TÀI LIỆU LỊCH SỬ VỀ NGƯỜI PHU
MỘ
Việt Nam ở Tân đảo đầu Thế kỉ
20
Documentations historiques
des travailleurs engagés
vietnamiens
Aux Nouvelles Hebrides/Vanuatu
au 20eme siècle.
Thành quả lao động của người phu mộ Việt nam đầu thế kỉ 20 còn ghi đậm dấu ấn tại Tân đảo
(New Hebrides/Vanuatu)
Jean VanSon dịch và lên trang Blog
Lược dịch văn bản
Người dịch văn bản dưới đây xin mạn phép được giãi
bầy quan điểm.
Nói chung, bản thân cũng đã từng đọc qua một số tư
liệu, tài liệu và sách đề cập đến Tân đảo (New Hebrides/Vanuatu). Tuy nhiên,
người dịch đã chọn văn bản mang
tên : « La colonisation des Nouvelles Hebrides et les
Indochinois » để dịch vì có rất nhiều tình tiết liên quan đến người phu mộ
Việt nam mà còn ít người biết đến. Mục
đích của việc lựa chọn này nhằm giúp cho đông đảo bà con anh chị em nguyên là
Việt kiều sinh trưởng ở Tân đảo xưa kia sẽ biết rõ thêm về lịch sử của cha ông
chúng ta dưới thời thực dân đô hộ thế kỉ 20 mà thôi.
Trên thực tế, cuộc sống ở đâu cũng có hai mặt. Một mặt, chúng ta
đều được nghe kể chuyện hoặc đọc những
bài viết về sự áp bức bóc lột đến tàn nhẫn của cai kí và chủ đồn điền. Nhưng mặt
trái của thời kì ấy thì nhiều người lại chưa biết hoặc không quan tâm đến.
Chúng ta lên án chế độ thực dân nhưng chúng ta chưa thấy hết được những điểm yếu
của chính người phu mộ.
Xin nêu mấy điểm chính được ghi nhận trong các đồn
điền, đã làm cho người phu mộ tự đưa mình vào vòng luẩn quẩn không lối thoát. Đó
là các tệ nạn rượu chè, trai gái, cờ bạc, trộm cắp ở khắp các đồn điền trên hầu
hết các đảo gần xa ở Tân đảo.
Một số vụ say rượu, trai gái dẫn đến ẩu đả gây
thương tích hoặc án mạng.
Tệ nạn cờ bạc phải vay nợ của chủ với lãi suất cao.
Nhiều trường hợp sau 5 năm không trả được nợ phải xin ở lại đăng kí thêm 5 năm.
Hoặc túng bấn đi trộm cắp dẫn đến tù tội vân vân… Ngoài ra nhiều vụ việc như
lãn công, giả vờ ốm, làm việc không năng suất cũng làm cho người chủ xót xa vì
phải bù lỗ. Thậm chí có cả việc một ông đốc công hoặc một ông cại nọ sắn sàng
nhận một ít tiền franc đút lót để làm lơ chuyện này chuyện khác. Đó cũng là những
nguyên nhân khiến cho chủ bức xúc phải sử dụng đến hình phạt, nhiều khi quá mức
cho phép.
Không ai có quyền lên án những hậu quả tai hại mà
các tệ nạn xã hội đó đã làm hệ lụy đến cuộc sống của cha ông chúng ta. Đặc biệt
là chúng ta không khỏi bùi ngùi rơi lệ khi có dịp đi qua hoặc viếng thăm các
khu nghĩa trang ở Vila, Santo, Malicolo, Epi v.v... Nếu tổng kết lại, trong
công cuộc khai phá làm giầu cho Tân đảo thì cũng có hàng ngàn người xấu số đã
phải gửi gắm nắm xương tàn nơi đất khách. So với tổng số phu mộ trên dưới 23
ngàn người có mặt ở Tân đảo thời bấy giờ thì tỷ lệ mất mát là quá lớn. Tính ra
cứ 100 người thì có gần 5 người tử vong.
Người dịch sẽ cố gắng dùng từ ngữ thật sát với từng thời điểm để giúp người đọc
dễ hiểu hơn. Rất có thể có những sai sót nhầm lẫn nhất định trong khi dịch thuật.
Vậy xin quý vị độc giả lượng thứ. Xin trân trọng cảm ơn.
Trích dịch nguyên bản Luận án
tiến sĩ về khoa học lịch sử :
« La Colonisation des
Nouvelles Hébrides et les Indochinois »
(Cuộc xâm chiếm Tân đảo làm
thuộc địa và những người dân đến từ xứ Đông dương).
Tác giả: Frederique TAILHADE
Dưới sự chỉ đạo của : Ông
CARBONELL – 1987
PHẦN BỐN
Quan Thanh tra Lao động
Thanh tra Lao động ở Tân đảo có hay không? Tất
nhiên là có. Kể từ trước khi bắt đầu có những chuyến tầu đầu tiên chở người phu
mộ tông-ki-noa đến Tân đảo. Các điền chủ đã gọi quan thanh tra lao động là “con
quái vật”. Vì mỗi lần đi thị sat, ông ta soi mói đến từng chân tơ kẽ tóc về những
sai phạm của các điền chủ đối với người lao động.
Trách nhiệm của quan thanh tra rất lớn và nặng nề.
Đó là việc theo dõi giám sát buộc các điền chủ phải tôn trọng và thực hiện đúng
các điều khoản đã kí kết trong bản hợp đồng lao động. Nhưng dù tích cực năng động
đến đâu cũng thường quá muộn màng. Vì tất cả những văn bản ghi nhận của thanh
tra lao động về những vụ việc quan trọng thường được giữ bí mật và hầu như ít
được công bố rộng rãi. Trừ một vài vụ việc đơn giản không liên quan đến ai.
Cũng có một vài sự việc tương đối quan trọng đã được
đăng tải lên báo chí. Nhưng đều nói rõ là theo “tin đồn đại” chứ không phải của
thanh tra lao động.
Còn các bản báo cáo thực của thanh tra lao động đã
được điền chủ cấu kết với chính quyền địa phương chỉnh sửa nhằm giảm tội cho chủ và quy phần trách nhiệm cho người cu-li phu mộ
tông-ki-noa.
Ngày 28/9/1925, ngài toàn quyền Pháp tại khu vực đã
viết báo cáo gửi ngài Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Daladier về việc Chính phủ Đông
dương quyết định ngừng việc tuyển mộ lao động sang Tân đảo vì đã nhận được bản
cáo trạng cuả quan Thanh tra Lao động Đờ La-ma (Delamarre) như sau:
“Tôi thừa nhận là có sự việc đối xử tàn tệ của điền
chủ đối với người lao động và tôi cũng xin xác nhận là có những sự vi phạm của
một vái điền chủ gây nên tình trạng căng thẳng, nhưng tôi đánh giá đó là sự
quân bình và không nên vơ đũa cả nắm. Tôi trân trọng đề nghị quý Ngài nên xem
xét cân nhắc kĩ cái lợi hại của tình hình chung và tiếp tục cho phép các điền
chủ được thâu nhận những lao động tông-ki-noa, một lực lượng công nhân không thể
thiếu trong các đồn điền hiện nay. Việc ngừng tuyển mộ lao động đông dương giữa
lúc Công ty Bất động sản của Pháp tại Tân đảo đang trên đà phát triển, ví như một
nhát búa có thể giết chết Công ty này và các chi nhánh của nó”.
Tháng chin năm 1929, người ta đã được đọc trên báo
Néo Hebridais:
“Quan thanh tra lao đông Ô-giê (Auger), với mục
đích cảnh báo các điền chủ, ngài đã thông báo cho công đoàn của các điền chủ, về
việc ngài đã nắm rõ tình trạng đối xử bất công vời người lao động tông-ki-noa
trong một số đồn điền gây nên sự phản kháng của chính phủ Đông dương. Thí dụ: một
tên đốc công trẻ nọ đã không nương tay khi dùng roi gân bò (cặc bò) đánh túi bụi
vào thân thể những người lao động.
Tuy vậy ngài Ô-giê cũng đã xác nhận là tình hình
chung trong các đồn điền đã ổn định tương đối tốt. Đời sống của người lao động
nói chung đã được cải thiện. Nhưng cái chính yếu là ngài muốn nhắc nhở các điền
chủ phải tôn trọng và thực hiện đúng các điều khoản đã ghi rõ trong văn bản hợp
đồng kí kết với người lao động. Ngài cũng đã lưu ý nhắc nhở các điền chủ biết
rõ là chính quyền địa phương đã quan tâm hơn nhiều đến người lao động từ khi có
bản báo cáo của Ngài Đờ La-ma năm 1925”.
Một vài trường hợp hiếm hoi buộc quan thanh tra lao
động quyết định ngừng việc cung cấp lao động tông-ki-noa cho một số điền chủ.
Hành động này không thể coi là quan thanh tra lao động đã đứng hẳn về phía những
người cu-li tông-ki-noa để giúp đỡ họ. Vì những người cu-li làm việc trong các
đồn điền hẻo lánh hoặc tại những đảo xa xôi đã bị cô lập. Vì không có quyền hủy
hợp đồng nên họ không còn sự lựa chọn nào khác, họ đã bị dồn ép vào thế chân tường,
tiến thoái lưỡng nan.
Như vậy, người cu-li tông-ki-noa chỉ còn trông chờ ở
sự can thiệp và giúp đỡ công bằng của quan thanh tra lao động mà thôi. Nhiệm vụ
cũng như trách nhiệm chính của quan thanh tra lao động là bảo vệ quyền lợi của
người lao động, nhưng ý nguyện tốt đẹp của quan thanh tra không mấy khi thực hiện
được. Vì tất cả những báo cáo của quan thanh tra thường bị chính quyền kiểm duyệt
và sửa đổi cắt xén.
A. Hành trình truyền bá tín ngưỡng tôn giáo.
Cu-li tông-ki-noa là những người thuộc quyền
« bảo hộ » của người Pháp (sujets protégés francais). Số lượng đông
đúc về nhân khẩu của họ đã vượt xa số kiều dân Pháp ở Tân đảo. Điều mà đa số
các vị linh mục dòng Đức Bà đồng trinh (Pères maristes) và các nhà truyền đạo
quan tâm hàng đầu trong việc củng cố và phát triển khối cộng đồng tín ngưỡng
tôn giáo này.
Cụ Cố-tà (Henri Coustard de Nerbonne)
Năm 1925, linh mục Ê-min Rê-mông (Emile Raymond), một
vị tông đồ của Tòa Thánh đã viết thư cho Đức cha Đuy-răng Vô-ga-rông (Durand
Vaugaron) như sau:
“Ước vọng chung của chúng ta là mong muốn Chính phủ
can thiệp bằng cách truyền bá rộng rãi vấn đề liên quan đến tôn giáo trong hàng
ngũ những người cu-li tông-ki-noa, đặc biệt đối với những người có nguyện vọng
định cư lâu dài ở xứ sở này. Nhất là những người có xuất xứ từ những vùng công
giáo ở Việt nam rất có thiện cảm với đạo
Gia-tô và cũng rất dễ dàng trở thành tín đồ của dòng đạo này. Bản thân tôi cũng
rất lấy làm buồn phiền mỗi khi phải chứng kiến cuộc sống bần cùng của những người
cu-li này nọ. Suy cho cùng thì họ cũng là những con người bị sa cơ lỡ vận vì miếng
cơm manh áo.
Họ cũng mong muốn thoát ra khỏi cảnh bần cùng túng
thiếu. Đôi khi chỉ cần chúng ta cố gắng nhẫn nại một chút để ngồi nghe họ cởi mở
nỗi niềm trút bầu tâm sự, là đã ít nhiều giúp họ giảm bớt được nỗi đau khổ
trong lòng. Trước khi gửi bức thư này, tôi mạn phép muốn nói đôi điểu về các
trường học. Con cái của người cu-li tông-ki-noa thường rất thông minh, chúng có
thể theo học lớp giảng dậy có quy mô theo nền văn hóa châu Âu. Nhất là trong điều
kiện mà chúng không phải tiếp xúc hàng ngày với các hủ tục và tập quán cổ truyền
của đất nước quê hương cha mẹ chúng. Nếu được như vậy thì chắc chắn trong vài
năm tới, chúng ta sẽ đào tạo được lớp người mới có đầy đủ khả năng phục vụ tối
ưu cho chính sách mở rộng thuộc đia tại nơi này. Đó cũng là một kế sách mở rộng
tín ngướng đạo Gia-tô nhằm chông đối lại sự bành trướng nguy hiểm về đạo Tin
lành của người ăng-lê Anh quốc...”.
Chân dung một nhà truyền đạo (Mục sư) người Anh tại Tân đảo
Chân dung một nhà truyền đạo (Mục sư) người Anh tại Tân đảo
Bức thư này cũng đã khẳng định câu nói của R. Cust,
một vị mục sư người Anh như sau: “Nhà truyền đạo người Pháp không những có tài giảng đạo về Thiên chúa giáo mà cả cho
đạo lý của nước Pháp nữa”.
Chính vì vậy mà tư tưởng truyền bà tín ngưỡng đã trở
thành cuộc hành trình không mệt mỏi và đầy nguy nan sóng gió, khởi đầu từ những
năm 1927 trên các đảo xa xôi hẻo lánh ở Tân đảo. Và hậu quả là có một số nhà
truyền đạo đã trở thành mồi săn của các bộ lạc thổ dân ăn thịt người
(canibalisme). Họ đã tử vì Đạo.
“Trích dẫn từ cuốn sổ ghi chép về Thế giới Nội tâm
của người cu-li tông-ki-noa và những người gốc đông dương khác”.
Cuốn sổ này bắt đâu được sử dụng ghi chép từ tháng
7 năm 1927 đến tháng 5 năm 1938. Cuốn sổ này vừa để ghi số liệu kế toán vừa để
ghi chép những sự việc và sự kiện do linh mục Đuy-răng Vô-ga-rông (Durand
Vaugaron), người chịu trách nhiệm chính trong việc quản lí những người phu mộ
cu-li tông-ki-noa theo đạo thiên chúa. Linh mục Đuy-răng đã ghi chép tỉ mỉ tất
cả các sự việc trong cuộc hành trình truyền đạo trên các đảo.
Tầu con thoi bằng gỗ Saint Joseph chạy liên đảo cũng gần giống con tầu này
Tầu gỗ nhỏ Xanh Giô-dép thường xuyên bị sự cố về
máy móc (Saint Joseph) có nhiệm vụ đưa linh mục đi kinh lí các đảo nhỏ hẻo
lánh, thăm các đồn điền và cả những người cu-li tông-ki-noa nữa. Nhưng khi đọc
cuốn sổ ghi chép này, người ta cảm thấy áy náy. Vì linh mục Đuy-răng thiên về
việc chú ý đến các công việc của các linh mục trong các nhà nguyện và đời sống
của các điền chủ hơn là quan tâm chăm sóc đến phần hồn của các con chiên
tông-ki-noa.
Năm 1931, Linh mục Đuy-răng ghi vào sổ như sau:
“Trong một đêm nọ, trộm đã hỏi thăm chiếc rương hòm
của ông “cai” nọ và đã cuỗm đi tất cả các đồ dùng cộng thêm số tiền mặt là
1.000 quan (franc). Ông “Cai” nọ đã đến gặp tôi, vừa khóc mếu vừa kể rõ sự việc
và nói nguyên văn như sau: “An-nam-mít tú-dua duê, tú-dua phuy-mê ô-bi-ôm. A-lờ
tú-dua rờ-gác-đê cẩm xà pua vô-lê lác-dăng nu-dốt. In phô cáp-mằn đề-phăng-duy
duê, đề-phăng-đuy phuy-mê ô-bi-ôm. A-lờ, vô-lê mỏ nhá phi-ní». (Annamite toujours jouer,
toujours fumer l’opium, alors toujours regarder comme Ça pour voler l’argent nous autres. Il faut le
capman (le patron) défendre de jouer, défendre de fumer l’opium, alors, voler moyen
fini). (Capman ở đây đồng nghĩa với chữ government của Anh nói theo tiếng
bislama là nhà cầm quyền)
Đệ tử của nước cộng hòa Làng bẹp (Republique des Opiomanes)
Có thể hiểu ý của ông cai nọ
là như thế này : « dân an nam thích cờ bạc, thích hút thuốc phiện,
luôn rình mò để ăn cắp cuả người khác thôi. Nhà nước phải ra lệnh cấm đánh bạc,
cấm hút thuốc phiện thì tệ nạn trộm cắp sẽ chấm dứt ». Phải công nhận
là lý luận của người « cai » này cũng khá chuẩn xác và thông
minh. Ông cai hiểu rõ đồng bào của ông hơn chúng ta nhiều. Trong số cu-li
tông-ki-noa cũng có những người có ý thức và kỉ luật, nhưng không nhiều.
Linh mục Pierre Loubiere
Đúng ra thì số cu-li ngoan đạo
cũng không làm cho linh mục hài lòng. Cụ thể là sau khi được làm lễ rửa tội,
con chiên chỉ biết làm dấu thánh giá, đọc tên Đức chúa Giê-su và A-men mà thôi.
Ngoài ra không hề thuộc một câu kinh kệ nào cả. Thật là thất vọng.
Một điều thật trớ trêu đã xẩy
ra. Một hôm mấy con chiên mời linh mục đi thăm nơi thờ cúng của họ. Linh mục đã
mục kích một cảnh lộng lẫy được trang hoàng trong khu nhà ở của cu-li. Họ đã
xây cất một loại đền thờ rất đẹp, nhưng theo kiểu chùa chiền (pagode). Và họ đã
mời linh mục đích thân đọc kinh thánh cử hành Lễ khai trương.
Linh mục đã ghi nhận một điều
xứng đáng được khen ngợi, đó là lòng hào
tâm rộng rãi của các con chiên khi góp tiền vào công quỹ của Nhà thờ trong các
dịp Lễ Rửa tội, tổ chức cưới xin cũng như làm lễ ban phước lành cho những người
xấu số. Họ sống trong nghèo nàn nhưng rất hào phóng đối với tín ngưỡng. Trên thực
tế những cuộc hành lễ dành cho người chết nhiều hơn các nghi lễ khác. Nhất là
sau dịch bệnh lan truyền từ đảo Păng-ti-cốt (Pentecote) đã gây tổn thất nặng nề.
Sự tín ngưỡng và lễ bái có làm giảm thiệt hại hay không thì không rõ. Nhưng người
xấu số đã phài chia tay từ bỏ cõi Trần để lên Thiên đàng chiếm con số khá đông.
.
Hình ảnh chặt phá rừng khai hoang trồng dừa ở Tân đảo.
.
Hình ảnh chặt phá rừng khai hoang trồng dừa ở Tân đảo.
Linh mục Đuy-răng Vô-ga-rông
có sẵn một bàn thờ di động tháo lắp dễ dàng. Có thể đặt bàn thờ ở bất cứ nơi nào
cần cử hành Lễ. Trong một nhà kho hay ở ngoài trời, buổi Lễ chầu thường cử hành
lúc 3 giờ sáng. Vì 5 giờ đúng là các môn đồ đã phải tập trung ở nơi làm việc
hàng ngày.
Ngoài việc chăm sóc phần hồn
cho các tín đồ, linh mục còn chịu trách nhiệm giải quyết việc liên lạc giữa họ
với thân nhân gia đình ở quê hương Bắc kì. Đặc biệt trong việc chuyển gửi thư từ
và nhất là chuyển tiền qua ngân khố đến tận tay gia đình thân nhân của họ. Và
đôi khi phải giải quyết cả những vụ kiện tụng, ca thán của họ nữa.
Linh mục Durand Vaugaron nói thành thạo tiếng Việt Nam
Linh mục đã viết trong một bản
báo cáo như sau :
« Các cuộc đi kinh lí
hàng năm thường kéo dài một tháng đến 6 tuần lễ. Tôi có dịp gặp gỡ từ 300 đến
350 người cu-li công giáo. Đã tổ chức cử hành Lễ chầu, đọc kinh và ban Lễ
thánh, giải quyết một vài vụ hôn nhân
theo luật lệ tôn giáo v.v…
Đến bất cứ nơi nào, tôi cũng
được các điền chủ và các cu-li công giáo đón tiếp một cách trọng thể. Đắc biệt
là các tín đồ tông-ki-noa đã dành cho tôi một nghi lễ đón tiếp theo phong tục
truyền thống của người dân đạo Ki-tô xữ Bắc kì. Một số cu-li công giáo đã không
nghiêm minh trong quan hệ yêu đương tổ ấm vợ chồng. Có người đã bỏ rơi vợ con ở
quê hương. Có cả những đôi vợ chộng chỉa rẽ trên đường đến Tân đảo hoặc ngay
trong các khu đồn điền. Tình hình rất phức tạp. Nhưng đó là tự do cá nhân không
ai có quyền can thiệp, áp đặt được ».
Dù sao, trong bất cứ hoàn cảnh
nào thì linh mục cũng không thể nào cử hành lễ thành hôn cho đôi vợ chồng nọ,
trước khi nhận được thông tin thẩm tra
về hoàn cảnh và nguồn gốc của họ thông qua các giáo xứ tại Bắc kì xác nhận là họ
thực sự chưa vợ chưa chồng.
Mặt khác, vị Linh mục và Nhà
thờ đã làm khâu trung gian thay cho Chính quyền, nhằm làm cầu nối liên lạc giữa
người cu-li công giáo với gia đình thân nhân của họ ở quê hương. (xem bức thư)
Một bức thư của bà Ngô Thị Huệ làng Kiên trung Huyện Hải hậu Tỉnh Nam định gửi Cụ Cố Tà ở Tân đảo năm 1929
Một bức thư của bà Ngô Thị Huệ làng Kiên trung Huyện Hải hậu Tỉnh Nam định gửi Cụ Cố Tà ở Tân đảo năm 1929
Người dân Bắc kì dưới con mắt
của người da trắng
Qua tất cả những đoạn văn của
bài viết, người ta nhận ra rằng, người lao động đến từ xứ Đông dương có một cái
tên gọi không nhất quán. Ví dụ : những danh từ như an-nam (annamites),
tông-ki-noa (Bắc kì) hoặc người dân xứ Đông dương (indochinois) không phải để
chỉ định cho từng khu vực, mà vấn chỉ là một người duy nhất mà thôi. Đó là người
cu-li đến từ Bắc kì có tên gọi tông-ki-noa.
Các điền chủ không có sự
phân biệt nào khác. Họ gọi chung tất cả cu-li đến từ Bắc kì là
« tông-ki-noa ». Thậm chí có điền chủ còn gọi người cu-li là
« đám mọi man rợ » (la meute). Còn cá nhân người cu-li không là cái
gì đối với điền chủ cả. Nhưng trong một số đồn điền, người chủ thường gọi người
làm theo số báo danh đeo trên ngực.
Điền chủ thường không bao giờ
nói lên sự thật. Họ chỉ nói cái hay cái tốt của họ trong việc khai thác đât đai
và làm giầu. Còn khi nói về người lao dông tông-ki-noa thì hầu như cái gì cũng
đều bình thường theo khuôn khổ cả.
Khu vực Nhà thờ giáo xứ dòng Đức Bà Mariste tại Port Vila Tân đảo
Đối với các vị truyền giáo thì
quan điểm chung của họ đều giống nhau ở chỗ đánh giá người cu-li có phần đặc sệt
tiêu cực. Nào là trộm cắp, cờ bạc rượu chè, thuốc phiện, lười biếng, rắn đầu
v.v… Kết luận : Họ là những người
hiền lành thông minh khi còn nhỏ tuổi, nhưng càng lớn tuổi lại hư đốn mất dậy
(pervertis), Như vậy rõ ràng là phải tập trung giáo dục, truyền bá niềm tin (la
Foi) và tình yêu nước Pháp cho lớp người son trẻ này.
Trên thực tế, chỉ sau thời kì được
quyền tự do định cư năm 1945 (Résidence libre) thì người Việt Nam (Bắc kì) mới
có đủ tư cách pháp nhân là một con người thực sự theo đúng nghĩa của nó.
Xin mời quý vị theo dõi tiếp
phần 5 trong kì tới.
Người dịch xin trân trọng kính
chào và cảm ơn quý vị đã dành thời gian quý hiếm để ghé thăm Blog Tân đảo Xưa
và Nay. Và đặc biệt đã quan tâm đến lịch
sử về cuộc sống tha phương của người phu mộ Việt Nam tại Tân đảo Thế kỉ 20.
Xin chúc mọi người vui khỏe và
may mắn.
No comments:
Post a Comment