Powered By Blogger

Monday, July 2, 2018

La Colonisation des Nouvelles Hebrides et les Indochinois - Phần hai






TÀI LIỆU LỊCH SỬ VỀ NGƯỜI PHU MỘ

Việt Nam ở Tân đảo đầu Thế kỉ 20

Documentations historiques

des travailleurs engagés vietnamiens

Aux Nouvelles Hebrides/Vanuatu au 20eme siècle.








Người dịch: Jean Vanson Vanuatu




Lược dịch văn bản



Người dịch văn bản dưới đây xin mạn phép được giãi bầy quan điểm.

Nói chung, bản thân cũng đã từng đọc qua một số tư liệu, tài liệu và sách đề cập đến Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu). Tuy nhiên, người  dịch đã chọn văn bản mang tên : « La colonisation des Nouvelles Hebrides et les Indochinois » để dịch vì có rất nhiều tình tiết liên quan đến người phu mộ Việt nam mà còn  ít người biết đến. Mục đích của việc lựa chọn này nhằm giúp cho đông đảo bà con anh chị em nguyên là Việt kiều sinh trưởng ở Tân đảo xưa kia sẽ biết rõ thêm về lịch sử của cha ông chúng ta dưới thời thực dân đô hộ thế kỉ 20 mà thôi.



Trên thực tế, cuộc sống ở đâu cũng có hai mặt. Một mặt, chúng ta đều  được nghe kể chuyện hoặc đọc những bài viết về sự áp bức bóc lột đến tàn nhẫn của cai kí và chủ đồn điền. Nhưng mặt trái của thời kì ấy thì nhiều người lại chưa biết hoặc không quan tâm đến. Chúng ta lên án chế độ thực dân nhưng chúng ta chưa thấy hết được những điểm yếu của chính người cu-li phu mộ.

Xin nêu mấy điểm chính được ghi nhận trong các đồn điền, đã làm cho người phu mộ tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đó là các tệ nạn rượu chè, trai gái, cờ bạc, trộm cắp ở khắp các đồn điền trên hầu hết các đảo gần xa ở Tân đảo.

Một số vụ say rượu, trai gái dẫn đến ẩu đả gây thương tích hoặc án mạng.

Tệ nạn cờ bạc phải vay nợ của chủ với lãi suất cao. Nhiều trương hợp sau 5 năm không trả được nợ phải xin ở lại đăng kí thêm 5 năm. Hoặc túng bấn đi trộm cắp dẫn đến tù tội vân vân… Ngoài ra nhiều vụ việc như lãn công, giả vờ ốm, làm việc không năng suất cũng làm cho người chủ xót xa vì phải bù lỗ. Thậm chí có cả việc một ông đốc công hoặc một ông cại nọ sắn sàng nhạn một ít tiền franc đút lót để làm lơ chuyện này chuyện khác. Đó cũng là những nguyên nhân khiến cho chủ bức xúc phải sử dụng đến hình phạt, nhiều khi quá mức cho phép.

Không ai có quyền lên án những hậu quả tai hại mà các tệ nạn xã hội đó đã làm hệ lụy đến cuộc sống của cha ông chúng ta. Đặc biệt là chúng ta không khỏi bùi ngùi rơi lệ khi có dịp đi qua hoặc viếng thăm các khu nghĩa trang ở Vila, Santo, Malicolo, Epi v.v... Nếu tổng kết lại, trong công cuộc khai phá làm giầu cho Tân đảo thì cũng có hàng ngàn người xấu số đã phải gửi gắm nắm xương tàn nơi đất khách. So với tổng số phu mộ trên dưới 23 ngàn người có mặt ở Tân đảo thời bấy giờ thì tỷ lệ mất mát là quá lớn. Tính ra cứ 100 người thì có gần 5 người tử vong.

Người dịch sẽ cố gắng dùng từ ngữ  thật sát với từng thời điểm để giúp người đọc dễ hiểu hơn. Rất có thể có những sai sót nhầm lẫn nhất định trong khi dịch thuật. Vậy xin quý vị độc giả lượng thứ. Xin trân trọng cảm ơn và chúc mọi người vui khỏe.
Người dịch cũng xin trân trọng anh bạn người Pháp Frederic PETIT - nhà nghiên cứu lịch sử đã chia sẻ nhiều tư liệu và hình ảnh quý hiếm sử dụng trong bản viết này.

Trích dịch nguyên bản Luận án tiến sĩ về khoa học lịch sử :
« La Colonisation des Nouvelles Hébrides et les Indochinois »
(Cuộc xâm chiếm Tân đảo làm thuộc địa và những người dân đến từ xứ Đông dương).
Tác giả: Frederique TAILHADE
Dưới sự chỉ đạo của : Ông CARBONELL – 1987






PHẤN HAI

A.  Chặng đường từ Đông dương đến Tân đảo.
Xuất xứ của những người phu mộ Bắc kì.

Phần lớn họ là nông đân xuất thân chủ yếu từ các tình đồng băng Bắc bộ: Ninh Bình, Nam định, Thái Bình. Dân cư ở các vùng đó quá đông và nghèo nàn cơ cực (556 người/1km2). Dân cư ở các vùng này được xếp vào một trong những vùng nghèo nàn nhất thế giới lúc đó. Bởi vậy số người tình nguyện đi phu mộ trở nên quá đông: trên 100 người mới có 1 người trúng tuyển. Rất nhiều người quá trẻ đã phải mượn thẻ căn cước của người nhiều tuổi hơn để đi. (Đa số là nông dân. Nhưng cũng có một số thợ lành nghề dược tuyển chọn như: thợ mộc, thợ nề, thợ sửa chữa máy nổ, thợ mỏ, y tá và bác sĩ, thông dịch viên v.v…)



Xuất ngoại.

Đó là niềm mong ước của nhiều người. Họ không cần biết là điều gì đang đợi chờ họ. Họ chỉ nghĩ đến một điều là sau thời hạn 5 năm, họ sẽ có một món tiền khả dĩ có thể được đánh giá là giầu có tại quê hương họ lúc bấy giờ. Họ có thể tậu đất đai ruộng vườn như ý.

Báo “Đông đương bừng tỉnh” (l’Eveil de l’Indochine) ngày 5/2/1932 đã viết về chuyến hồi hương của 452 cu-li ở Tân đảo như sau:
“Xin chú ý đến số lượng trẻ con và sơ sinh đã được sinh ra ở Tân đảo và được hồi hương cùng cha mẹ chúng sau mãn hạn hợp đồng: có 116 trẻ con trong 89 cặp vợ chồng. Một con số kỉ lục đối với nhưng con người phải sinh sống trong hoàn cảnh cực kì  vất vả túng bấn trong suốt thời hạn giao kèo 5 năm. Một con số sinh đẻ thực sự đáng nể phục!
Khi hồi hương, ngoài số tiền thanh toán bắng ngân phiếu, mỗi lao động được hưởng khoản phụ cấp 89 đồng bạc; cặp vợ chồng được hương 168 đồng bạc. Như vậy, nếu cộng với tiền ngân phiếu thì mỗi người đã có một khoản tiên tương đối lớn. Và khi trở về tới quê hương bản quán thì nghiếm nhiên họ đã trở thành người giầu có bậc nhất nhì trong làng rồi".







Số “tài sản nho nhỏ” (bonne fortune) mà người lao động Bắc kì mang về nước thời đó đã dấy lên một  cao trào dư luận trong giới báo chí đối với việc tuyển phu mộ đi Tân đảo. Do các địa chủ và điền chủ ở trong nước phản kháng. Với lí do là số người đi lao động nước ngoài trở về đã nêu gương xấu cho người bản địa. Những người hôi hương đòi hỏi mức lương quá cao, và đã lôi kéo những người nông dân và công nhân trong nước hùa theo. Báo chí còn lên án việc xuất khẩu lao động như một sự bào mòn trầm trọng về nhân công ngay ở chính quốc nội.
Tuy nhiên ngày 25/9/1930, ngài Cao ủy đã phát biểu trước Hội đồng dân biểu Bắc kì như sau: “Việc xuất khẩu lao động chưa đạt được mức độ yêu cầu của chính phủ bảo hộ. Có thể nói là thấp hơn nhiều. Cụ thể là năm 1929, số nhân công xuất ngoại chưa đạt tới 7% tính theo hệ số giữa sinh và tử ở trong nước.
Như vậy, tông số lao động được tuyển mộ cho đến thời điểm này là vô nghĩa so với tổng dân số của Bắc kì. Trên thực tế chúng ta có khả năng tuyển mộ và cho xuất xứ một số lượng lớn hơn nhiều”.


Đến Tân đảo mặc dù đói rách các cụ phu mộ chân đăng vẫn nghĩ đến tương lai...

Ngài Cao ủy tại Băc kì phân tích và nhấn mạnh mấy điểm cần lưu ý: “Một số cu-li không đạt tiêu chuẩn đạo đức, vi phạm hợp đồng, vi phạm luật pháp ở Tân đảo nên bị trả về quê quán. Họ đã tuyên truyền nhiều tin thất thiệt nhằm bôi nhọ và lên án chế độ áp bức bóc lột của chủ đồn điền. Làm cho số đông người đăng kí đi phu nửa tin nửa ngờ. Một số đã xin hủy hợp đồng. Đó cũng là lí do tại sao việc tuyển mộ lao đông bị chững lại trong những năm 1930.
Cũng chình vì vậy mà việc tuyển mộ đã được tổ chức kiểm tra khắt khe hơn nhằm giảm số lưu manh côn đồ và tội phạm vừa mãn hạn tù trà trộn vào danh sách tuyển dụng nhân công”.

Mặc dù điều kiện làm việc và kỉ luật lao động ở Tân đảo vô cùng cực khổ và khắt  khe, nhưng cũng không thể nào ngăn chặn được làn sóng đăng kí phu mộ đi Tân thế.
Năm 1930, Ngài thanh tra lao dộng tại Bắc kì đã ghi nhận một điều như sau: tình trạng sinh sống của dân phu mộ ở một số đồn điền đã được cải thiện rõ rệt. Bởi vậy hơn nửa số công nhân đã trực tiếp xin tái đăng kí tại chỗ sau khi mãn hạn hợp đồng. Một công việc có lợi cho cả chủ lẫn người làm. (Chủ thì không phải trả tiên tầu hai lần và được miễn trừ các thủ tục tuyển mộ phức tạp. Phía công nhân đã quen với công việc nên năng suất lao động tăng gấp nhiều lần so với người mới đến). Số công nhân mãn hạn 5 năm được hồi hương, mỗi người thường được nhận khoản tiền từ 4.000 đến 8.000 francs. Chính vị vậy mà một số lao động đã tìm cách đăng kí di phu mộ lần hai, lần ba kéo theo cả người nhà và vợ con đi theo.
Và thế là cuộc di cư đến miền đất hứa ngày càng đông đúc với nhiều hứa hẹn.


Con tầu Bê-rô-ti (Pierre Loti)



Cuộc hành trình từ Đông dương đến Tân đảo.

Sau khi kí kết hợp đông, người phu mộ bước chân lên tầu thực hiện chuyến vượt biển và giông tố vô cùng khó khăn cực khổ kéo dài mấy tuần lễ liền. Nhất là đối với người nông dân chưa hề biết biển cả là gì. Nhưng năm 1927, hai con tầu đã bị bão đi lạc vào bờ biển của Úc và đã được dư luận báo chí bàn tán xôn xao trở thành một sự kiện mà tờ báo Labour Dayly của Úc đăng tải ngày 8/7/1927 viết như sau:
“Tại cảng Taon vin (Townsville) đã nổ ra một cuộc mít tinh của công nhân Úc phản kháng về việc chuyên chở người lao động trái phép vào Úc. Vì họ nghĩ là những người trên tầu sẽ vào Úc làm việc và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động Úc. Do điều kiện sinh hoạt của những hành khách trên tầu tồi tệ đến mức họ đánh giá là những người này là nô lệ đã bị bắt cóc sau khi bị uống thuốc mê hoặc ma túy. Họ ngủ ngay trong hầm chứa than trên tầu bẩn thỉu hơn cả chuồng nuôi lợn. Họ tự nấu nồi cháo bằng sức nóng thoát ra từ các ống hơi của máy tầu. Cảnh sát biện hộ với lý do là những người này tự nguyện lên tầu để đi Tân đảo thuộc địa Pháp nhằm thoát cảnh túng đói ở Bắc kì”.


Khu trại tập trung phía tay trái còn gọi là đề-bô. Con đường dẫn lên chỗ nhà thương đen tại Port Vila Tân đảo

Cách ly dịch tễ y tế (La quarantaine)

Vì không có cảng lớn để cập bến, nên tầu hàng phải neo đâu trong vịnh Vila. Từng người một được gọi tên theo số báo danh. Theo lời kể của một điền chủ cũ thì những người nào quá chậm chạp khi bước xuống cầu thang sẽ bị ngay một roi gân bò vào lưng (nerf de boeuf).
Cuộc cách ly dịch tễ bắt đầu tại khu tập trung gọi là đề bô (dépôt) ngay phía bên dưới nhà thương đen (hopital indigene) trong vòng 10 ngày, để chờ phân bổ đến các đồn điền. Nguyệt san đảo quốc Thái bình dương có tên  Pacific Island Monthly tháng 8 năm 1939 viết:
“Nói cho đúng, đây chưa hẳn là một khu cách ly dịch tễ. Vì một số cu-li đã được điều đi phát cỏ, trồng cây tại các cơ quan chính quyền địa phương như tòa công sứ, nhà thương. Và nguy hiểm là họ được tiếp xúc với người tông-ki-noa và dân bản xứ đang làm việc sinh sống tại đây. Một số điền chủ đã phản kháng về việc này. Vì họ phải trả tiền chi phí cách ly dịch tễ vô lý cho hàng trăm con người”.

Bài viết nêu lên giá trị và vai trò của người lao động lúc đó đối với các chủ đồn điên nó thiết yếu đến mức độ nào. Trong lúc các điền chủ đang mong chờ sự có mặt cáng sớm càng tốt của công nhân để giải quyết gấp rút những công việc đang bừa bộn trong các đồn điền. Giữa lúc đó thì chính quyền lại thờ ơ và lạm dụng nhân công để sử dụng không mất tiền vào những công việc chung vô lý khác.


Những rừng dừa rộng bát ngát do chính bàn tay người lao động Việt nam phá rừng trồng tỉa từ những năm 1920.

B.  Sự phát triển nhanh chóng của các đồn điền và sức mạnh của người Pháp.
Sự hiện diện của đông đảo lao động đến từ Đông dương đã làm tăng diện tích trồng trọt tại các đảo lên gấp đôi tính từ năm 1920 đến 1930 và sản lượng cùi dừa khô (coprah) đã tăng gấp 4 lần. Như vậy công cuộc thuộc địa hóa Tân đảo đã đạt đỉnh cao chưa từng thấy.

Vấn đề của các điền chủ nhỏ và các Công ty lớn:
Đến năm 1920, vì nạn thiếu hụt nhân công dưới chế độ thực dân đã gây khó khăn cho các điền chủ nhỏ, nên người ta đã không thể nào khai thác làm giầu tại các đồn điên từ 50 đến 100 ha.
Mãi đến năm 1925 mới thấy xuất hiện các Công ty lớn với số vốn kếch sù như “Công ty Bông sợi Tân đảo”, “Hiệp hội Nông nghiệp đảo Vate”, “Hiệp hội các đảo Thái bình dương”, “Công ty Nông nghiệp và khai thác mỏ Tân đảo”, “Công ty Bất động sản Tân đảo” v.v… với tổng diện tích đất canh tác lên tới hơn 10.000 ha.


  Công ty Nông sán và Khoáng sản tại Tân đảo. Giấy chứng nhận cổ phần.

Các Công ty này thâu tóm nguồn vốn lớn, đồng thời sử dụng số lao động nước ngoài nhiều nhất. Riêng Công ty Tổng hợp tại Vate đã sử dụng hơn 700 công nhân tông-ki-noa làm việc trên diện tích hơn 700 ha đát. Trong lúc chờ đợi thu hoạch dừa sau 7, 8 năm. Người ta đã tranh thủ trồng ớt sai quả để xuất khẩu ngay từ những ngày đầu vụ. Như vậy người ta đã tận dụng được hết khả năng và công sức của người lao động.

Trái lại, những điền chủ nhỏ đã lâm vào thế bí bách vì chi phí đài thọ cho người lao động tông-ki-noa quá lớn so với việc sử dụng nhân công bản địa.  Vì thổ dân không ăn cơm và uống nước trà như người đông dương.
Joel Bonnemaison đã viét trong cuốn Sự Đam mê và nỗi bất hạnh (Passions et misères) như sau: “Chính sách công khai của Nhà nước Pháp là huy động và phát triên dấn số toàn diện tại các thuộc địa, tạo một màng lưới bảo vệ chế độ thực dân. Nhưng trên thực tề mọi việc đã đi ngược lại với chính sách đề ra. Các điền chủ nhỏ lầm vảo khủng khoảng kinh tế. Các Công ty lớn phát triến và làm giầu nhanh nhưng lại không quan tâm đến chính sách của Nhà nước ban hành. Như vậy cái mộng của nhà nước Phấp cũng dần dần phai mờ theo sự phát triển thăng tiến của nền kinh tế khu vực.



  Phác họa bản đồ phát triển  dân số người nước ngoài ở Tân đảo (Indochinois  người Đông dương - Francais Pháp - Anglais Anh)

Bản sơ đồ của tờ Niên giám thuộc địa (Colonial Reports annuals) đã nêu lên nhiều yếu tố quan trọng. Trước hết là số lượng đầu người của Pháp tăng trội gấp 3 lần so với người Anh. Nhưng vẫn ít hơn nhiều so với số người lao động nhập cư từ Bắc đông dương  năm 1925 và 1930 đã tăng vọt gấp 3 và thậm chí gấp 6 lần dân Pháp.
Người ta cũng nhận ra từ năm 1923 đến năm 1952, kiều dân Anh chưa bao giờ vượt quá con số 400 đầu người. Hồi đó báo chí ở nước Úc đã quan ngại về sự tăng trưởng dân số trong khối kiều dân Pháp.


Không gian thuộc địa lúc đó đã hoàn toàn do người Pháp khống chế. Cộng với số lao động đến từ thuộc địa Pháp tại Bắc đông dương đã làm tăng sức mạnh cho cộng đồng người Pháp. Người Anh bị yếu thế vì không sử dụng được lực lượng lao động  này nên đã phải đối đàu với hai sự lựa chọn: hoặc là xin gia nhập quốc tịch Pháp hoặc bán lại đất đai cho người Pháp. Cuối cùng thì đất đai cũng đã hoàn toàn thuộc quyền sơ hữu của người Pháp.

Tuy vậy, mặc dù só đất đai đã được minh chứng trên bản đồ địa chính, nhưng quyền hạn tối cao của người  Anh cũng không vì thế mà giảm sút. Cụ thể đã được thể hiện rõ ràng về các hoạt động thương mại của họ. Người ăng-lê đã trở thành những nhà buôn bán dừa khô đẳng cấp (coprahmakers). Họ đi thu mua sản phẩm này ở các hang cùng ngõ hẻm tại các đảo xa xôi hẻo lánh. Đại diện cho người Anh có hãng  Bi-pi (Burns Philps) cạnh tranh với hãng Ba-lăng (Ballande CFNH) của Pháp, tập trung mọi hoạt động thương mại và đạt tới 35% tổng kim ngạch xuất khẩu ở Tân đảo trong những năm 1928.


  Thương lái người Anh xâm nhập các vùng xa xôi hẻo lánh để  buôn bán ở Tân đảo (Internet)

Kế hoạch định cư lao động Bắc đông dương.


Năm 1932, tờ báo Néo Hebridais đã đăng tải tin nóng hổi:
“Vấn đề định cư người Bắc đông dương”

Trong cuộc họp toàn thể,  Toàn quyền Noumea đã đưa vấn đề định cư người lao động gốc Bắc kì ra bàn. Ông đưa ra giả thuyết: nếu Tân đảo thuộc toàn quyền quản lý của Pháp, thì việc định cư người lao động đông dương sẽ tạo ra một khả năng  rộng lớn cho tương lai chắc chắn của thuộc địa Pháp trước mắt và lâu dài ở vùng đất này.
Sẽ không còn bó khuôn trong lĩnh vực buốn bán nô lệ nữa. Mà chính là việc chia cắt đất đai giao cho người Bắc kì làm chủ, họ sẽ lĩnh canh thu tô, tự quản lý và điều hành sản xuất kinh doanh như một điền chủ thực thụ.


1930. Bão lớn đã tàn phá nhiều đồn điền dừa ở Tân đảo. (Internet)

Tất nhiên không thể giao phó đất đai cho những người mới đến chưa hiểu biết gì về đất nước này, mà phải giao cho những người làm lâu năm đã hết hạn hợp đồng. Giao cho họ số đất dai theo thỏa thuận và xem xét các điều khoản giao nhận đất đai theo luật định.

Hơn nữa, trong số phu mộ có một số người có văn hóa, có kiến thức. Không chỉ  gốc ở Hà nội mà các tỉnh lẻ cũng có. Lúc ban đầu họ cũng bán tín bán nghi qua các thông tin đăng tải trên báo chí. Nhưng rồi họ cũng nhân ra rằng: việc khai thác thuộc địa tất nhiện là lợi nhuận thuộc về các ông chủ, nhưng những người lao động cũng được hương một phần nào. Ngoài lớp người lao động chân tay như nông dân, Tân đảo cũng rất cần có sự trợ giúp của những công nhân lành nghề như: thợ thủ công, công nhân, thương nhân, viên chức v.v...

Một đại diện của tổ chức Công đoàn ở Paris. ông Auguste Brunet viết bức thư ngày 25/11/1930 như sau: “Nếu muốn căt giảm chi phí về việc tuyển mộ lao động đông dương, ngài Cao ủy ở Bắc kì phải gánh chịu mọi chi phí tuyển mộ cho hàng loạt nhân công chuyên chở đến Tân đảo. Như vậy Hiêp hội của Pháp tại Tân đảo sẽ sẵn sàng giao  số lượng đất đai canh tác cần thiết cho ngài Cao ủy toàn quyền sử dụng.
Được như vậy thì lực lượng nhân  công sẽ được sử dụng một cách có lợi nhất cho việc mở rông thuộc địa tại đây”.

Nhưng ý tưởng cao đẹp nhằm tạo thế mạnh cho việc thực dân hóa đã không có kết quả như mong muốn, chủ yếu vì lý do tài chính nhưng cái quan trọng là họ đã quên không xem xét thăm dó ý kiến và nguyện vọng  của người lao động Bắc kì.

Joel Bonnemaison đã ghi lại: “Phần đông người phu mộ Bắc kì không có ý muốn ở lại định cư tại quần đảo này vì họ cảm thấy như bị tù đầy trong các đồn điền. Họ luôn nhớ vè quê hương bản quán (nostalgie). Tư tưởng đó đã in sâu trong tâm khảm của họ không thể thay đổi. Và như vậy cũng thật dễ hiểu là lực lượng lao động đến từ Bắc đông dương không phải là vĩnh cửu và cũng không thể là bạn đồng hành với chế độ thực dân ở Tân đảo”.


  Người lao động phu mộ nam nữ đều phải làm những công việc năng nhọc như thế này ở Tân đảo (Ảnh internet)

Khủng khoảng kinh tế của những năm 1930

Sự phồn vinh của gần hai mươi năm qua đã làm cho nền kinh tế ở Tân đảo trở nên nổi tiếng và trở thành huyền thoại của các “vương công Ấn độ tại Tân đảo” (Nababs des Nouvelles-Hebrides) cho đến mãi năm 1931, khi mà cuộc khủng khoảng kinh tế thế giới bắt đầu xâm nhập vào quần đảo này. Điền chủ My đã ghi lại:
“Không còn phương kế nào hữu hiệu có thể giúp ta làm giầu ở Tân đảo nữa. Giá bán ra của các loại nông sản đã bị rơt giá thảm hại: một kilo cacao khô không đáng giá 1 franc. Giá dừa khô cũng vậy, tiền bán một bao đầy dừa khô không mua nổi chiếc bao tải để đựng. May mà còn có cái cửa hàng tạp hóa nho nhỏ giúp chung tôi sống qua giai đoạn này”.

Tờ báo Le Néo Hebridais ngày 10/05/1931 đăng tải về tin tức các hãng buôn  lần lượt tuyên bố phá sản theo vết chân các điền chủ như sau:
“Với hy vọng cơn khủng khoảng kinh tế sẽ chỉ lướt qua như gió thoảng, các hãng buôn lơn không ngần ngại cho các điền chủ thế chấp đát đai để kí nợ hàng hóa như thường lệ. Nguyên nhân làm cho số nợ ngày càng tăng không còn có khả năng chi trả.

Nhưng không ngờ là cơn khủng khoảng kinh tế ngày càng kéo dài làm cho các điền chủ không giữ được lời hứa đã thỏa thuận với cáng hãng buôn, cụ thể là không còn khả năng thanh toán các khoản nợ. Đó là nguyên nhân làm cho các hãng buôn bị hụt vốn kinh doanh.
Đương nhiên, tình trạng khó khăn buộc các hãng phải khóa sổ ghi nợ, khiến cho các điền chủ lâm vào thế bí bách tiến thoái lưỡng nan, Họ không còn cách nào để mua sắm lương thực thực phẩm cũng như công cụ sản xuất. Họ cũng không còn tìm đâu ra tiền để trả lương cho người phu mộ tông-ki-noa.


Giấy phép tuyển mộ nhân viên Y tế làm việc tại đảo Malicolo Tân đảo năm 1930.

Trong lúc đó, chi phí cho viêc tuyển mộ nhân công đã tăng vọt nên đã lâm vào tình trạng thiếu hụt nhân công trầm trọng. Thêm vào đó, việc tuyển dụng nhân công bản xứ gặp khó khăn do các nhà truyền đạo tin lành người Anh can thiệp. Họ đã lôi kéo được nhân công bản xứ làm việc cho họ. Người lao đông bản xứ làm việc dễ dàng với người Anh hơn người Pháp. Vì họ đều nói tiếng bít-la-mà có nguồn gốc từ tiếng Anh.

Do chi phí tuyển mộ lao động cao ngất ngưởng, nhiều điền chủ buộc phải nghĩ đến việc ký kết lại hợp đồng mới với những người phu mộ đã hết hạn hợp đồng đang chờ tầu hồi hương. Các điền chủ lại vấp phải khó khăn lớn: những người phu mộ tông-ki-noa thỏa thuận ký kết hợp đồng mới nhưng với điều kiện mà các điền chủ phải đau đầu. Ngoài ra, tất cả nhu yếu phẩm cung cấp cho người phu mộ tông-ki-noa đều phải nhập khẩu của nước ngoài  nên phải chịu chi phí vần chuyển tăng gấp ba, bốn lần.
Như vậy, điền chủ đã phải trả lương và chi phí các khoản cho một lao động tông-ki-noa trung bình là 15 francs/ngày. Trong lúc đó người Anh thanh toán lương với người lao động địa phương chỉ bằng một nửa” (Nhưng rõ ràng là họ quên không tính đên năng suất lao động giữa người đông dương và người bản địa).


Năm 1928. Hỏa hoạn đã thiêu rụi hãng DeBechade tại Port Vila Tân đảo.

Hãng Đờ Bê-sạt (De Bechade) bị phá sản. Hãng Ba-lăng (Ballande) và Ba-rô (Barrau) cũng lần lượt tuyên bố phá sản vì số tiền họ cho các điền chủ ghi nợ bằng hàng hóa phải vay ở nhà băng Đông dương (Banque de l’Indochine). Nhà băng duy nhất ở Tân đảo  mà sau này đã trở thành chủ sở hữu của nhiều đất đai do các điền chủ thế chấp bị vỡ nợ.
Nhờ có sự can thiệp của chính phủ Pháp mà một số điền chủ loại vừa và nhỏ đã may mắn bằng mọi giá bươn chải để sống sót trong cuộc tổng khủng khoảng kinh tế này. Các Công ty lớn đã lần lượt đổ vỡ. Còn lại duy nhất có ba Công ty lớn còn trụ lại, trong đó có PRNH ở Malakula tức Công ty thống nhất  của các đồn điền tại Tân đảo (Plantations Reunies des N.H.).

Chính phủ Pháp đã quyết định giữ vững giá cà phê nhằm hỗ trợ cho vấn đề thanh toán nợ nần. Ngay từ tháng hai 1937, Bộ trương hải ngoại đã kí kết với Ngân khố quốc gia một thỏa thuận về việc đứng ra bảo trợ vể các khoản nợ khó trả của các điền chủ ở Tân đảo.


Cầu tầu Ba-lăng CFNH những năm 1930

Năm 1935, viên thanh tra Ngân khố quốc gia, ông Heilman đã đi thăm dò tất cả các đồn điền của người Pháp ở Tân đảo, đặc biệt đối với các con nợ. Sau đó, điền chủ My ghi nhật kí: “Tôi thừa nhận là có sai sót trong việc thanh toán chậm chạp lãi suất nợ năm1933. Và tôi đã đưa ông đi thăm những khoảnh đất canh tác vùa khai phá trồng 50 ha cà phê và hơn 100 ha đát đai khác chuẩn bị cho việc trồng dừa. Thật không ngờ. Ông Heilman chẳng những không quở trách mà ngược lại còn khen ngợi khuyến khích. Ông ta nói: công việc to lớn của ông đang làm rất phù hợp với phương án  hỗ trợ nhằm khuyến khích các điền chủ mở rộng canh tác sản xuất của chính phủ Pháp ở Tân đảo”.
Sự thông cảm của thanh tra Heilman không vì thế mà đã giải quyết được khúc mắc trong các đồn điền khác. Trong bản báo cáo, ông nêu rõ: “Không có hy vọng trông chờ ở các nơi này, vì số tiền chính phủ trợ giúp 200.000 francs để thanh toán thiệt hại do cơn bão gây ra vừa qua dường như đã không được sử dụng đúng mục đích”.

Trong những năm khủng khoảng kinh tế vừa qua, hợp đồng kí kết với người lao động tông-ki-noa cũng đã hết hạn, Theo thống kê từ 1931 đến 1935, đã hao hụt mất 2.260 lao động. Vì hồi hương thì có mà số người tuyển mộ mới đến thì không. Mãi đến cuôi năm 1937 của giai đoạn khủng khoảng kinh tế, đã thấy có 838 cu-li được phân bổ. Hoạt động sản xuất lại bắt đầu.


Đồn điền PRNH Malicolo Tân đảo. Tập trung cu-li  đến nơi làm việc.

Cụ thể là năm 1934, tờ Néo Hebridais đã lên tiếng cảnh báo:
Số lao động  toàn lãnh thổ chỉ cón không quá 1.000 người, trong đó có 300 người sắp mãn hạn chuản bị hồi hương. Nếu không có lực lượng bổ sung kịp thời thì chắc chắn các đồn điền sẽ phá sản. Hiếm có đồn điền nào trụ vững được với số công nhân người bản địa. Hầu hết số cu-li hết hạn hợp đồng đều lựa chọn con đường hồi hương. Một số rất ít buộc phải xin ở lại vì còn nợ tiền của chủ hoặc một số lý do liên quan đến pháp luật của chính quyền địa phương.
Một số điền chủ liên tục sử dụng khai thác đúng mức người lao động đã được chính phủ đông dương cho phép giảm chi phí tiền lương. Hãng vận chuyển Ba-lăng cũng đã giảm chi phí vận chuyển.
Như vậy, năm 1937 tình hình chung đã được cải thiện. Tiếp đó là thông tin về sự khởi đầu của thế chiến thứ hai đã khởi sắc cho việc khai thác dừa khô ở Tân đảo.
Sau khi tóm lược về tình hình tuyển mộ nhân công và đề cập đên vai trò quan trọng không thể thiếu của người lao đông đông dương, chúng ta cùng nhau tìm hiểu đôi điều về hoàn cảnh và điều kiện sinh sống của những người lao động đó ra sao. Nơi ăn ở và họ đã sinh sống như thế nào?


  Lô nhà ở đầu tiên do Tập đoàn thống nhất các đồn điền  PRNH  (Plantations Reunies des Nouvelles Hebrides) xây dựng tai  Phía Bắc Malicolo Tân đảo

C.  Đời sống thường ngày của người cu-li. Vấn đề nhà ở.

Sau 10 ngày cách ly dịch tễ ở trại tập trung đề bô, người cu-li đã được phân bổ về  các đồn  điền nhiều ít theo “đơn đặt hàng” (Commande). Đã từng xây ra một số bi kịch thương tâm. Một số gia đình có cưới xin đàng hoàng ở quê hương, (nhưng lại không được luật pháp của nhà chức trách địa phương  Tân đảo công nhận). Họ điều động mỗi người một ngả.  Do đó người chồng đã bị mất vợ trong suốt thời hạn hợp đồng 5 năm. Có nơi người vợ đã bị bán với số tiền là 2.000 francs cho một điên chủ khác lấy làm vợ của mình.

Thời kì đó nhiều nơi chưa xây dựng lán trại hoặc nhả ở cho người lao động theo tinh thần hợp đồng đã kí kết. Điền chủ My ghi nhận:
“Năm 1927, hãng Ba-lăng (Ballande) đồng ý tạm ứng trước cho tôi 10 người lao động tông-ki-noa cộng thêm số tiền dự kiến cho việc xây dựng nhà ở đón nhận những công nhân này. Nhưng mãi 6 tháng sau những người lao động này mới tới. Nhà cửa chưa có, buộc những người này phải tá túc trong căn nhà lợp lá dùng làm kho chứa hàng. Nơi duy nhất có thể trú mưa rộng khoảng trên 30 m2, chất đầy ắp hàng hóa. Vấn đề nhà ở cho người lao động trở nên cấp bách”.



  Nhà điền chủ xây dựng theo kiểu thuộc địa ở Tân đảo.

Sau này các điền chủ đã cố gắng làm cho người lao động nhưng ngôi nhà lợp tôn, cột  gỗ chung quanh che chắn bằng phên liếp. Thường là do các cu-li tự làm. Đàn ông ở trong các phòng tập thể. Các hộ gia đình được ở trong cac căn nhà riêng. Với tỷ lệ 5 đàn ông một đàn bà đã gây nên nhiều sự tranh chấp. Bởi vây, đa số phụ nữ không có đường lựa chọn. Ông nào đặt vấn đề là ưng thuận liền với mục đích là để được yên thân đỡ bị trêu ghẹo.

Tình trạng căng thẳng luôn tiềm ẩn trong hàng ngũ những người phu mộ: ghen tuông, hút thuốc phiện, cờ bạc đỏ đen, trộm cắp,  thù hận. Mối căng thẳng khác là do người đông dương không muốn quan hệ giao lưu với người lao động bản xứ. Lý do khác nữa là do ngôn ngữ bất đồng.
Bản chất người lao động đông dương là họ mang tính tự ti, họ tự coi là thấp kém, họ chỉ nói đơn thuần tiếng Việt. Rất ít người nói tiếng Tây, kể cả tây bồi. Cho đến tận bây giờ rất hiếm có người Việt cao tuổi nói thông thạo tiếng Pháp, nhưng lại biết nói tiếng đen bít-la-mà (bislama).


Phần Phần HAI xin tạm dừng tại đây.






Xin hẹn gặp lại quý vị trong Phần BA kì sau.


Người dịch xin chào và trân trọng cảm ơn quý vị và bà con anh chị em đã ghé thăm và luôn động viên góp ý xây dựng Blog Tân đảo Xưa và Nay.
Xin chúc mọi người vui khỏe và may mắn…