Powered By Blogger

Monday, April 1, 2013

Chuyến "hành hương" trở về ... cội nguồn!


CHUYẾN HÀNH HƯƠNG
Trở về cội nguồn
Tiếp nối câu hỏi: Biết bao giờ mới được  trở lại nơi đây ... và lời giải đáp.




Buổi gặp gỡ đầu tiên với cộng đồng người Việt nam ở Port Vila Vanuatu do Hội Ái hữu tổ chức



Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu

"Hữu duyên Thiên lý năng tương ngộ". 
Hay câu chuyện "Hành hương lịch sử" trở về cội nguồn.


Sau một nửa thế kỷ. Câu chuyện về một tập thể trên 80 người, nguyên là Việt kiều Tân đảo – Tân Thế giới sinh sống tại Việt nam. Nay trở về thăm lại nơi chôn rau cắt rốn của mình không phải là chuyện ngẫu nhiên. Nó mang đậm tình cảm sâu thẳm đối với quê hương thứ hai của mình sau đúng 50 năm xa cách cái nơi đã sinh ra mình, nuôi nấng mình khôn lớn. Nó mang nặng những kỉ niệm một thời thanh xuân đã qua. Nhưng nó cũng chứa đựng những hình ảnh và thành quả tuyệt đẹp của hiện tại, của ngày hôm nay.


 Tháng mười 2012. Sau 50 năm... 
Gặp nhau tay bắt mặt mừng tại sân bay Bauerfield Port Vila

Ngay từ những giây phút ban đầu gặp gỡ giữa bà con VK ra đón với đoàn VK ở VN qua tại sân bay, đã thể hiện tình cảm vô cùng thắm thiết trong bầu không khí ấm cúng chan chứa tình yêu thương. Gương mặt mỗi người có khác đi đôi chút  nhưng vẫn nhận ra nhau ngay từ sự linh cảm. Quên sao được những gương mặt quen thuộc của anh chị em ra đón tại sân bay như anh Tuyết Tầu nhì, anh Sót, anh Vũ, anh Thân, anh Khanh, anh Lợi, chị Lụa, chị Hồng v.v...  Rồi từ xa, thoáng nhìn ta cũng đã nhận ra ngay những anh chị em mới đến như anh chị Tài Sen ở Hải phòng, anh Minh Đản, anh chị Tuấn Nhàn ở Tuyên quang, anh chị Tành ở Nam định, anh chị Bích Câu ở Hải dương v.v... 

Sau 50 năm. Ta lại gặp ta... Các anh Minh, Tài Chất, Tành
Các chị Sen, chị Lụa, chị Tành v.v...




Mọi thứ đã lui vào dĩ vãng. Cảnh vật xa xưa chỉ còn mờ ảo dấu vết. Vạn vật đã đổi thay. Nhưng những kỉ niệm thì vẫn còn đấy. Cũng những con người ấy, con đường ấy, ngõ ngách ấy vẫn còn in đậm trong ký ức của mỗi con người chúng ta. Quên sao được cái dốc “gốc vối” dẫn ta lên đồi cao, nơi mà xưa kia đã ngự mái trường “école publique francaise” thân yêu. Nơi đã từng sản sinh, đào tạo một số nhân vật tên tuổi cho đất nước Vanuatu, cả cho đất nước Việt nam sau này. 


Sau hơn 50 năm. Anh Tài Chất vẫn nhận ra đây là khu phố Tầu (China Town)



Trong sự đổi thay lớn lao ấy, cũng còn có đôi điều hơi lạ. Vanuatu đã độc lập. Nhưng chỉ  có mỗi một nửa con đường chính từ Sân bay quốc tế Bauerfield ở Tagabê chạy xuyên qua thành phố Vila là được đặt tên Lini, một trong những người sáng lập và xây dựng nền Độc lập của Vanuatu: LINI Highway. Lại vừa mang tên KUMUL Highway. Còn lại tất cả các đường phố khác đều mang tên các danh nhân Pháp hoặc Anh y như trước khi độc lập. Như con đường dốc lên gốc vối vẫn mang tên Rue Mercet. Đường hồi xưa có trường học Việt nam Công đoàn vẫn mang tên Rue General de Gaulle. Đường dốc có trường Liên Vịêt vẫn mang tên Rue Pasteur. Đường có trại lính Bảo an hồi xưa vẫn mang tên Rue Pompidou. Dốc lên Nhà thờ chính vẫn Rue de Bretagne. Đường phố có nhà ông Long Tỵ vẫn là Rue de Paris. Và một số con đường mang tên các danh nhân Anh quốc như Avenue Captain Cook, Walls street, Edinbourg, Cornwell v.v... đều nằm phía Biển hồ La-gồng (Lagoon).




1950-1955. Ngôi Trường LIÊN VIỆT do Thầy giáo Trịnh Văn Thuật phụ trách.


Trái vối (Jambolan) chín mọng ăn tím lưỡi

Quên sao được trái vối thơm tho, vừa ngọt vừa chát, ăn vào tím bầm cả lưỡi. Quên sao được ngôi trường Công đoàn ở ngay cạnh dốc cây vối mà hiện nay cái nền móng xi-măng vẫn còn đó. Rồi trường Liên Việt ở sườn dốc ngay cạnh ga-ra Valette. Quên sao được dốc đề bô lên nhà thương nổi tiếng nhiều “ma” lắm “quỷ”. Quên sao được cái dốc Tagabê dựng đứng, cái dốc nhà bà Hạng ở Têbakor có cây roi đầy quả chín mọng ngọt lịm. Quên sao được đường đi Malapoa - Đề-bô Thiên lập - điểm hẹn của tình yêu thời trai trẻ. Rồi bao nhiêu kỉ niệm với nhà thương ăng-lê bên đảo Iririki, mà bao nhiêu đôi uyên ương đã nên vợ, nên chồng sau mỗi lần đi cắt bỏ cái a-mi-đan thân thương của mình.




 
Suối thác "La Cascade" dưới chân núi Butte à Klhem ở khu Du lịch Mê lê Maat

Rồi những con đường đi Mêlê, đi “La Cascade” với những thác nuớc trăng xoá trên núi cao chẩy xuống tạo thành những hang nước ngầm trong veo, mát lạnh. Rồi những đoạn dốc Vanh-xanh cao ngất nhìn thấy cả thành phố Vila xinh đẹp. Rồi dốc Creek-Ai rùng rợn vì lắm tai nạn, dốc Tam toà ở Si-vi-ri nổi tiếng. Quên sao được trại Việt nam số 1 ở ven suối dưới chân dốc Têuma hiểm trở. Rồi đường đi Ren-ta-bao quanh năm sóng vỗ. Đường đi qua mỏ mang-gan ở Fô-ra-ri, nơi đã có biết bao nhiêu thợ thuyền Việt nam hành nghề và học nghề tại đây. Đường vành đai chạy quanh đảo EFATE xưa kia gian truân đi mất cả nửa ngày. Nay chỉ cần 2 tiêng. Nhiều quãng đường thẳng, xe chạy tốc độ 100 km/giờ ngon lành.


Chụp ảnh lưu niệm tại Bia đài tưởng niệm Port Vila

Quên sao được Bia đài tưởng niệm những người đã hy sinh trong thế chiến thứ nhất tại Châu Âu và thứ hai tại Thái Bình dương. Quên sao được nghĩa trang người Việt, dành riêng cho người Việt ở Port Vila? Quên sao được nghĩa địa cũ ở Mê-lê, ở Thánh địa Montmartre.

Ở đảo Efate, quên sao được các Sở Phùa (Frouin), đồn điền Dốc-tờ (Jocteur), đồn điền Bê-lốc, Ô-lền, Đờ-găng (DesGranges). A-le (Allegre). Cặptên (Bladinieres), Mi-tít (Mitride), Bu-phà, Si-vi-ri, Têuma, Ren-ta-pao v.v... đã in đậm bao nhiêu nỗi đắng cay cực nhục của người dân cu-li phu mộ tông-ki-noa thời nô lệ.


Đoàn đên thăm ông bà Trần đình Duyệt 

Sau đó những cuộc đi thăm hỏi từng nhà, từng nơi. Như anh Oanh ở Ren-ta-bao, anh Cường ở trong vịnh Mê-lê, thăm anh chị Duyệt, anh chị Bình, anh chị Thân, ông bà Đại, ông bà Hồng v.v... đã để lại những kỉ  niệm xâu sắc.

Dù sao cũng không thể quên được những món ăn địa phương hương vị đặc sắc như lập-lập, tu-lúc, mồng tơi đen. Trái trám (nang-gai), trái gỗ (na-vê-lê), trái roi (na-ka-phi-ka), mít đen tức trái “bánh mì”, chuối nướng (poanh-gô). Đặc biệt là món cua dừa, chim gù, chim xanh, dơi dơi. Ở Santô có loại cua “đất”, cứ sau cơn mưa rào đầu mùa là chúng rủ nhau hàng đàn vài ngàn con vượt qua đường để “hy sinh” oanh liệt dưới bánh xe ôtô chạy trên đường cái. Mà hôm sau ai đi qua đây cũng phải bịt mũi vì dễ bị ngạt thở.








































Cũng trên đảo Santô có rất nhiều địa danh xẩy ra những sự kiện nổi tiéng như vụ án Harbulot, vụ án Ratard. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là vụ án Ma-lô Pass giữa đảo Ao-rê và Ma-lô. Câu chuyện về những người phu mộ Việt nam đã anh dũng hy sinh vì đấu tranh cho Tự do và Công lý trong bài viết đăng trên blog “Long vân Khánh hội” của tác giả Ni-Vanuatu đã trở thành “huyền thoại”.





Nhưng Santô cũng có nhiều danh lam thắng cảnh và địa danh lịch sử như Trại VN số 1 ở Camp Chapuis, Trại VN số 2 ở khu Sarakata, Trại VN số 3 ở khu Ba-lăng. Nơi mà xưa kia đã có hàng ngàn người Việt nam sinh sống, Rồi những điẻm du lịch nổi tiếng như khu Du lịch “Dollar Point” có con tầu quân sự khổng lồ của Mỹ bị đắm chìm vì đụng vào thuỷ lôi của chính mình. Quên sao được Cảng Canal, nơi mà con tầu Hoàng hậu Phương đông đã áp mạn để đón đưa bà con VK Santô hồi hương năm 1963-1964 đi về Phương Bắc. 





Một số bà con Việt kiều, nguyên là những vị hành khách trên các chuyến tầu Hoàng hậu Phương đông xa rời Tân Thế giới – Tân đảo từ những năm ấy, nay đã lần lượt trở lại thăm viếng hoặc định cư tại quê hương thứ hai của mình.

Hôm nay, một số anh chị em sinh trưởng ở Santô đã trở lại thăm nơi sinh sống của mình. Họ có cảm giác như đang sống lại nhứng giây phút của thời thanh xuân. Họ đang tìm lại được nhứng dấu vết đầy ắp kỉ niệm vui buồn của đời mình. Họ tìm lại được con đường chính rộng thênh thang ở Thành phố Luganville. Nơi đã từng diễn ra các cuộc đua mô-tô Hắc-lây Davidson phân khối lớn về ban đêm. Rồi các trường dậy tiếng Pháp như École Publique, école Saint Michel. Rồi nhà thương, Cảng Canal, Nhà máy đông lạnh của Nhật ở Pa-li-cô-lô, Su-ran-đa, Houchard, Ratard, Harbulot. Các đảo Ao-rê, Ma-lô với sự kiện ở Ma-lô Pass trở thành huyền thoại.




 

Và cuối cùng cái mục đích cao cả duy nhất đã đạt được là đi tìm thăm viếng, sửa sang các mộ phần của ông bà, cha mẹ, anh chị em đã yên nghỉ vĩnh viễn tại nghĩa trang bên cạnh nhà thương cũ. Một nghĩa cử vô cùng trân trọng, vô cùng cao cả và cực kỳ ý nghĩa của anh chị em sau 50 năm đã trở lại nơi đây để sửa sang phần mộ, thắp nén hương cầu nguyện cho vong linh của người thân đang yên nghỉ nơi đây là cõi vĩnh hằng của họ. Quên sao được nghĩa trang Saint-Michel bên cạnh nhà thương. Nơi đang yên nghỉ của rất nhiều người phu mộ VN. Nơi mà vừa qua anh chị em từ VN tới đã tìm lại được rất nhiều mộ phần và đã tập trung công sức phát quang cây cỏ dại và sửa sang, xây mới nhiều mộ phần...





Bởi vậy, từ trước đến nay, chưa bao giờ có một đoàn người đông vui như lần này. Văn được nghe anh Trịnh Văn Tài cho biết là ban đầu chỉ có 56 người đăng ký tham gia chuyến di. Nhưng kết quả đến phút chót, số người đăng ký đã lên tới trên 80 người. Một con số kỷ lục cho một chuyến đi tập thể hành hương về cội nguồn. Trong đó, đa số là bà con VK sinh trưởng ở Tân Thế giới.
    
 Cổng chào nhà Thò giáo xứ Mê lê xây dựng từ năm 1944.

 10/2012. Anh chị em nguyên Việt kiều Tân Thế giới Tân đảo
đã bay từ Việt nam sang Port Vila Vanuatu thắp hương viếng mộ tại nghĩa trang.

Ông Trịnh Văn Tài - trưởng đoàn chuyến đi cho biết: tổ chức được chuyến đi lịch sử này là một kỳ công hết sức to lớn.  Từ lúc bắt đầu nhận được lời mời chính thức của Hội Ái hữu Việt nam và Chính phủ Nouvelle Calédonie đến khi bà con lên được máy bay là cả một quá trình cực kỳ khó khăn phức tạp. Từ việc trích dịch và chuyển tải các thông tin, tư liệu đến các tổ chức đại diện Việt kiều ở các Tỉnh, Thành phố, đến việc hướng dẫn cách kê khai giấy tờ cụ thể, chi tiết ra sao. Thời gian thực hiện mất gần 6 tháng. Điều kiện đăng ký gay cấn nhất là: bắt buộc phải có người nhà hoặc bạn bè thân quen đang sinh sông tại Nouméa bảo trợ. Nhưng cái chính của sự thành công này là do sự nhiệt tình và quyết tâm của bà con anh chị em thành viên trong đoàn. Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các cơ quan chính quyền Nhà nước Việt nam, cơ quan đại diện chính phủ Pháp tại Hà nội, chính quyền địa phương và Hội Ái hứu Việt nam tại New Calédonia và toàn thể bà con Việt kiều sinh sống tại đây và đặc biệt là sự trợ giúp to lớn của anh chị André DANG Văn Nha. Việc trở lại Port Vila và Santô, quê hương thứ hai được dễ dàng  là do sự giúp đỡ to lớn của ông Đinh Văn Thân - Chủ tịch Hội  Ái hữu Việt nam tại Vanuatu.



   




Những cuộc gặp gỡ với bà con thân quen ở Port Vila sau 50 năm xa cách diến ra trong bầu không khí hết sức vui vẻ, hồ hởi, xúc động. Chan chứa tình cảm yêu thương sau thời gian dài xa cách. Một tình cảm hết sức đặc biệt y như anh chị em ruột thịt xa vắng lâu ngày nay gặp lại nhau. Văn đã quan sát và thấy nhiều bà con khi gặp lại nhau chỉ ôm nhau mà nghện ngào chẳng nói nên lời. Một số người đã thổn thức vì sung sướng. Không nhiều lời. Nhưng những cái bắt tay, ôm chặt lấy nhau, nước mắt lưng tròng đã nói lên tất cả...





Do điều kiện hoàn cảnh. Đoàn đã phải chia năm sẻ bẩy về các gia đình, về các khách sạn nhà nghỉ. Qua chặng đường dài, cộng với chênh lệch múi giờ (4 tiếng sớm hơn ở Việt nam) nên  anh chị em trong Đoàn đều thấm mệt. Nhưng việc tiếp đón niềm nở, phục vụ ân cần cũng đã làm nguôi đi những khó khăn ban đầu. Nhiều anh chị em sinh trưởng tại đây đều thích nghi nhanh chóng với khí hậu, thời tiết cũng như chênh lệch về múi giờ.





Mặc dù không tập trung nhưng mỗi nhóm, mỗi gia đình cũng đều cố gắng đưa anh chị em đi tham quan nhứng địa danh lịch sử, những thắng cảnh, những nơi mà ít nhiều còn lưu lại đầy ắp những vết tích, những kỉ niệm vui buồn của một thời xa xưa...







Đặc biệt kỳ lạ, là anh Trịnh Văn Tài đã nhớ và nhận ra các con đường, các ngõ hẻm và đọc tên vanh vách những địa điểm đi qua. Thời gian trôi nhanh quá. Còn nhiều nơi chưa đến được. Thoắt cái đã đến ngày phải chia tay để quay lại Nouméa. Nhưng lần này không bịn rịn như buổi gặp mặt ban đầu. Tại sao như thế? Chắc hẳn là anh chị em chúng ta đều chung một ý nghĩ: đây chỉ là cuộc chia tay “tạm thời” với hy vọng một ngày nào đó lại gặp nhau ở chính nơi đây. Vì điều kiện bây giờ khác xưa nhiều rồi. Việc đi lại cũng chẳng còn có gì khó khăn, phức tạp nữa.




Cựu Thủ tương Maxime Carlot KORMAN và ông Trinh Tài

Ông trưởng đoàn Trịnh văn Tài đã có cuộc gặp gỡ với Ngài Maxime Carlot Korman - Cựu Thủ tướng nước Cộng hoà Vanuatu tại nhà ông Văn. Hai ông đã đề cập đến nhiều vấn đề liên quan đến Việt kiều đang sinh sống ở Việt nam. Ngài Maxime có ý định sau này sẽ thành lập Hội hữu hảo Vanuatu  - Việt nam. Đồng thời sẽ đề nghị chính phủ Vanuatu xem xét  đơn giản hoá việc cấp thị thực nhập cảnh cho người VN tới thăm Vanuatu.





Người nước ngoài lấy làm lạ. Nhưng nhân dân địa phương ở đây họ hết sức cảm phục tinh thần và tình cảm của anh chị em VK đã dành cho đất nước Vanuatu, quê hương thứ hai của mình. Họ càng ngưỡng mộ và khâm phục ý chí sắt đá cũng như điều kiện kinh tế của từng anh chị em có mặt tại nơi đây, nơi chôn rau cắt rốn của mình. Họ đặc biệt quan tâm đến sức khoẻ của anh chị em. Họ nói: mặc dù mọi người đã trên dưới 70, nhưng xem ra vẫn phong độ, đi đứng khoan thai nhanh nhẹn, nói năng hoạt bát. Họ "kinh ngạc" khi nghe anh chi em nói tiêng Anh, tiếng Pháp như "gió". Đặc biệt hơn nữa là một số anh chị em nói tiếng đen "Bislama" như người bản địa. Họ hỏi Văn: có lẽ ở Việt nam cũng nói tiếng "bislama" hay sao mà mấy người anh em này nói giỏi thế.

Tất cả các bạn và anh chị em đã thực hiện chuyến hành hương về cội nguồn thành công vô cùng tốt đẹp và mỹ mãn đúng như sự mong muốn của mình. Xin chúc mọi người dồi dào sức khoẻ để tiếp tục gặt hái được nhiều kết quả hơn nữa trong những ngày sắp tới tại Thành phố Nouméa xinh đẹp và mến khách.





Một điều đặc biệt mà anh chị em trong đoàn rất phấn khởi nhắc tới là suốt thời gian ở Nouméa rồi sang Vanuatu lúc nào cũng gặp may mắn, đi đứng thuận lợi, thời tiết mát mẻ, trời đẹp và khô ráo. Đi đến đâu cũng được bà con Việt kiều và nhân dân địa phương đón tiếp niềm nở như nhúng người thân lâu ngầy mới được gặp lại. Tình cảm của bà con ở đây thật là nông hậu và chu đáo làm cho chuyến đi được thuận lợi. Đồng thời cũng làm cho anh chị em cảm thấy phấn chấn. Làm giảm bớt cái mệt nhọc của chuyến đi đường dài vừa qua.



Có người đã nói thế này: thời Tam quốc một quân sư nào đó nói là vị "chúa" nào đạt được một trong ba điều "Thiên thời - Địa lợi - Nhân hoà" thì sẽ đạt được mọi điều mong ước. Mà ở đây chúng ta thấy là anh chị em trong đoàn đều đã đạt được cả ba điều đó. Thật là hạnh phúc vô cùng!





Một điều đặc biệt nữa mà số anh chị em người Santô đã hoàn toàn toại nguyện vì đã hoàn thành và thực hiện tốt đẹp nghĩa vụ cao cả của mục đích chính của chuyến đi đối với những người thân đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Saint Michel gần nhà thương cũ. Trong đó có cha, mẹ, chú bác, anh em hoặc người cùng Tỉnh, cùng Tổng, cùng Làng xóm đang tĩnh tại ở nơi đây. Cái mảnh đất mà các vị phu mộ thế hệ thứ nhất đã  từng trải qua bao nỗi gian truân cực nhục dưới roi vọt của nhưng tên chủ thực dân tàn bạo  trên đảo Santô này. Mà các tên và địa danh còn ghi đậm dấu ấn. Nào là Ratard, Harbulot, Hagel, đờ Bê-xạt (de Béchade), Ao-rê, Ma-lô Pass, Ma-tê-vu-lu, Su-ran-đa, Chapuis, Sarakata v.v...





    









Dưới trời nắng gắt hay mưa rào nặng hạt, mọi người đều hăng hái đi tìm dấu vết của các ngôi mộ. Có ngôi còn nguyên dạng, nhiều ngôi đã bị lún, bị nứt, bị vỡ nát.  Không còn đọc được tên ghi trên các bia mộ. Các ông Tài Chất, Bích Câu,  Minh Đản, Tuấn Nhàn, cháu Tuyên và nhiều anh chị em khác đã tìm lại được các ngôi mộ của người thân và đã tập trung công sức để sửa sang, xây mới các phần mộ. Ông Minh, Tuấn và cháu Tuyên đã sửa sang và xây lại Đài kỷ niệm do Việt kiều Santô xây từ năm 1961 trước khi hồi hương. Anh chị em đèu nói: nhìn thấy cảnh hoang tàn của nghĩa trang thấy thương tâm quá, xót xa quá. Không biết rồi sau này sẽ ra sao nếu bây giờ không có sự can thiệp của các cộng đồng người Việt nam cũng như chính quyền địa phương ở đây ??? Vì điều kiện thời gian eo hẹp quá nên anh chị em cũng chỉ cố gắng làm hết sức mình cho trọn nghĩa, vẹn tình với người đã khuất... Lại nhớ đên câu đối của cụ Đồ Phấn ở nghĩa trang người Việt Port Vila do ông Lưu đình Tuân và ông Phạm quyết Chiến dịch thuật từ chữ nôm: 


"Than ôi, Đồng bào ta đã theo chim Hồng bay về Phương Bắc,
Tiếc thay, dòng giống cốt nhục này vẫn ở mãi với Trơi Nam".




Tóm lại, cuộc hội ngộ vô cùng lớn lao này đã đi vào lịch sử của con cháu người phu mộ, người "chân đăng" ở Tân đảo - Tân Thế giới. Hồi xưa thì cha mẹ chú bác đã xa rời quê hương đi tìm cuộc sống nơi đất khách quê người, mong kiếm được miếng cơm, manh áo. Nay lớp con cháu thế hệ thứ hai, thứ ba và cả thứ tư cũng xa rời quê hương trở lại nơi đây với mục đích khác: chỉ để thăm viếng nơi chôn rau căt rốn của mình, chỉ để nhin lại mảnh đất thân yêu đã từng ghi đậm dấu ân vào trang sử hào hùng của cha chú, những người dân phu mộ thời kỳ nô lệ. Chỉ để thăm hỏi  những anh chị em, gia đình bạn bè ở Nouméa, ở Vila và Santô. Chỉ để thăm viếng, sửa sang và thắp một nén nhang nguyện cầu cho hương hồn người đã khuất. Chuyến hành hương về cội nguồn vô cùng ý nghĩa của toàn thể anh chị em vừa qua đã được vinh danh, được ca ngợi đúng mức. Thời gian quá ngăn ngủi nhưng đã để lại cho mỗi người một ký ức, một kỉ niệm không dễ mà quên được ...





Trong thời gian ngắn ngày ở Port Vila cũng như Santô nếu có điều gì sơ xuất trong việc đón tiếp, phục vụ ăn uống đi đứng, mong anh chị em hãy thông cảm và lượng thứ. Xin chúc mọi người vui khoẻ, may mắn và hạnh phúc. Xin chào tạm biệt và hẹn một  ngày “Tái ngộ”.



CE N'EST QU'UN AU REVOIR MES FRERES!  ... ET SOEURS!    






Xin mời quý vị click vào link dưới đây để nghe bài hát:

Bài hát : CHO CON

Cho con (Đừng quên chon nhé, Ba Mẹ là Quê hương)


Ngày về của Hoàng Giác
 
 Xin kính mời bà con và các bạn hãy bấm vào link này để xem trang Panoramio ảnh về Vanuatu của jeanvanjean: 
 

Xin trân trọng cảm ơn và chúc quý vị vui khoẻ và may mắn.