Powered By Blogger

Tuesday, August 14, 2018

La Colonisation des Nouvelles Hebrides et les Indochinois - Phần 5


TÀI LIỆU LỊCH SỬ VỀ NGƯỜI PHU MỘ
Việt Nam ở Tân đảo đầu Thế kỉ 20
Documentations historiques
des travailleurs engagés vietnamiens
Aux Nouvelles Hebrides/Vanuatu au 20eme siècle.

Người lao động phu mộ VN chuyển đổi nơi làm viêc theo Luật cư trú Tự do ở Tân đảo tháng 11 năm 1945.


Jean Van Son dịch và lên trang Blog

Lược dịch văn bản

Người dịch văn bản dưới đây xin mạn phép được giãi bầy quan điểm.
Nói chung, bản thân cũng đã từng đọc qua một số tư liệu, tài liệu và sách đề cập đến Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu). Tuy nhiên, người  dịch đã chọn văn bản mang tên : « La colonisation des Nouvelles Hebrides et les Indochinois » để dịch vì có rất nhiều tình tiết liên quan đến người phu mộ Việt nam mà còn  ít người biết đến. Mục đích của việc lựa chọn này nhằm giúp cho đông đảo bà con anh chị em nguyên là Việt kiều sinh trưởng ở Tân đảo xưa kia sẽ biết rõ thêm về lịch sử của cha ông chúng ta dưới thời thực dân đô hộ thế kỉ 20 mà thôi.
Trên thực tế, cuộc sống ở đâu cũng có hai mặt. Một mặt, chúng ta đều  được nghe kể chuyện hoặc đọc những bài viết về sự áp bức bóc lột đến tàn nhẫn của cai kí và chủ đồn điền. Nhưng mặt trái của thời kì ấy thì nhiều người lại chưa biết hoặc không quan tâm đến. Chúng ta lên án chế độ thực dân nhưng chúng ta chưa thấy hết được những điểm yếu của chính người phu mộ.
Xin nêu mấy điểm chính được ghi nhận trong các đồn điền, đã làm cho người phu mộ tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đó là các tệ nạn rượu chè, trai gái, cờ bạc, trộm cắp ở khắp các đồn điền trên hầu hết các đảo gần xa ở Tân đảo.
Một số vụ say rượu, trai gái dẫn đến ẩu đả gây thương tích hoặc án mạng.
Tệ nạn cờ bạc phải vay nợ của chủ với lãi suất cao. Nhiều trương hợp sau 5 năm không trả được nợ phải xin ở lại đăng kí thêm 5 năm. Hoặc túng bấn đi trộm cắp dẫn đến tù tội vân vân… Ngoài ra nhiều vụ việc như lãn công, giả vờ ốm, làm việc không năng suất cũng làm cho người chủ xót xa vì phải bù lỗ. Thậm chí có cả việc một ông đốc công hoặc một ông cại nọ sắn sàng nhạn một ít tiền franc đút lót để làm lơ chuyện này chuyện khác. Đó cũng là những nguyên nhân khiến cho chủ bức xúc phải sử dụng đến hình phạt, nhiều khi quá mức cho phép.
Không ai có quyền lên án những hậu quả tai hại mà các tệ nạn xã hội đó đã làm hệ lụy đến cuộc sống của cha ông chúng ta. Đặc biệt là chúng ta không khỏi bùi ngùi rơi lệ khi có dịp đi qua hoặc viếng thăm các khu nghĩa trang ở Vila, Santo, Malicolo, Epi v.v... Nếu tổng kết lại, trong công cuộc khai phá làm giầu cho Tân đảo thì cũng có hàng ngàn người xấu số đã phải gửi gắm nắm xương tàn nơi đất khách. So với tổng số phu mộ trên dưới 23 ngàn người có mặt ở Tân đảo thời bấy giờ thì tỷ lệ mất mát là quá lớn. Tính ra cứ 100 người thì có gần 5 người tử vong.

Người dịch sẽ cố gắng dùng từ ngữ  thật sát với từng thời điểm để giúp người đọc dễ hiểu hơn. Rất có thể có những sai sót nhầm lẫn nhất định trong khi dịch thuật. Vậy xin quý vị độc giả lượng thứ. Xin trân trọng cảm ơn.

Trích dịch nguyên bản Luận án tiến sĩ về khoa học lịch sử :

« La Colonisation des Nouvelles Hébrides et les Indochinois »
(Cuộc xâm chiếm Tân đảo làm thuộc địa và những người dân đến từ xứ Đông dương).
Tác giả: Frederique TAILHADE
Dưới sự chỉ đạo của : Ông CARBONELL – 1987


PHẦN NĂM




Cờ nước Mỹ tung bay trên bầu trời Tân đảo 1942-1946.

 Đồng Đô-la đã mang lại sức sống cho Tân đảo 1942-1946



A.  Thế chiến thứ hai bùng nổ. Đấng Cứu thế không đến từ trên Trời, mà đến từ Thiên đàng Bắc Mỹ
(La Manne américaine).



 (Sau khi nước Pháp tuyên bố thất trận với Đức tháng 6 năm 1940). Sự khởi đầu của thế chiến thứ hai cũng không làm xáo trộn lớn đến toàn bộ lãnh thổ Tân đảo. Các điền chủ và con cái của họ không bị động viên bắt lính. Điền chủ MY đã viết như sau :

« Đối với chúng tôi, sinh sống cách xa người Đức trên 20.000 km, rõ ràng chúng tôi là công dân Pháp tự do. Ở Tân đảo chúng tôi chống đối lại người Anh. Nhưng nếu ở Pháp thì dĩ nhiên chúng tôi lại là đồng minh sát cánh với người Anh để chông lại quân xâm lược Đức, coi đó là chuyện đã rồi.


Các vị điền chủ đang phải cưỡi ngựa bỗng chốc có xe máy của  quân đội Mỹ để di chuyển.


Việc không có tin tức hai chiều khiến chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội gia nhập đội quân kháng chiến chống Đức do Đại tướng Đờ Gôn kêu gọi. Nhưng sau đó chúng tôi đã được nghe tin Ngài Chánh sứ Sô-tô (Sautot) ở Port Vila cùng với các điền chủ trên đảo Va-tê (Vaté) gửi công điện tuyên thệ trung thành và tình nguyện gia nhập phong trào nước Pháp Tự do (La France Libre) của Tướng Đờ-Gôn, thì chúng tôi ở đảo San-tô đã được giải thoát khỏi sự bức xúc.


Tướng Đờ Gôn (De Gaulle) năm 1940 đã đọc lời hiệu triệu kêu gọi toàn dân Pháp tham gia kháng chiên chông phát xít Đức. Toàn bộ kiều dân Pháp đã tình nguyện tham gia phong trào .


Từ năm 1940 ở Tân đảo tiêu tiền có con dấu có chữ thập tượng trưng cho nước Pháp Tự do (France libre) để phân biệt với tiền không dấu của NC.

Dù sao thì cuộc kháng chiến của nước Anh cũng là một tấm gương sáng ngời. Mặc dù bị Đức tấn công đêm ngày, nhưng họ vẫn trụ vững. Giữa lúc đó, đội quân Mặt trời mọc đã sai phạm nghiêm trọng khi tấn công bất ngờ vào Trân chấu Cảng của Hải quân Hoa kì. Thật sai lầm khi chúng ta nghĩ rằng cuộc chiến tranh đã chấm dứt từ đây ».



Quân đội Nhật bổn đổ bộ vào cảng Hai phòng tháng 6/1940.

Giữa năm 1940 đến năm 1942, Tân đảo đã bị cô lập hoàn toàn. Đa số các tầu vận tải đã bị quân đội Anh trưng dụng để vân chuyển lính và thiết bị quân sự. Việc xuất khẩu hàng hóa bị ngừng trệ ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế thương mại khu vực. Đặc biệt việc thiếu gạo trầm trọng đã ảnh hưởng xấu đến đời sống của người tông-ki-noa.


Đấng Cứu thế đến từ Hoa kì.

Nhưng một điều kì diệu đã xẩy ra. Đấng Cứu thế đến từ nước Mỹ đã hà hơi tiếp sức, mang lại sự sống cho Tân đảo. Năm 1942, Tân đảo đã trở thành căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ tại Thái bình dương.




Hai căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Port Olry Santo và Port Havannah ở Efate Tân đảo.

Từ năm 1942 đến năm 1945, 2 căn cứ quân sự khổng lồ của Mỹ đã được xây dựng ở đảo San-tô và Port Vila. Các điền chủ còn nhớ mãi đã được diễm phúc trải qua thời kì vàng son trong chớp nhoáng. Đó là sự hào phóng của các chiến binh lính thủy đánh bộ trẻ tuổi Hoa kì trước khi lên đường  ra hỏa tuyến. Họ chi tiêu thả phanh không nuối tiếc những đồng tiền đô-la mầu xanh trong quán ba và trên đường phố. Họ muốn quên đi nỗi ám ảnh khi phải chạm trán với kẻ thù là đội quân Nhật bổn ở Solomon. Địa ngục ở đó đang chờ đợi họ.



Thời Mỹ đóng quân ở Tân đảo, người phu mộ VN rất nhậy bén với thời cuộc. Tận dụng nước suối để giặt giũ.
Nghề bỏ ít vốn nhất mà hái ra tiền là giặt ủi đồ cho lính Mỹ.

Thời cơ có một không hai tạo cho các điền chủ phát huy hết khả năng cũng như mánh khóe buôn gian bán lận của họ. Họ đua nhau xây dựng các quán ba, hộp đêm, cửa hàng ăn uống và nhiều thứ ma mãnh khác. Chủ yếu vẫn là việc buôn bán lậu các loại rượu mạnh. Một vốn mười lời. Không phải chí có các ông bà điền chủ mà cả các ông bà cu-li tông-ki-noa hết hạn hợp đồng cũng tranh thủ lao vào cuộc chiến dành giật thương địa phục vụ những chiến binh trong túi đầy ắp đô-la xanh và cả đồng đô- la tiền vàng. Kiếm tiền dễ dàng không phải bỏ vốn lớn vẫn là những người làm công việc giặt là quần áo cho lính Mỹ. Có người cu-li đã dám nấu rượu lậu bằng cách chế tạo cả bộ nồi chưng cất cồn từ bột mì và ngô của Mỹ với hạt men làm bánh mì. Chất cồn chưng cất được lại bán cho lính Mỹ. Nhất cử lưỡng tiện. Rượu lậu cũng ngon mà lại rẻ hơn Whisky nhiều. Thật là sáng tạo.



Các vị phụ nữ phu mộ cũng hăng hái sản xuất đủ mọi thứ để bán cho lính Mỹ. Đắt hàng nhất vẫn là các chuỗi ốc biên và quầy sợi bu-rao.

Trong thời gian rất ngắn từ 1942 đến 1945. Trước khi rút quân đi nơi khác, Quân đội Mỹ đã làm được rất nhiều việc lớn tại quần đảo này. Họ đã xây dựng toàn bộ các đường sá, các sân bay lớn nhỏ. Sân bay Pakoa ở San-tô và Bauerfield ở Vila, Whitecrass ở Tanna, Norsup ở Malicolo vân vân cho đến nay vẫn sử dụng. Các đồn điền trước kia bị cách li vì không có đướng sá thì nay giao thông đã được nối liền. Đàn bò cũng đã tăng số lượng lên gấp nhiều lần nhằm cung ứng cho quân đội Mỹ.




Các loại thiết bị máy móc hiện đại từ trên Trời rơi xuống

Công cuộc hiện đại hóa Tân đảo trong chớp nhoáng đã làm cho chính  nươc Pháp cũng phải kinh ngạc và thán phục. Thầm cảm ơn quân đội Mỹ. Vì không phải chi một khoản tiền nào mà tự nhiên các đồn điền và cả bộ máy chính quyền đia phương đã được trang bị nào là xe ủi đất (Bulldozer), xe Jeep, xe tải lớn 2 cầu và 3 cầu, các loại sà lan vận tải. Mặc dù chỉ huy quân đội ngăn cấm, nhưng các đơn vị lính Mỹ vẫn sẵn sàng trao đổi một chiếc xe tải GMC lấy vài két Whisky cũng xong. Thời kì hoáng kim độc nhất vô nhị chỉ có ở xứ Tân đảo.




Hiệu quả và hậu quả của lính Mỹ cho đến tận bây giờ vẫn còn in đậm dấu ấn. Ngoài các công trình xây dựng kinh tế kể trên thì kết quả yêu đương chớp nhoáng giữa những người lính trẻ da đen, da trắng với phụ nữ địa phương cũng còn tôn đọng khá nhiều trong dân cư suốt từ Bắc xuống Nam. Trong đó có cả da trắng, vợ con các điền chủ. Người da mầu địa phương và da vàng.



Tài tử bổi tiếng  Bop Hope đã từng đến Tân đảo biểu diễn động viên quân đội Mỹ.

Sau khi quân đội Mỹ rút đi nơi khác thì nền kinh tế phì nhiêu ở Tân đảo tiếp tục phát triển, vì chiến tranh ở Triều tiên bùng nổ. Giá dầu dừa tăng vọt làm cho tình hình chung trở nên vô cùng thuận lợi.

Công cuộc hồi hương của người tông-ki-noa bị gián đoạn.

Năm 1940, nguyên nhân của công cuộc hồi hương sau khi hết hạn hợp đồng bị gián đoạn với nhiều lý do khác nhau. Một là thiếu tầu vận chuyển. Hai là chiến tranh ở Đông dương bắt đầu bùng nổ. Quân đội Nhật hoàng giải giáp quân Pháp, chiếm cứ Bắc bộ. Việc tuyển mộ cũng như hồi hương người lao động Bắc kì bị đình hoãn vô thời hạn. Những người cu-li tông-ki-noa đã hết hạn hợp đồng vẫn phải làm việc dưới quyền hạn của điền chủ. Họ đang sống trong nước xôi lửa bỏng.


Lính thủy đánh bộ Mỹ đổ bộ vào San-tô Tân đảo năm 1942.

Các chủ đồn điền lại thờ ơ hoặc cố tình làm ngơ vì cuộc hồi hương bị đình hoãn chỉ có lợi cho các điền chủ mà thôi. Họ còn lạc quan viết trên tờ báo Néo Hébridais đăng tải hồi tháng 9 năm 1941 về tối hậu thư mà quân đội Nhật bổn đề nghị nước Pháp nhượng quyền cai trị xứ Đông dương cho họ.

Bài viết trên báo như sau :
« Gửi tất cả người an-nam tại Tân đảo. Đất nước to đẹp của các người đang bị đe dọa, đang bị thế lực ngoại xâm giầy xéo, y hệt như nước đại Pháp đang bị Phát xít Đức xâm chiêm. Nhưng hãy vững tâm tin tưởng ở tương lai. Rằng: xứ Đông dương không thể chết, Vì nước Pháp tự do, Vương quốc Anh và tất cả các nước yêu chuộng tự do đang cùng chung sức đảy lùi chế độ nô lệ. Rằng đất nước An-nam cũng như nước Pháp sẽ cùng kháng chiến thành công và sớm thoát khỏi vũng lầy khủng khoẳng thế giới”.


Chân dung người phu mộ VN ở Tân đảo

Trước đó, vào đầu tháng 8 năm 1940, tờ báo “Pacific Island Monthly” của Úc cũng đã thẳng thắn lên tiếng vạch trần ý đồ của Pháp như sau:
“Trong thời gian gần đây, chính quyền Pháp ở Tân đảo đã ngỏ ý cho các điền chủ người Anh được quyền sử dụng nhân công người tông-ki-noa gốc đông dương. Thật là một sự mỉa mai (ironie) vì sau hơn 30 năm bị người Pháp gây khó dễ, thì đúng thời điểm này, nước Anh cũng đã ki kết được với chính phủ bảo hộ ở Đông dương quyền tuyển dụng lao động phu mộ Bắc-kì. Sự tốt bụng của chính quyền Pháp ví như bằng thừa sau khi bị thất trận thảm hại trước quân đội Đức. Hơn nữa Chính quyền Pháp cũng không còn giữ vai trò độc quyền tuyển dụng nhân lực ở Đông dương dưới ách thống trị của người Nhật bổn sau này.



Sự hiện diện của quân đội Hoa kì ở Tân đảo 1942-1946.

Chủ nghĩa yêu Tự do của người Việt Nam bắt đầu trỗi dậy ở Tân đảo.

Đối với người cu-li tông-ki-noa ở Tân đảo, làn sóng đấu tranh vì tự do của họ không phải là điều mới mẻ. Sự chống đối lại điền chủ đã được nhen nhúm từ những ngày họ mới đến Tân đảo. Vì họ bị áp bức khổ cực hơn cả khi hồi họ còn sinh sống ở trong nước dưới sự thống trị của thực dân.


6 người tử tù cu-li phu mộ tông-ki-noa bị dẫn độ từ Noumea về Port Vila ngày 27/7/1931 (Vụ án giết tên chủ Sơ-va-liê ở Malo Pass San-tô)

Chính vì vậy đã xẩy ra các vụ án đẫm máu tại các đồn điền. Một số điền chủ và ông cai đã bị thủ tiêu. Đó là chứng cớ xác thực của sự phản kháng rõ rệt của người cu-li tông-ki-noa ở Tân đảo.
Ngay từ đầu, để giữ gìn và bảo vệ nền an ninh trật tự, ngày 23 tháng 6 năm 1928, chính quyền địa phương đã ban hành sắc lệnh nghiêm cấm việc du nhập và lưu hành hai tờ báo bằng tiếng Việt: “Phục quốc” và “Việt Nam Hồn”.


Hình ảnh người cu-li phu mộ trong đồn điền ở Tân đảo

Mặc dù rất khó khăn trong việc kết nối thông tin liên lạc với đất nước Việt Nam xa cách hàng vạn cây số, nhưng người cu-li tông-ki-noa ở Tân đảo vẫn theo dõi bám sát tình hình diễn biến ở trong nước. Bởi vậy, ngay trong năm 1946, họ đã tổ chức biểu tình đòi tầu hồi hương. Họ nói: Đất nước Việt Nam đang cần đến họ. Về sau người ta mới khám phá ra rằng: chính quân đội Mỹ là thủ phạm đã cung cấp cho họ máy bộ đàm (Talkie-Walkie) và radio để liên lạc và theo dõi tin tức.





Những người cu-li nổi loạn.

Những người Việt Nam hiên đang sinh sống tại đây kể lại rằng: không có chuyện người phu mộ làm loạn ở Tân đảo. Đó là những sự thổi phồng quá trớn của nhứng nhà báo và những người viết sách mà thôi. Theo tình tiết mà điền chủ MY ở Santo kể lại trong bức thư gửi cho bà vợ đang điều dưỡng ở nước ngoài, thì có một sự kiện đáng kể sau đây:

 L’image contient peut-être : herbe et plein airL’image contient peut-être : herbe, plante, arbre, plein air et nature
 Hai người bị bắn chết là ông Mai viết Túc và Nguyễn văn Tráng.
Ảnh do ông Nguyễn đình Ninh  và bà Nguyễn Hoàng Lan tìm thấy và chụp ảnh tại nghĩa địa Sở Ra-ra Santo  (30/1/2019)

“Ngày 8 tháng 5 năm 1945, đã xẩy ra vụ va chạm lớn giữa  điền chủ Ô-be Ra-tà (Aubert Ratard) và công nhân tông-ki-noa. Nguyên nhân do sự bất bình với chủ về  phân chia công việc làm, điền chủ Ra-tà đã bắt một nhóm cu-li phụ nữ gửi lên gặp vị đại diện chính quyền Pháp (délégué francais) ở San-tô để phân giải trắng đen. Lập tức 81 cu-li đàn ông đã đi theo nhóm phụ nữ này và mang theo gậy gộc, búa bổ dừa (tamiocs) và dao rựa để phản đối hành động của chủ.


Điền chủ Ô-be Ra-tà (Aubert Ratard) San-tô Tân đảo

Tại văn phòng đại diện chính quyền Pháp (delegation francaise), ông Bẹc-tô (Berthault) không giải quyết được gì cả. Tất cả lính bảo an đều được trang bị sung “Lebels” nhưng không có đạn và lưỡi lê cũng không. Điền chủ Ra-tà cũng vắng mặt nên không giải quyết được gì. Đám cu-li đành quay trở lại đồn điền. 81 người này đã ra đòn trừng phạt 21 cu-li khác không chịu tham gia cuộc biểu tình lên tòa sứ.


Chuẩn bị nấu cơm trong một đồn điên ở Tân đảo


Hôm sau, ông Bẹc-tô cùng với 5 tên lính bảo an tới đồn điền Ra-tà để giải quyết tiếp vụ việc theo yêu cầu của điên chủ. Tất cả đã tập trung nơi xẩy ra vụ đánh lộn của cu-li hôm trước, cùng với tên đốc công Lơ-gàn (Legal). Ông Bẹc-tô đã dàn xếp xong vụ việc tưởng như mọi sự đã ổn định. Đột nhiên, hình như chưa được thỏa đáng, một cu-li đàn bà đã lớn tiếng hô hoán nhằm kích động cánh đàn ông hành động.

Ông Bẹc-tô xấn vào đám đông và kéo người đàn bà này ra ngoài. Đột nhiên, đám đông mất trật tự. Một nhóm đàn ông xông vào chỗ ông Bẹc-tô và đám lính. Giây phút đầu, đám lính dùng súng ngăn cản đám người hung hãn. Thấy yếu thế, ông Bẹc-tô liền rút khẩu sung lục và bắn. Hậu quả là 4 người gục ngã. Hai tử vong và hai bị thương. Cuộc nổ súng đã chặn được cuộc tấn công của cu-li. Buộc những người này phải lui về cố thủ trong nhà của điền chủ Ra-tà.


Cảnh sát quân đội Mỹ Tại Tân đảo


Cách đó 200 mét, một sĩ quan quân đội Mỹ nghe thấy tiếng súng nổ, đã tập trung quân sĩ đến bảo vệ số người nhà cùng với điền chủ Ra-tà đưa  lên văn phòng Tòa sứ.
Vì cảnh sát quân đội Mỹ không làm nhiệm vụ bảo vệ tính mạng và tài sán của dân cư địa phương. Do đó gia đình điền chủ buộc phải di tản.
Ngay ngày hôm sau, người ta nghe đồn rẳng: Tất cả mọi người cu-li tông-ki-noa đã tuyên thệ một mất một còn với các ông Bẹc-tô và Ra-tà. Rằng hai ông này sẽ phải lãnh án tử hình. Họ đã cử người đi vận động tại các đồn điền. Nhưng lời tuyên thệ của họ không thực hiện được. Tuy vậy, có một điều rõ ràng là họ đã áp dụng một kế hoạch khác làm cho các điền chủ bị điêu đứng một thời gian. Cu-li đồng loạt lãn công, làm giảm sút mức thu hoạch dừa khô và các nông sản khác.



Hình ảnh người phụ nữ VN ở Tân đảo do lính Mỹ chụp năm 1944.

Tháng 6 năm 1945
Một thời kì yên tĩnh bao trùm các đảo San-tô. Đặc biệt là đồn điền Ra-tà đã nằm dưới sự kiểm soát của những tên phiến loạn tông-ki-noa. Gia đình điền chủ Ra-tà tuyên bố với chính quyền rằng: Họ chỉ trở lại đồn điền khi nào không còn sót lại một tên tông-ki-noa nào nữa.
Các đồn điền ở San-tô bắt đầu vắng bóng cu-li. Chính quyền địa phương đã buông lỏng quản lí. Người tông-ki-noa đã tự ý thay đổi chủ và đa số đi làm công việc riêng tư. Họ xây dựng nhà tạm, mở một cửa hàng bán tạp hóa, hàng ăn v.v…





Hình ảnh về người cu-li phu mộ và con cái của họ trong một đồn điên ở Santo Tân đảo (Ảnh do lính Mỹ chụp)

Tại đồn điền MY, điền chủ không còn làm chủ thực sự. Người cu-li tông-ki-noa không còn sự tôn trọng với chủ như trước. Năng suất tụt hẳn tới mức báo động. Họ lãn công và chỉ làm nửa ngày.
Người lao động bản xứ thấy thế cũng tỉnh ngộ. Họ không ngại ngùng nói thẳng ra rằng: Chính quyền chỉ là trò hề (Capman i kranki). Họ đã bắt chước cung cách làm việc của người tông-ki-noa và trong chừng mực nào đó họ cũng đã nâng năng suất lên 50% so với trước. Tất nhiên là họ cũng được hưởng mức lương cao hơn. Dù sao thì điền chủ cũng đã mất đi một lực lượng lao động da vàng cần mẫn và năng động.




Tượng Đức Bà và Nhà thờ Xanh Mi-sen ở San-tô năm 1945.

Tháng 11 năm 1945.
Không khi đổi mới của người lao động tông-ki-noa  đã sôi sục và lan tỏa trong khắp các đồn điền. Tin tức về Luật cư trú tự do sẽ được ban hành vào ngày 15 tháng 11. Để tránh đổ thêm dầu vào ngọn lửa đấu tranh đang bùng cháy, điền chủ MY quyết định tranh thủ dựa vào điều Luật này để sa thải hai phần ba tổng số người lao động tông-ki-noa. Điền chủ My cảm thấy cuộc cách mạng của dân cu-li cũng chẳng kéo dài được bao lâu. Vì một số cu-li đã tự động quay trở lại làm việc bình thường như không có gì xẩy ra cả. Cứ nghe câu hát của họ thì đủ biết: “Hết Tết rồi. Hết Tết rồi...”


Quân đội Mỹ chuẩn bị vứt toàn bộ trang thiết bị quân sự xuống biển tại lạch Canal. Nơi đây có tên là Million Dollars Point.

"Million Dollars Point". Điểm du lịch lớn nhất của Vanuatu hiện nay. Ở dưới đáy biển vẫn còn đầy đủ thiết bị quân sự của quân đội Mỹ thế chiến thứ Hai tại Tân đảo.

Tháng 12 năm 1945
Tin tức cho biết: Một số cu-li làm việc cho điền chủ Ác-bi-lô (Harbulot) ở mãi tận Poóc-Ôn-ri phía đông bắc đảo San-tô đã rời đồn điền đi về phía nam theo đường Ca-nan (Canal). Trên đường, họ đã bị tên bản xứ gốc Ao-ba cũng làm việc trong đồn điền Ôn-ri chặn đướng  giết chết mấy người cu-li để cướp tiền của họ.
Chính quyền đã cử ông chánh án điều tra vụ việc này. Dân cu-li tông-ki-noa cũng tổ chức phản kháng và lên án vụ thảm sát này là do âm mưu của điền chủ. Tổng đình công trên khắp các đồn điền.

Một cuộc biểu tình lớn với hàng ngàn cu-li đã tràn ngập văn phòng đại diện chính quyền tại tòa sứ Pháp. Một cuộc đâu khẩu giữa chính quyền và dân cu-li đã nổ ra. Nhiều lời đe dọa tối hậu và nguyền rủa của cu-li (Ultimatum et imprécations). Kết quả không ai hiểu ai. Vì chính người thông dịch viên cũng phải chịu bó tay bất lực. Đạn dược đã được phân phát cho 30 tên lính bảo an Tây và Ăng-lê. Đoàn biểu tình cũng đã rút lui có trật tự nhưng với lời cảnh báo : để tránh mọi nguy biến có thể xẩy ra, đề nghị chính quyền phải xử lý công bằng tên sát nhân này trong vòng 8 ngày.


Phụ nữ phu mộ VN rất tháo vát và khéo tay làm các đồ "mỹ nghệ" phục vụ lính Mỹ ở Tân đảo.

Số cu-li trở lại đồn điền làm việc bình thường. Một số tỏ ra mẫn cán hơn. Có lẽ họ cũng đoán biết là chủ sẽ sa thải một số người làm. Điền chủ MY quyết định thanh lọc và chỉ giữ lại những người tin tưởng nhất trong số họ.
Đối với Luật cư trú tự do, đã phát sinh một số vấn đề bất lợi cho điền chủ. Hàng loạt hợp đồng theo quy định mới được soạn thảo và ki kết. Nào là xét lại lương bổng, cấp phát thực phẩm, giờ giấc làm việc v.v… Điền chủ MY đồng ý cho tất cả những cu-li nào không muốn làm việc theo tinh thần hợp đồng cũ dược nghỉ việc theo ý muốn. Tất cả mọi người đã thu xếp hành trang chuẩn bị lên đường. Ông MY đã hỏi ý kiến một số người. Trong đó có 16 nam và 4 nữ đã đông ý ở lại tiếp tục làm việc với một số điều kiện mới thỏa đáng hơn. Có trên 30 người khác cùng với đồ đạc của họ đã được 3 xe tải GMC chở ra Cảng Canal.



Qua một trạm gác, lính Mỹ đã tìm thấy hai khẩu súng lục và nhiều đạn dược. Sau này mới được biết là súng này nhằm dùng để giết tên chủ Ác-bi-lô ở Ôn-ri. (Theo người Việt kể lại thì tên chủ đó sau này cũng bị giết. Không phải bằng súng mà băng búa bổ dừa và chôn ngay dưới đất, chỗ mà chủ đã ngầm sai tên đen Ao-ba giết 4 người Việt trước đây. Sau này mấy con chó săn của chủ đánh hơi, đã moi đất tìm thấy xác của chủ. Nhưng hung thủ thì không tìm thấy. Chính quyền cũng tuyên bố là điền chủ bị chết do tai nạn).
Cũng trong thời gian này, tên đen Ao-ba cũng bị chính quyền Pháp kết án tử hình tại nhà lao ở Port Vila.

Ngày hôm sau, một sự kiên lớn bất ngờ đã xẩy ra tại đảo Santo : Ông Lô (Lods) quan đại diện của tòa sứ Pháp đã ra lệnh bắt những người cầm đầu cuộc nổi dậy của cu-li tông-ki-noa. Thật trớ trêu ! toàn bộ những người bị bắt đều là người có học thức và cũng đều là những người tay chân đắc lực của chủ.



Lình bảo an Ăng-lê

Tại đồn điền MY, những người lao động tông-ki-noa đa biết rõ sự việc trước cả ông chủ. Hôm ấy điền chủ MY hết sức ngạc nhiên vì khi đến giờ ăn trưa, mọi người nhịn ăn. Họ ăn mặc chỉnh tề và tuyên bố nghỉ việc đi giải thoát cho những đồng hương của họ đang bị nhà cầm quyền giam giữ tại Canal.
Cùng thời điểm đó, người ta thấy ùn ùn hàng biển người từ khắp các đồn điền gần đó tập trung kéo bộ đi về phía đường Canal. Một cảnh tượng vô cùng kinh hoàng gây lo ngại cho các điên chủ.



Sáng sớm hôm sau, một biển người đã tập trung trước văn phòng đại diện ở tòa sứ Pháp. Ông Lô (Lods) đại diện ủy quyền đã đi nhanh xuống dưới đường cái mép biển chỗ đoàn biểu tình. Đám lính bảo an cũng bám theo và hô hoán hung hăng như kẻ xung trận. Kết quả bất ngờ : không có nổ súng, nhưng đoàn biểu tình đã tẩu tán cũng mau lẹ như khi họ mới đến.

Những người bị bắt được đưa lên tầu Con Cóc (Concorde) và đưa về giam giữ trong tù ở Port Vila. Còn những người biểu tình thì im lặng quay trở lại nơi làm việc như không có gì xẩy ra. Một số giải thích với chủ rằng nếu ho không chịu đi biểu tình thì tính mạng của họ sẽ bị đe dọa. Hoặc bị thủ tiêu hoặc sẽ bị quăng xác xuống biển ngày họ được hôi hương. Và đó không phải là lời cảnh cáo suông. Họ đã nói là làm.


Nhà tù ở Port Vila Tân đả. Bên dưới dốc là sân vận động.

Nhưng rồi những người cầm đầu trong vụ biểu tình cũng chả ân hận gì. Vì chỉ sau 8 ngày ngồi tù ở Port Vila, họ đã được thả tự do với điều kiện : cấm không được quay trở lại đảo San-tô.
Một không khí yên tĩnh trở lại trong các đồn điền. Mọi công việc trở lại bình thường như cũ. Có một điều kì lạ là cu-li trong các đồn điền đêu được trang bị súng ống đạn dược mua lại của Mỹ. Trong lúc cảnh sát của chính quyền có súng lại không có đạn. Cũng như các điền chủ, ngoài một vải khẩu súng săn và cặc bò thì gần như tay trắng.




Kết quả thì chính quyền đã phải trao lại quyền tự do cư trú cho người tông-ki-noa vì họ đông gần gấp ba lần người Âu tại Tân đảo.



Xin mời quý vị theo dõi tiếp phần 6 trong kì tới.


Người dịch xin trân trọng kính chào và cảm ơn quý vị đã dành thời gian quý hiếm để ghé thăm Blog Tân đảo Xưa và Nay. Và  đặc biệt đã quan tâm đến lịch sử về cuộc sống tha phương của người phu mộ Việt Nam tại Tân đảo.

Xin chúc mọi người vui khỏe và may mắn.