê hương của họ. Nhưng người Việt thì khác. Tổ quốc của họ mới chính là quê hương, dù họ biết phải sống trong nghèo nàn khổ cực.

Trước mũi xe của Lãnh tụ Công đoàn Việt nam ở Tagabe Tân đảo phần phật lá cờ đỏ sao vàng.

Một sự kiện nổi bật cực kì lớn lao ở Tân đảo năm 1946 đó là sự hiện diện của một lá cờ thứ ba ngay tại bầu trời  thủ phủ Port Vila. Một lá cờ đỏ ở giữa có ngôi sao mầu vàng năm cánh tung bay phấp phới giữa hai là cờ của Pháp và Anh. Người ta bàn tán xôn xao về một chính quyền mới của người Việt Nam tại Tân đảo. Trước mũi xe của nhà lãnh đạo Việt minh cũng phần phật một lá cờ đỏ sao vàng cỡ nhỏ. Chả khác gì xe của chánh sứ Pháp hoặc Ăng-lê. Cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của khối Việt minh tại đồng bằng Bắc bộ. Chính phủ Pháp đã thỏa thuận kí kết trao trả độc lập cho chính phủ lâm thời của Việt Nam ».



Cộng đồng người công giáo VN tại Port Vila Tân đảo

Không chỉ riêng người Việt nam đòi hỏi tầu hồi hương. Mà ngay kiều dân châu Âu ở Tân đảo cũng biểu đồng tình yêu cầu chính quyền gấp rút thu xếp cho người Việt hồi hương càng sớm càng tốt. (Họ quan ngại là nếu để người Việt ở lại Tân đảo thì một ngày nào đó sẽ sinh loạn. Bất lợi cho người châu Âu).
Tháng 6 năm 1946, tổ chức Công đoàn Nông nghiệp Tân đảo đã gửi cho Ngài Tổng Thanh tra các thuộc địa bản kiến nghị sau đây :

KIẾN NGHỊ

Chúng tôi, gồm các chủ đồn điền và những người chủ có trách nhiệm trong việc tuyển mộ lao động nước ngoài đến làm việc tại Tân đảo, xin trân trọng đề xuất ý kiến với Ngài Tổng Thanh tra Thuộc địa quan tâm lưu ý đên một số sự việc và sự kiện liên quan đến lực lượng lao động tông-ki-noa  như sau :

1.   Lực lượng lao động này được đánh giá trên cả tuyệt vời. đang đứng trước một tình huống khó xử sau khi mãn hạn hợp đồng chờ đợi tầu hồi hương. Họ không còn tôn trọng ý thức của người lao động. Gây nên tình trạng căng thẳng tại địa phương.
2.   Luật cư trú tự do chính quyền vừa ban hành đã xóa bỏ mọi ràng buộc về ý thức hệ giữa chủ và người làm. Đã gây nên sự xáo trộn làm đảo lộn mọi quy tắc và trật tự truyền thống vốn có ở địa phương. Và cứ theo đà này thì sẽ gây trong một tương lai rất gần những hậu quả tại hai không thể lường trước được. Đặc biệt việc kí kết hợp đồng hai bên cùng có lợi với các Công ty nông nghiệp là một tấm gương xấu trở thành phong trào và làm cho người bản xứ thức tỉnh, a dua bắt chước. Vốn dĩ người bản địa cũng là người không ưa gì nước Pháp. Sự chống đối của họ ngày càng rõ nét làm cho cộng đồng người Âu quan ngại.
3.   Đặc biệt là những khó khăn trong việc vận chuyển cung cấp gạo dành cho những người phu mộ đã hết hạn hợp đồng cũng như những người lao động bản địa đã trở nên đắt đỏ nhưng cần thiết.


1947. Tầu Ville d'Amiens cập bến Cảng Hải phòng

Với các lý do nêu trên, chúng tôi trân trọng kiền nghị một số giải pháp cấp thiết cần xem xét giải quyết  sau đây :
a.   Tổ chức thuê tầu hồi hương trả họ về xứ sở, hoặc thuyên chuyển toàn bộ số lao động này sang bên Tân Thế giới nếu có nhu cầu về nhân công.
b.   Tìm giải pháp hữu hiệu nhằm thay thế bằng lực lượng công nhân mới chưa bị nhiễm căn bệnh tự do quá trớn.
c.   Để tránh một cuộc khủng khoảng kinh tế có thể làm các điền chủ bị kiệt quệ và phá sản sau này. Yêu cầu Chính phủ Pháp can thiệp gấp rút nhằm đơn giản hóa việc tuyển mộ nhân công địa phương. Giữ vững một di sản kinh tế của nước Pháp trong vùng Nam Thái bình dương, do công lao to lớn của bao đời cha ông chúng ta đã dầy công vun đắp nên. Tất cả những điều đó xứng đáng được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà  Nước Pháp.
Kính chào Ngài Tổng Thanh tra thuộc địa.

(Ghi chú : Bản Kiến nghị này đã được gửi cho Ngài Tổng Thanh tra cùng vào ngày 30/6/1946, sau khi lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên tại thủ phủ Port Vila Tân đảo)

Sự tranh chấp về quyền lợi đã nổ ra giữa hai cộng đồng người Việt và người Âu ở Tân đảo với cùng một mục đích. Người Việt muốn đòi tầu hồi hương. Người Âu cũng muốn có tầu tống khứ người Việt ra khỏi xứ này cho khuất mắt họ.


1946. Người Việt nam mở trường dậy học cho trẻ em và cả cho người lớn biết đọc biết viết chữ việt.

Cả hai phía đã từng xẩy ra những cuộc vận động bới lông tìm vết (campagne de dénigrement). Người Việt lên án người Âu là những tên ác ôn vô nhân đạo. Người Âu lên án người Việt là buôn bán rượu lậu, làm giầu bất chính trên thân xác người bản xứ. Một người Âu đã viết trên báo :
« Người tông-ki-noa đã trở thành người Việt. Bây giờ được tự do thả phanh buôn gian bán lận. Tôi đã tận mắt nhìn thấy một người Việt chất đầy rượu lên xe Jeep mang đi bán ở những nơi hẻo lánh xa xôi. (Rất nhiều người Việt đã mua được xe Jeep để chạy Tắc-xi và buôn lậu). Chính những người này đã làm giầu nhanh chóng và cũng chính họ là những người đã xâm hại trực tiếp đến sức khỏe của người dân địa phương ».

Kể cũng lạ là trong suốt thời kì gần 50 năm qua, các vị điền chủ của chúng ta cũng đã làm công việc tương tự mà chả thấy ai lên án cả. Đến năm 1947, mối thù hận lâu ngày đã được bộc lộ rõ ràng.

Cuộc va chạm với chính quyền

Con tầu Ville d'Amiens chở bà con phu mộ hồi hương.

Sau chuyến tầu hồi hương thứ nhất hồi tháng giêng năm 1947. Tiếp đó không có chuyến tầu nào nữa. Vì thế, ngày 22 tháng 6 năm đó, 2.470 người Việt đã tổ chức tuần hành trên khắp các đường phố ở Port Vila. Họ tuyên chiến với chính phủ Pháp. Họ đã dự kiến kế hoạch bạo động : sẽ thiêu hủy văn phòng  tòa đại diện công sứ Pháp (Incendies des Délégations francaises) tại San-tô và Port Vila. Sẽ bắt các điền chủ làm con tin (colons en otages). Sự phản kháng mang tính chất thù địch đã làm cho bộ máy chính quyền Pháp tại đia phương lo sợ.



Trại VN số 2 Tagabe Tân đảo được mênh danh là vùng "Đất Thánh" của Việt minh lô-can.

Chính phủ Pháp  đã buộc phải cấp tốc ra lệnh cho chiến hạm Đuy-mông Đúc-vin (Aviso Dumont d’Urville) đang hoạt đông trong vùng biển gần Papeete quay về Port Vila khẩn cấp để cứu nguy.
Mấy ngày hôm sau, trật tự đã được thiết lập trở lại rất nhanh chóng.


1947. Chiến hạm Đuy-mông Đức-vin neo đậu trong vịnh Port Vila với trên 200 lính thủy đánh bộ Pháp.

Việt minh và người Việt công giáo.

Cộng đồng người Việt Nam ở Tân đảo từ xưa đã có sự bất đồng về tín ngưỡng tôn giáo. Mặc dù vậy, họ đều có một sự thống nhất về quan điểm đấu tranh đòi hỏi quyền bình đẳng cư trú tự do và đòi tầu hồi hương. Nhưng hành động có tính chất bạo lực đều do người Việt có xu hướng đi theo chủ nghĩa dân tộc cầm đầu (nationalistes).


1948. Trương học Việt Nam cũng là Hội quán của Hội Cộng hòa ( sau là Liên Việt) tại Port Vila Tân đảo.

Ngày 27 tháng 8 năm 1946, sau khi kéo cờ đỏ sao vàng, Liên đoàn Ái hữu Việt nam tại Tân đảo đã phân chia thành hai hội. Ông Đặng Long Hưởng làm chủ tịch Hội Cộng hòa sau trở thành Liên Việt. Ông Đồng Sỹ Hứa – nguyên là viên chức làm việc cho hai chính quyền Pháp và Anh - được bầu làm Tổng Thư kí Hội Công đoàn Việt Nam. Khu vực Tagabe đã trở thành đại bản doanh (Q.G.) và là vùng đất thánh (Terre sainte) của Việt Minh.


Con cháu người phu mộ VN ở Tagabe Tân đảo

Để duy trì cuộc sống trước mắt và lâu dài, người ta đã tổ chức sản xuất và sinh hoạt  kiểu tập thể (phalanstère). Họ đã tận dụng những nhà khum (demie-lune) của quân đội Mỹ để lại, những tấm tôn và cả những thùng phuy bằng sắt để cất mái nhà tạm.


Người Việt nam ở đảo San-tô Tân đảo

Chính họ đã trở thành những nhà sản xuất rau xanh cung cấp cho cả thành phố. Không những họ đã duy trì được cuộc sống bản thân, Họ còn vận động quyên góp tiền gửi về Việt Nam giúp đỡ đồng bào của họ đang bị nạn đói hoành hành. Ông Đồng sỹ Hứa đã có văn bản gửi Tổ chức Công đoàn của người Pháp tai Tân đảo. Đồng thời, họ đã tổ chức mở trường dậy tiếng Việt cho trẻ em và mở cả lớp học cho người lớn biết đọc biết viết.


Cụ cố Đồng Sỹ Hứa (1915-2005) còn gọi là cụ Phán Hứa. Nguyên là công chức tại Tòa sứ Pháp. Tổng thư kí Công đoàn VN tại Tagabe Port Vila Tân đảo.


1946. Cụ Đồng Sỹ Hứa - Tổng thư kí Việt nam Công đoàn đã gửi bức thư cho ông Chủ tịch Công đoàn Nông nghiệp Pháp tại Tân đảo.

Hội Việt Nam Công đoàn do ông Đồng sữ Hứa lãnh đạo đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình đình công trong năm 1947. Và như chúng ta đã biết : toàn bộ cuộc náo loạn chỉ chấm dưt sau khi chiến hạm Dumont d’Urville neo đậu trong vịnh Port Vila.

Tình hình chung ở Port Vila cũng như San-tô và Malicolo đã trở nên yên tĩnh sau khi ông Đồng Sỹ Hứa lãnh tụ của Việt minh bị nhà cầm quyền trục xuất trên chuyến tầu Ville d’Amiens ngày 25 tháng 8 năm 1947, hồi hương về Việt nam cùng với toàn thể ban lãnh đạo Công đoàn và hơn 500 người đồng hương của họ.


Đường phố Port Vila Tân đảo những năm 1948-1950. Ảnh chụp trước cửa hàng hãng Ba-lăng CFNH.

Sau sự kiện này, chính quyền Pháp và kiều dân châu Âu tại địa phương đã thở phào nhẹ nhõm. Tòa Công sứ Pháp tại Port Vila đã gửi một bức mật điện cho Ngài Bộ trưởng Nhà nước Pháp về tình hình chung như sau :
« Sau chuyến tầu hồi hương tháng giêng năm 1947. (Stop) Đồng Sỹ Hứa đã phát động cuộc diễu hành thị uy quy mô lớn làm rung động Port Vila. (Stop)  Việc Hứa từ chức ở Tòa sứ Pháp cũng như các tuyên bố của ông nhằm củng cố địa vị và chuẩn bị chỗ đứng cho bản thân sau này khi trở về Việt Nam. (Stop)  Hứa mong muốn cùng với số cán bộ cùng xu hướng chính trị sẽ cùng gia nhập phong trào kháng chiến chống Pháp ở Việt nam. (Stop)».


Xin mời quý vị theo dõi tiếp phần 7 trong kì tới.



Người dịch xin trân trọng kính chào và cảm ơn quý vị đã dành thời gian quý hiếm để ghé thăm Blog Tân đảo Xưa và Nay. Và  đặc biệt đã quan tâm đến lịch sử về cuộc sống tha phương của người phu mộ Việt Nam tại Tân đảo.

Xin chúc mọi người vui khỏe và may mắn.