Powered By Blogger

Sunday, April 14, 2013

Bến xe Tắc-xi Việt nam ở Port Vila Tân đảo

Bến xe Tắc-xi
của người Việt nam
tại Port Vila Tân đảo (Vanuatu)




1954-1964. Bến xe Tắc-xi của người Việt Nam tại trung tâm Port Vila Tân đảo 
 Ảnh chụp trước nhà Bảo tàng Condominium (New Hebrides/Vanuatu)


Ghi theo lời kể của Jean Van Son - Vanuatu



Xuất thân từ những người phu mộ Việt nam nghèo mà người Pháp gọi là cu-li tông-ki-noa. Trước năm 1945, một vài bác có tài tháo vát đã dành dụm mua được loại xe díp (Jeep) của Mỹ dùng trong thế chiến thứ hai ở Thái Bình dương. Do Quân đội Mỹ phải chuyển đi nơi khác, nên họ bán lại rất rẻ. Xe Jeep còn mới giá khoảng 100 đô hoặc "đổi" lấy vài chai Whisky cũng xong.

Xe Jeep Mỹ thời kì chiến tranh Thế giới thứ 2  tại Tân đảo (Internet)


Ông Đỗ Viết Thử  với chiếc xe Holden Úc - một Taximan kì cựu của
đội ngũ lái xe Taxi Việt nam tại Port Vila 1954 - 1984.

Nhưng hồi ấy đi tìm mua được vài chai rượu loại đó không phải dễ, phải xin giấy phép của nhà chức trách địa phương mới mua được. Quân đội Mỹ còn gạ bán lại cho chính quyền sở tại toàn bộ thiết bị vận tải quân sự với số tiền 1 triệu đô US tương đương với 50 triệu franc Pháp. Chính quyền sỏ tại làm ngơ vì họ biết rằng: nếu quân đội Mỹ vận chuyển hết toàn bộ thiết bị chiến tranh đi nơi khác thì chi phí sẽ rất cao. Bởi vậy, Mỹ đã mang toàn bộ trang thiết bị vứt tất cả xuông biển tại eo Canal du Segond. Hiện nay nơi đó đã trở thành điểm du lịch quan trọng của đảo Santo được đặt tên là "One million dollars Point". Rất nhiều chủ đồn điền đã làm giầu nhanh chóng nhờ mua rẻ các loại xe ô tô của Mỹ. Một ít bà con phu mộ người Việt có "gan to" cũng tranh thủ tậu xe, có người mua cả xe vận tải GMC. Hồi đó nhiều bà con không dám mua, sợ sau này chính quyền sở tại sẽ có thể tịch thu hoặc phạt vì tội mua lại đồ "quốc cấm".

  

            Xe của Chánh sứ Pháp                           Xe 2 CV của ông giao Jean

Như vậy là số bà con đó đã trở thành lái xe tắc-xi. Kể cùng tài thật. Hồi đó làm gì có trường dậy lái xe. Cứ mang xe vào trong rừng dừa để tập. May mà mấy anh lính Mỹ cũng tốt bụng. Họ bán xe rồi cũng dậy lái luôn. Còn bằng lái thì cũng dễ thôi: nhờ người thông ngôn, xách đôi gà thiến và chai rượu ngon đến nhà riêng của xếp cẩm là xong. 


 Xe Jeep cúa quân đội Hoa kì để lại giống chiếc xe này (Internet)

Cứ thế, sau này số người biết lái xe cũng nhân lên rất nhiều với tinh thần "người biết bảo người không". Hình như cụ Hộ ở Tagabe là người có xe Jeep đầu tiên thì phải. Ở ngoài Vila thì có cụ Từ, cụ phó Kiễn ... Có một điều rất lạ là trong suốt thời kì mở đầu bến xe cho đến khi người VN hồi hương, không thấy có xe taxi của một người da trắng hoặc dân địa phương nào ở bên xe cả. Sau khi người VN hồi hương thi lúc đó mời có người địa phương tham gia vào đội ngũ Taxi ở đây.



         

        Xe của VNCNĐ Tagabê                          Xe DS của ông Cận Stella Photo

Từ đó cho đến năm 1960, thì người ta bỗng nhận ra rằng đoàn quân tắc-xi ở Port Vila cũng như ở bên Santo toàn là dân Việt. Ban đầu là xe Jeep Mỹ, sau này thấy xuất hiện xe Rờ-nô  4 (Renault 4 cv), xe Citroen 2 sơ-vô (2 CV). Từ năm 1955 trở đi có nhiều loại xe khác, nhiều nhất là loại xe Lăng Rô-vơ (Land Rover) của Ăng-lê. Bác Trù sắm xe Ariane mới toanh, bác Dũng ở Máy Cà-phê sắm cả xe Cadillac đắt tiền của Mỹ. Anh Thoa làm ở hãng Ba-lăng, nhưng cũng sắm xe Land-Rover chạy tranh thủ buổi chiều tôi và những ngày nghỉ cuối tuần. Anh Xuân ở Ba-lăng có xe Simca. Bác Thử ở Nambatu sắm xe Holden của Úc. Anh Đạm có xe Pờ-giô 403 (Peugeot). Có người lái chuyên nghiệp, nhưng cũng có người vừa đi làm cho cơ quan, xí nghiệp vừa tranh thủ chạy xe để kiếm thêm. Người ta bảo: mấy bác tài làm nghề tắc-xi hái ra tiền. Nhưng người Việt nam đầu tiên có chiếc xe tải chạy bằng máy hơi nước có lé là ông Phạm Văn Tụng ở Tagabe. Ông chuyên chở củi gỗ cây ổi cung cấp cho các lò san xuất bánh mì. 



Đoàn xe Taxi của người Việt nam tại Thành phố Luganville  Santo Tân đảo
Ảnh trên FB của anh Phạm Bình Hựu Santo

Bến xe Taxi của người Việt nam tại trung tâm Thành phố Port Vila

Tại  trung tâm thành phố, bãi đỗ xe Tắc-xi của người Việt nằm ngay phía trước của Nhà Bảo tàng của Pháp - Anh ở Port Vila (Musée du Condominium).  Xem ảnh này, ta còn nhớ phía sau của nhà bảo tàng là bờ biển. Nhà tầng phía cuối ảnh là nhà hàng Lo Po, sau này là Lo Lam. Bên cạnh phía trái là nhà chú Ả Dỉn (Fung Kwan Chee). Trước mặt Bảo tàng là nhà hàng chú Ả Hồng, Ả Hưng, Ả Tống, Ả Ha v.v... Bãi xe Taxi này được hình thành một cách tự nhiên trước khi nhà Bảo tàng được xây dựng. Bãi đất rât rộng. Đến khi nhà bảo tàng hình thành thì bãi xe phải lui ra tận mép đường cái như trong ảnh. Phần nhiều là xe Land-Rover 2 cầu của Anh chạy trên đường dài quanh đảo. Trong thành phố và vùng ven chỉ sử dụng loại xe du lịch như Simca, Peugeot, Citroen, Renault của Pháp và Holden của Úc. 


 Hàng đầu Từ trái: Có các cụ Trần Tích - Đặng Long Hưởng - Trịnh Thông - Hoàng Xuân Khất (Cụ Gạo) - Đồng Sỹ Hứa - Nguyễn Đắc Cát (cầm cặp da) -  Bùi Gia Dzự - Hoang Gia - Vũ Văn Mạo. Đằng sau: Cụ Vũ văn Tám - Nguyễn Công - Cụ Cai Son - Lưu đình Ngạn v.v...

Mọi người còn nhớ rõ là ngày 30/6/1946, ngay phía bên kia đường trước mặt nhà Bảo tàng đã từng xẩy ra sự kiện lịch sử. Hội Liên đoàn Ái  hữu VN và Hiệp hội thợ thuyền VN tại Tân đảo đã tổ chức kéo cờ đỏ sao vàng. Ngay tại trung tâm Thành phố. Thủ phủ của Tân đảo New Hebrides. Có gần một ngàn người phu mộ từ các đảo về tham dự buổi Lễ trọng thể này. Cụ cố Đồng Sỹ Hứa là người được đề cử kéo cờ đỏ Sao vàng đầu tiên tại Tân đảo.



            Xe Peugeot gia đình và 403                       

Nhưng khách đi xe là ai? Phần lớn họ là người dân địa phương ở các làng như Mê-lê, Bô-li-giáp (Point du Diable), Pô-va-na (Port Havannah), Siviri, Ma-la-xa, Ebule, Forari, Ba-ngò (Pango), Ê-ra-tạp, Lạc sần (Blacksand), Ren-ta-pao và ngoại thành Port Vila. Ngoài ra cũng có rất nhiều khách Tây, khách ăng-lê. Họ bảo: đi xe tắc-xi đỡ tốn tiền hơn mua sắm xe ô-tô. Họ thường là khách quen.



            Xe Peugeot 404                                       Đám cưới dùng xe Holden là sang lắm

Đáng chú ý là: khách của ai ngưới nấy chở. Không mấy khi xẩy ra xich mích. Đặc biệt là các bác tài thường chở bà con đi dự những ngày hội tổ chức ở trong trại Tagabê không lấy tiền. Như  mấy ngày Tết Nguyên đán, ngày kỷ niệm Sinh nhật Bác Hồ, ngày 2/9 Tuyên ngôn Độc lập v.v... Đó cũng là một nghĩa cử thiết thực, rất đáng quý góp phần vào công quỹ chung để gửi tiền về nước VNDCCH, ủng hộ quỹ "kháng chiến cứu nước " lúc bây giờ.

Một điều đáng chú ý nữa là: nếu xe của anh bị hỏng hóc trên đường, dù xa hay gần, quen hay không quen, người ta cũng sẵn sàng đỗ xe lại để hỏi xem anh có cần sự giúp đỡ  hỗ trợ nào không...



Trước kia Nơi đây đã từng là Bến xe Taxi của người Việt nam. Nhà bảo tàng trước đây nay là Thư viên sách và các cửa hàng thuốc tây,  tạp hóa.


Sau chuyến tầu hồi hương cuối cùng năm 1964. Số bà con ở lại chạy tối ngày không hết khách. Xe thì ít, nhu cầu đi lại của dân bản xứ ngày càng tăng. Một số bà con đã làm giầu. Nhưng dần dần người bản xứ cũng đua nhau sắm xe để chạy tắc-xi. Cho đến lúc Vanuatu tuyên bố độc lập đến nay, thì dân Việt không ai làm tắc-xi nữa...



Năm 1963, khi hồi hương GĐ cụ Nguyễn Đức Xuyến cũng mang theo một chiéc xe Peugeot bán tải  y hệt chiếc xe này về nước để sử dụng.

Thế là kết thúc chuyện tắc-xi Việt nam ở Tân đảo rồi. Xin kính chúc các bác cựu lái xe tắc xi hồi ấy luôn mạnh khoẻ và có một bộ nhớ tốt để suy ngẫm xem bài  viết này đã đủ chưa hay cần phải bổ sung nhiều điều khác nữa...

Xin hẹn gặp lại quý vị ở một câu chuyện khác! ...

Xin chân thành cảm ơn quý vị đã ghé thăm Blog Tân đảo Xưa và Nay. Chúc quý vị luôn mạnh khỏe, vui vẻ và hạnh phúc...

 Xin mời bấm vào link này để nghe bài hát :



Ngày về của Hoàng Giác
                                             https://youtu.be/4lrVrpWMzZM







Xin chân thành cảm ơn và mời quý vị bấm vào đây: 
http://www.panoramio.com/user/5191672
để xem hình ảnh Vanuatu.


1 comment:

  1. Vu Van Minh viết:

    Nói đến bến xe Taxi ở Vila, Tân đảo, chúng mình là con cái của các cụ chân đăng được biết chính các cụ là những người đầu tiên làm taximann ( làm nghề chạy xe taxi ). Đặc biệt có 1 bà chân đăng tên là bà Hoàn ( mẹ anh Thành hiện đang sống ở Hải phòng ) cũng tham gia đội ngũ lái xe taxi. Thế mới biết là các cụ nhà ta giỏi quá. Ở lớp thế hệ 2 còn có chị Lý ( Lân ) lái loại xe Arianne như ( điên ). Lúc đầu các cụ dùng xe Jeep được mua lại do quân đội Mỹ để lại sau khi kết thúc chiến tranh Mỹ Nhật. Trong khi sử dụng trong trường hợp xe có sự cố về xe thì lại có ông Hoàn ( Cầu ) là mécancien sửa chữa. Hội Việt nam công nông cũng có sắm đươc 1 chiếc xe Jeep để đưa đón các học sinh đi học và những người ốm đi khám chữa bệnh. Trong 1 chuyến chở học sinh đã xẩy ra tai nan , học sinh tên là Đức ( Lương ) bị tử vong. Mãi sau này Hội VNCND mới sắm được xe ca như ở trong ảnh của bài viết này. Thế mới các cụ chân đăng giỏi quá làm sao chúng ta có thể quên được. Công lao các cụ đóng góp cho đất nước Vanuatu ( Tân đảo ) cũng không phải là nhỏ và chúng ta cũng rất tự hào về các cụ. Ôi biết bao kỷ niệm khó quên được.

    ReplyDelete